Quản lý sử dụng nhà và công sở

09:01, 22/01/2018

Nghị định số 139 của Chính phủ đã có hiệu lực với nhiều nội dung cụ thể trong quản lý, sử dụng nhà ở, biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Đã đến lúc cần khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 

* Vi phạm sử dụng biệt thự, phạt đến 200 triệu đồng
 
Nghị định số 139 của Chính phủ đã có hiệu lực với nhiều nội dung cụ thể trong quản lý, sử dụng nhà ở, biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Đã đến lúc cần khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 
 
Biệt thự đường Cô Giang là một trong những biệt thự đặc sắc do Công ty TNHH DIDAMA thuê ngày càng để hoang phế (ảnh chụp chiều ngày 17/1/2018). Ảnh: M.Đ
Biệt thự đường Cô Giang là một trong những biệt thự đặc sắc do Công ty TNHH DIDAMA thuê ngày càng để hoang phế (ảnh chụp chiều ngày 17/1/2018). Ảnh: M.Đ
Từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực. Nghị định 139 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. 
 
Trong đó, Điều 65 ghi rõ: vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà biệt thự sẽ phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. 
 
Bao gồm một trong các hành vi sau: Thay đổi một trong các yếu tố đối với nhà biệt thự thuộc nhóm 1 như hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng hoặc chiều cao; thay đổi kiến trúc bên ngoài đối với biệt thự thuộc nhóm 2. Cùng đó, đối tượng vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định.
 
Cũng tại Nghị định 139, quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 64) sẽ phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có một trong các hành vi sau: tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở; sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở; chiếm dụng nhà ở. Hoặc phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với người thuê nhà ở công vụ có một trong các hành vi: không sử dụng nhà vào mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình và các thành viên trong gia đình trong thời gian thuê; tự ý cải tạo, sửa chữa hoặc phá dỡ nhà ở công vụ; cho thuê lại, cho mượn hoặc ủy quyền quản lý nhà ở công vụ; không trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà theo quy định. Kèm theo là các biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở đối với hành vi vi phạm…
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngày 8/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã ký Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ban hành “Quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt” và đã có hiệu lực từ ngày 20/12/2017, là cơ sở pháp lý rất quan trọng. Theo Phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng Lâm Đồng, tại thời điểm này, số lượng biệt thự do nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 162 biệt thự và được chia thành ba nhóm: 1, 2 và 3. Trong đó nhóm 1 có 5 dinh thự là Dinh I, II, III và số 4 Hùng Vương, số 1 Lý Tự Trọng. Đây là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa hoặc biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Nhóm 2 gồm 74 biệt thự, là những biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và số còn lại thuộc nhóm 3 gồm 83 biệt thự. Thời gian qua, các biệt thự nêu trên đã và đang được cho các doanh nghiệp thuê lại để đầu tư sử dụng hoặc giao các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng một số biệt thự đã và đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, một số khác đang bị bỏ hoang phế hoặc tác động trái quy định, hoặc sử dụng không đúng mục đích… Ông Chu Minh Chiến, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, nguyên là lãnh đạo Trung tâm Quản lý nhà thành phố Đà Lạt cho biết: Rất nhiều biệt thự đã bàn giao cho các doanh nghiệp thuê từ nhiều năm nay nhưng vẫn để hoang, không đầu tư tu bổ nên ngày càng xuống cấp trầm trọng. 
 
Tại quy định của Quyết định số 47 nêu trên, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng quỹ biệt thự; cùng như cá nhân, tổ chức được thuê biệt thự và người sử dụng không phải là chủ sở hữu biệt thự phải thực hiện… 
 
Đã đến lúc rất cần thực hiện nghiêm thượng tôn pháp luật, góp phần bảo tồn giá trị kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt mà như tất cả giới kiến trúc trong và ngoài nước đều khẳng định không có thành phố nào ở Việt Nam sánh được. Theo Quyết định 47, UBND tỉnh đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho các sở liên quan như: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư, cùng đó UBND thành phố Đà Lạt. Trong đó, sẽ xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trái các quy định và tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng vi phạm. UBND thành phố Đà Lạt phải tổ chức kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất), kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Thiết nghĩ, trước mắt, khi hành lang pháp lý của UBND tỉnh Lâm Đồng và Chính phủ đã có hiệu lực, ngay từ bây giờ, các cơ quan, đơn vị chức năng cần khẩn trương kiểm tra, xử lý những vi phạm về quản lý, sử dụng nhà và công sở theo quy định. Cần thiết, nhanh chóng xem xét và trình cấp có thẩm quyền thu hồi những dự án đã cho thuê nhưng bỏ hoang không đầu tư tu bổ, tiếp tục cho nhà đầu tư khác thuê lại để cứu lấy các biệt thự đang ngày càng tàn phế nặng nề. 
  
MINH ĐẠO