Những người "vác tù và hàng tổng"

08:01, 29/01/2018

Không ít người nghĩ rằng làm công tác hòa giải cơ sở là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng tận tâm làm công việc đó để "giữ ấm" nghĩa xóm tình làng. Tại Ðam Rông, hiện 56/56 thôn trên địa bàn huyện đều có tổ hòa giải với 332 hòa giải viên.

Không ít người nghĩ rằng làm công tác hòa giải cơ sở là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng tận tâm làm công việc đó để “giữ ấm” nghĩa xóm tình làng. Tại Ðam Rông, hiện 56/56 thôn trên địa bàn huyện đều có tổ hòa giải với 332 hòa giải viên.
 
Việc thành lập tổ hòa giải và phát huy vai trò của hòa giải viên đã góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư ở thôn Dơng Glê, xã Phi Liêng. Ảnh: N.N
Việc thành lập tổ hòa giải và phát huy vai trò của hòa giải viên đã góp phần giữ gìn tình đoàn kết
trong cộng đồng dân cư ở thôn Dơng Glê, xã Phi Liêng. Ảnh: N.N

Phát huy tổ hòa giải cơ sở ở Ðam Rông
 
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho rằng: “Mục đích của hòa giải cơ sở nhằm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà và góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
 
Đam Rông là huyện vùng xa với hơn 74% dân số là người DTTS thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Bởi vậy việc thực hiện Luật hòa giải cơ sở đã được lãnh đạo huyện Đam Rông quan tâm. 
 
Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở đã giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần ổn định và phát triển xã hội. Xác định rõ tầm quan trọng này nên hàng năm huyện đều tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Trong đó tập trung vào hai nội dung gồm luật và kỹ năng hòa giải cơ sở. 
 
Bên cạnh đó, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều chú trọng xây dựng và phát triển các tổ hòa giải cũng như đội ngũ hòa giải cơ sở. Tại thôn Dơng Glê, xã Phi Liêng - một thôn mới thành lập để ổn định tình hình du canh du cư của một bộ phận người Mông và người Dao từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, trong những năm đầu thành lập, tình hình an ninh chính trị phức tạp, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác vẫn mang nặng tục lệ cũ nên việc xây dựng và hình thành tổ hòa giải cơ sở rất khó khăn. Trong đó khó nhất là lựa chọn những người thực sự ưu tú, đủ tiêu chuẩn để đảm đương nhiệm vụ “người phán xử” của bà con. Theo lãnh đạo xã Phi Liêng, xã đã thường xuyên cử cán bộ vào thôn để từng bước hướng dẫn, hỗ trợ, tạo nguồn nhằm thành lập được tổ hòa giải ở Dơng Glê. Đồng thời, UBND xã vẫn thường xuyên “sát cánh” để tổ hòa giải hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Còn tại xã Đạ Tông, ông Hoàng Mạnh Huỳnh - Chủ tịch UBND xã  cho biết: Tổ hòa giải các thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và đặc biệt là đội ngũ già làng, người có uy tín. Đó là cách để giải quyết hiệu quả nhất các vụ việc vừa đảm bảo tính thượng tôn pháp luật vừa hài hòa với văn hóa của bà con. 
 
Theo thống kê của Văn phòng huyện Đam Rông, trong năm qua, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 109 vụ việc lớn. Trong đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự 53 vụ, hôn nhân gia đình 30 vụ, lĩnh vực khác 26 vụ. Trong đó đã có 67 vụ hòa giải thành công. Tuy vậy con số này “vẫn chưa đạt được như sự kỳ vọng” của lãnh đạo huyện Đam Rông. Điều này do một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho công tác hòa giải. Tại không ít địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác hòa giải đôi lúc chưa chặt chẽ. Nhiều hòa giải viên còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; đồng thời ngại va chạm, nên chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình trong giải quyết các vụ việc nên công tác hòa giải chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 
 
Vui, buồn chuyện hòa giải
 
Theo thống kê của huyện Đam Rông, 90% hòa giải viên là người DTTS có uy tín, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt và uy tín trong cộng đồng dân cư. “Đó là những điều kiện tiên quyết để đảm nhiệm vị trí người hòa giải”, ông Lơ Mu Ha Krang - Tổ trưởng Tổ hòa giải Thôn 4, xã Rô Men khẳng định.
 
Trong câu chuyện của ông Dơng Gur Ha Srai - là hòa giải viên tiêu biểu ở Đam Rông thuộc tổ hòa giải Thôn 2, xã Đạ Long, những kỷ niệm về công tác hòa giải dạt dào như suối chảy. Bởi tất cả mọi việc từ bé đến lớn trong thôn bà con đều nhờ tới những người hòa giải. Đó là chuyện chồng say xỉn đánh đập vợ, chuyện hàng xóm tranh chấp đất đai, chuyện lấn chiếm đất rừng... “Tất cả mọi mâu thuẫn của bà con đều do cái nghèo mà ra. Bởi thế, dù có lúc đi hòa giải, nhiều người đàn ông uống rượu say còn chửi bới, dọa đánh đập... nhưng mình thương nhiều hơn là giận. Bởi thế, các hòa giải viên vẫn cứ kiên nhẫn đến góp ý, khuyên răn, chỉ cách chăm lo làm ăn cho bữa cơm thêm thịt cá, vậy là hết cãi nhau. Ai cũng chăm lo làm ăn thì đâu còn tranh chấp”, ông Ha Srai nói. 
 
Còn ông Kră Jăn Ha Blăh - Ttổ trưởng Tổ hòa giải Thôn 3, xã Liêng Srônh cũng chẳng nhớ nổi mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc, giúp bao nhiêu cặp vợ chồng không đòi “đổ gạo” (ly hôn), bao nhiêu gia đình được hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Ông chỉ nhớ rõ cái cảm giác hạnh phúc khi “hóa giải” được những mâu thuẫn để có gia đình hòa thuận, để làng xóm không “lời qua tiếng lại” với nhau. Qua nhiều năm làm công tác hòa giải, kinh nghiệm đúc rút của vị tổ trưởng tổ hòa giải gói gọn lại “Mỗi vụ việc một cách hòa giải khác nhau. Mình phải nghe kỹ, nghĩ kỹ, bàn bạc kỹ trong tổ hòa giải rồi đưa ra lời thuyết phục hợp lý, hợp tình vậy bà con mới tin mình”.
 
Mỗi người một cách hòa giải nhưng tựu chung lại là bất cứ lúc nào, nơi đâu có mâu thuẫn, nơi đó có hòa giải viên với nhiệm vụ hòa giải cơ sở; dùng cái “lý” và cái “ tình” để hóa giải những mâu thuẫn, ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to” để giữ hạnh phúc gia đình, giữ tình làng nghĩa xóm. 
 
N.NGÀ