Lớp học xóa mù "đặc biệt" giữa rừng sâu

08:01, 04/01/2018

Chiều tối ngày đầu năm 2018, tại điểm trường Thôn 3 - Trường Tiểu học Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã đã phối hợp với Trường Tiểu học Phước Cát 2 tổ chức khai giảng "Lớp học xóa mù" cho 21 học sinh là người dân tộc S'Tiêng, Châu Mạ, K'Ho sinh sống trên địa bàn xã. 

Chiều tối ngày đầu năm 2018, tại điểm trường Thôn 3 - Trường Tiểu học Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã đã phối hợp với Trường Tiểu học Phước Cát 2 tổ chức khai giảng “Lớp học xóa mù” cho 21 học sinh là người dân tộc S’Tiêng, Châu Mạ, K’Ho sinh sống trên địa bàn xã. Đây là chủ trương trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, xóa mù cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
 
Giờ học đầu tiên của “lớp học xóa mù”
Giờ học đầu tiên của “lớp học xóa mù”

Lớp học xóa mù này được coi là “lớp học đặc biệt”. Bởi 21 học sinh có độ tuổi từ 15-40 chưa từng học chữ kể từ khi chào đời. Nhiều gia đình cả đời ông, con, cháu đều không biết chữ, quanh năm chỉ sống trong rừng sâu Cát Tiên, mọi sinh hoạt hầu như “tách biệt” với thế giới bên ngoài. Phấn khởi được các cô giáo Trường Tiểu học Phước Cát 2 vượt gần chục cây số đến tận nhà mời đi học, chị Điểu Thị Máp, 38 tuổi tay dắt hai con lớn, lưng địu đứa nhỏ đến Nhà Văn hóa xã từ 2 giờ chiều  chia sẻ khi tiếng Kinh chưa sõi: “Nhà em ở xa lắm, mãi bên kia rừng kìa. Nghe được đi học em thích lắm. Ba mẹ con đi luôn. Được xã cho ăn, cho học chữ là vui cái bụng lắm”. Chị Máp cho biết thêm, bố, mẹ, chồng chị cũng không biết chữ. Gia đình nghèo khó, ở rừng sâu nên không có điều kiện đi học. 
 
Để động viên tinh thần học tập của bà con, UBND xã Phước Cát đã tổ chức “chiêu đãi” lớp học xóa mù bữa cơm tại Nhà Văn hóa Thôn 3. Xúc động trước nghĩa cử của cán bộ xã và tinh thần học chữ của bà con trong thôn bản, cô giáo Trịnh Thị Út mắt rưng rưng khi hướng dẫn học sinh đọc, viết. “Để có lớp học này, giáo viên đến từng nhà vận động bà con. Có người nhất khoát không đi, nhưng sau nhiều lần thuyết phục, bà con hiểu ra và theo luôn về trường. 21 học sinh lớp học xóa mù này đều là những người nghèo khó, nhà ở tận rừng sâu, ít khi tiếp xúc với bên ngoài. Bằng mọi cách chúng tôi sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết đếm con số”, cô Út nói.
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường Phước Cát 2 cho biết, lớp học xóa mù này sẽ chia thành 2 lớp 4 và 5. Không có điện, sẽ học bằng đèn dầu và đèn ắc qui. Sách bút, đèn dầu do xã hỗ trợ. 
 
“Lớp học xóa mù” đã khởi động. Ở giữa rừng sâu núi thẳm ấy, những thầy cô giáo: Nguyễn Văn Nam, Trịnh Thị Út, Bùi Thị Anh ngoài thời gian dạy học chính khóa sáng chiều trong tuần; tối tối, các thầy cô lại cần mẫn gieo chữ cho 21 “học sinh đặc biệt”. Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối chỉ đủ soi con chữ trên trang giấy nhỏ, nhưng nó cũng thắp sáng tri thức cuộc đời và đem đến văn minh cho người dân bản xứ nơi đây.
 
MAI THẮNG