Ký ức Mậu Thân trong lòng người trong cuộc

08:01, 30/01/2018

Ðã 50 năm kỷ niệm Tết Mậu Thân nhưng những ngày tháng ấy vẫn luôn ấn tượng trong lòng những người trong cuộc như cô Chính Nghĩa, chú Lê Quang Vịnh… Bởi những tháng ngày tuổi trẻ ấy, họ đã dâng trọn đời mình cho khát vọng hòa bình.

Ðã 50 năm kỷ niệm Tết Mậu Thân nhưng những ngày tháng ấy vẫn luôn ấn tượng trong lòng những người trong cuộc như cô Chính Nghĩa, chú Lê Quang Vịnh… Bởi những tháng ngày tuổi trẻ ấy, họ đã dâng trọn đời mình cho khát vọng hòa bình.
 
Cô gái cảm tử đánh Dinh Ðộc Lập
 
Đó là giao thừa ấn tượng nhất trong cuộc đời Chính Nghĩa - cô Nghĩa rưng rưng chia sẻ khi kể chuyện Mậu Thân. 
 
Cô Chính Nghĩa - cựu nữ biệt động Sài Gòn
Cô Chính Nghĩa - cựu nữ biệt động Sài Gòn

Giữa lúc mấy anh em đang ăn liên hoan thì anh Ba Thanh vỗ vai Chính Nghĩa thông báo: “Em toại nguyện rồi nghe. Trận này em sẽ chiến đấu cùng các anh. Chúng ta sẽ đánh vào Sở chỉ huy Quận 5. Bây giờ, việc của em là đi tìm mua bông băng thuốc đỏ, phòng khi có anh em bị thương”. Trước đó, đã năm lần bảy lượt Chính Nghĩa xin các anh tham gia trực tiếp chiến đấu nhưng chưa được. Công việc của cô chủ yếu là giao liên và tập luyện võ nghệ cùng các anh chung đội.
 
Mười hai giờ khuya ngày mồng 1, chỉ vài giờ nữa sẽ tới giờ G. Cuộc họp cuối cùng trước khi diễn ra trận đánh, Ba Thanh đã thông báo thay đổi mục tiêu tiến công. Dinh Độc Lập mới là mục tiêu đánh của cả đội. Mười lăm anh em nhìn nhau thoáng chút âu lo vì hoàn toàn khác Sở chỉ huy Quận 5, đây là điểm đánh lớn, rất quan trọng. Cả đội cùng nắm tay nhau quyết tâm đánh tới viên đạn cuối cùng. 
 
“Anh em mình cố giữ trận địa khoảng mười lăm, ba mươi phút sẽ có quân chi viện. Chúng ta sẽ ở bên nhau cùng hỗ trợ, cùng chiến đấu. Em nhớ việc của em, vừa tham gia chiến đấu, vừa là y tá cho các anh em. Khi chiếm được Dinh Độc Lập, em bắc loa chiêu hàng tụi nó nhen” - anh Ba Thanh động viên Chính Nghĩa, khi thấy cô có chút lo lắng vì trận đầu tham gia lại là trận quan trọng.
 
Chính Nghĩa gật đầu sau câu nói khẳng định chắc chắn của anh Ba Thanh. Khoảng một giờ ba mươi phút ngày mùng 2 Tết Mậu Thân - 1968, đội biệt động mười lăm người trên ba xe tải nhỏ và hai chiếc Honda, chỉ duy nhất cô gái mười chín tuổi Chính Nghĩa là nữ được tham gia trận đánh. Đội xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200 kg có nhiệm vụ phá cổng.
 
Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những tên lính trong các ụ gác của đối phương nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. Năm chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào phía trong dinh.
 
Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, chính quyền Sài Gòn sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, năm người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, ba xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiêu diệt. Tình hình mỗi lúc một gay go, hơn ba mươi phút trôi qua mà vẫn chưa có quân tiếp viện.
 
Quân chi viện đến không kịp. Anh Ba Thanh là người hy sinh trên tay Chính Nghĩa. Khi cô định băng bó vết thương cho anh, Ba Thanh cản lại vì biết mình không qua khỏi và muốn để dành bông băng cho anh em. Anh dặn: “Anh không cùng anh em đánh được tới viên đạn cuối cùng rồi. Trụ lại... đánh đến viên đạn cuối cùng nghen các anh em”.
 
Anh Ba Thanh xuôi tay sau câu nói cuối cùng. Chính Nghĩa thấy sống mũi mình cay xè. Cô ôm chặt người anh thân yêu lần cuối rồi dằn nỗi đau, nhẹ nhàng đặt anh nằm xuống, tiếp tục cuộc chiến đấu. Lúc này cô mới phát hiện ra máu ướt thẫm sau lưng mình. Nghĩa đã trúng đạn lúc nào đó mà nỗi đau vừa mất một người anh còn đau hơn thế, khiến cô không nhận ra. 
 
Gần sáng, vẫn không thấy quân chi viện, tám anh em còn lại chạy núp sau những thân cây sao cao lực lưỡng, rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh bên tiếp tục cố thủ. Suốt một ngày, vừa đói vừa khát nhưng vẫn kiên quyết chiến đấu tới viên đạn cuối cùng như đã hứa với nhau, hứa với những anh em đã nằm xuống ngoài kia. Thậm chí, khi súng hết đạn, mấy anh em phải nhặt gạch đá xung quanh ném xuống làm vũ khí chặn đường xông lên của đối phương. Ba lần quân đối phương xông lên lại phải rút xuống. 
 
Lần thứ tư tiến lên, đối phương dùng thang điện lắp phía ngoài leo lên. Anh em ném lựu đạn ra. Chiếc thang máy cháy phừng phực khiến đám lính la tán loạn và nới rộng vòng vây hơn. 
 
Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng lúc đối phương chủ quan đi ngủ, bảy anh em dìu nhau vượt qua sân thượng các ngôi nhà bên cạnh. Bước qua vài căn, gặp một căn nhà ngói, các anh em đỡ nhau trổ mái chui xuống. Đến sáng, địch truy theo dấu máu đi tìm. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một anh trong đội rút chốt liều chết nhưng quả lựu đạn bị ngấm nước, không nổ. Các anh chị em đã bị đối phương bắt xuống đường.
 
Bắt đầu từ đó là hành trình qua những nhà tù, địa ngục trần gian mà cô gái trẻ hai mươi tuổi - Chính Nghĩa phải vượt qua cùng động đội. Cô vẫn giữ vững khí tiết can đảm, kiên trung của một chiến sĩ cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù không thành công như mong đợi nhưng trận đánh vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968 vẫn là một trận đánh ấn tượng của Biệt động Sài Gòn...
 
Tết Mậu Thân trong kí ức tử tù Lê Quang Vịnh
 
Ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, Lê Quang Vịnh đang ở Chuồng Cọp II, bỗng nhiên cai tù mở cửa, tháo còng, lôi ra khỏi chuồng. Tử tù Lê Quang Vịnh cùng các tử tù Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu, Trương Thanh Danh lên tàu thủy Mỹ chở về Sài Gòn. Điều này nằm ngoài dự đoán của các tử tù. Mấy anh em không tránh khỏi ngạc nhiên, khó hiểu, thậm chí nghĩ có thể có những âm mưu mới địch dành cho mình.
 
Dọc đường trở lại Sài Gòn, tuy chân bị còng, nhưng 4 người tù được hít thở không khí nơi mình từng gắn bó, chiến đấu và bị kết án tử hình sau trận đánh bom không thành đại sứ Nolting. Sau này mọi người mới hiểu, sau trận Mậu Thân, có rất nhiều anh em tù binh mới chuyển từ đất liền ra đảo, và một số anh em tù binh cũ được đánh giá là “khó trị” lại chuyển về đất liền để cách li một thời gian, dễ bề quản lý.
 
“Lúc ấy, chúng tôi nhận thấy trên đường về Tổng nha Cảnh sát ngụy, nhiều khu quân sự của địch bị phá nát. Khu căn cứ Hàng Xanh gần như sụp đổ hoàn toàn. Dinh Độc Lập cũng bị nhiều vết tích của một cuộc tấn công. Đường phố Sài Gòn mọc lên nhiều công sự bằng bao cát. Chúng tôi được chứng kiến tận mắt một trận đánh rất lớn của quân ta vào đầu não Sài Gòn vừa xảy ra còn nóng hổi. Dù không trực tiếp tham gia trận Mậu Thân nhưng việc chứng kiến khiến những người tử tù như chúng tôi thêm vững tin vào ngày mai” - Giáo sư Lê Quang vịnh chia sẻ.
 
Cựu tù chính trị Lê Quang Vịnh đón tết cùng gia đình
Cựu tù chính trị Lê Quang Vịnh đón tết cùng gia đình

Kể về những cái Tết ở Côn Đảo, ông xúc động nói: Quanh năm tử tù chính trị bị còng chân ở địa ngục trần gian thì đương nhiên làm gì có một cái tết đúng nghĩa. “Khẩu phần tết” có chút thay đổi: Thay vì tiêu chuẩn cho tử tù ăn 3 tháng được 100 g thịt, một ngày 450 g cơm (hai dĩa) thì ngày tết trên đĩa cơm mang vào chuồng được thêm một hai miếng thịt. Anh em tù đi lao động khổ sai bên ngoài thì tết nhất có khá hơn vì có điều kiện bắt thêm chút tôm cá tươi bên suối, bên ruộng, kiếm được vài hoa lá bên đường nên có không khí hơn. 
 
Tuy vậy, tết vẫn hiển hiện bên kia bức tường đá lạnh lẽo, bằng những âm thanh, mùi vị bên ngoài vọng vào. Một số tên cai tù ác ôn còn cố ý nấu đồ ăn thơm phức ngay gần những song sắt để mùi vị xào nấu lọt vào phòng giam, trêu tức những người tù. Lòng anh em tù nhân nào nao núng, họ kể cho nhau nghe những ngày tết ở quê, ở Sài Gòn, động viên nhau cố gắng, bản lĩnh hơn trong cảnh tù đày. 
 
Vào những phút giao thừa, khi tiếng pháo lọt vào phòng giam, những người tử tù đứng dậy tưởng tượng như trước mắt mình là lá cờ Tổ quốc. Anh em cùng nhau thầm cất lên bài Quốc ca. Có năm, anh em còn nhặt lá bàng khô, xé ra ráp lại thành câu đối tết: “Ngoài ngục, đào mai khoe sắc thắm. Trong tù, lý tưởng chói lòng son”. 
 
Cũng có khi không kìm nén được cảm xúc, anh em cùng hát to: “Nước mắt rưng rưng tràn má hóp. Quốc ca ta hát vọng ra ngoài”. Ngoài Quốc ca, những ca khúc cách mạng, những bài thơ yêu nước cũng được anh em lần lượt hát, đọc cho nhau nghe đầy xúc động. Hậu quả là họ phải cùng chịu những trận bị những cây sào thọc tới tấp từ trên song sắt xuống. Thậm chí có khi bị rắc vôi bột xuống, tóc như bạc trắng trong chớp mắt còn mắt thì đau nhức kinh khủng và gần như mù lòa một lúc. Thậm chí có năm anh em ở khu Hầm Đá tổ chức ăn tết ầm ĩ khiến cai tù nổi điên mở cửa hầm dùng chày vồ đánh tới tấp, dùng thủ pháo chứa hơi ngạt ném vào làm mọi người ngất xỉu. Vậy nhưng những lính canh gian ác, những bức tường đá chẳng bao giờ ngăn cản được lòng hướng về Tổ quốc, về đất liền của những người tù chính trị.
 
NGUYÊN THẢO