Krăngọ huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn

08:01, 23/01/2018

Là địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng Pró (Ðơn Dương) đã có những nỗ lực lớn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng Pró (Ðơn Dương) đã có những nỗ lực lớn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Và, việc Pró được công nhận xã NTM có sự đóng góp của các thôn, trong đó Krăngọ là một trong những thôn đã làm tốt công tác huy động sức dân để xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) nói riêng và xây dựng NTM nói chung.
 
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Krăngọ. Ảnh: H.K.G
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Krăngọ. Ảnh: H.K.G

Thôn Krăngọ có diện tích tự nhiên 492 ha, với dân số 353 hộ dân, 1.593 nhân khẩu hầu hết là đồng bào DTTS K’Ho; đời sống kinh tế, xã hội, cũng như trình độ dân trí trong thôn chưa ngang bằng với các địa phương khác. Một trong những hạn chế khó khăn nhất là hệ thống GTNT xuống cấp, không đồng bộ vừa gây khó khăn cho vấn đề lưu thông đi lại và vận chuyển hàng hóa, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. 
 
Trước thực tế đó, Ban điều hành thôn quyết định thành lập Ban vận động để tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đóng góp sức người, sức của xây dựng hệ thống đường GTNT trên địa bàn thôn. Sau khi được thành lập, Ban vận động thôn thông qua các cuộc họp thôn đã tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT và xây dựng kế hoạch thực hiện. Sau khi có kế hoạch, Ban vận động công bố cho người dân được biết, tham khảo ý kiến của người dân về phương cách thực hiện, đồng thời bầu ban giám sát cộng đồng để kiểm tra, giám sát quá trình vận động, tiến độ xây dựng, chất lượng công trình theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cùng với việc vận động đóng góp sức người, sức của từ người dân, Ban điều hành thôn đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của xã, của huyện trong việc đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT. 
 
Bằng cách làm đó, trong năm 2017, Ban điều hành thôn Krăngọ đã huy động được  gần 1,174 tỷ đồng để xây dựng 1.572 m đường GTNT và 2 con đường dân sinh tại thôn. 
 
Trong đó, nhân dân trong thôn đóng góp 388 triệu đồng và 450 ngày công, cùng hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Đến nay, hệ thống đường GTNT của thôn Krăngọ đã tương đối đồng bộ, từ trung tâm thôn đến mọi khu dân cư đều đã có đường giao thông đi lại thuận lợi cả mùa nắng, mùa mưa. Giao thông đi lại thuận lợi không những tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, mà còn tạo bộ mặt thôn khởi sắc với đường thông, hè thoáng, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt kết quả tốt. Điều đáng nói nữa là, sau khi hệ thống đường GTNT trên địa bàn thôn được xây dựng khá đồng bộ, có chất lượng, ban điều hành thôn đã giao nhiệm vụ cho chi đoàn tổ chức bảo vệ, quản lý, hình thành những tuyến đường thanh niên tự quản, góp phần bảo vệ và phát huy tác dụng ngày càng cao của các tuyến đường trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của thôn phát triển.
 
Điều đó, càng khiến người dân trong thôn tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của ban điều hành thôn cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà hước, cùng nhau “chung tay xây dựng thành công NTM tại thôn Krăngọ nói riêng, tại xã Pró và huyện Đơn Dương nói chung. Điều muốn nói nữa là, kết quả đạt được trong huy động sức dân để xây dựng đường GTNT ở thôn Krăngọ là bài học kinh nghiệm cho nhiều thôn khác, nhất là các thôn vùng đồng bào DTTS trong huy động sức dân để xây dựng các công trình phúc lợi, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ