
Dù vẫn còn hạn chế về mặt kỹ thuật nhưng sản phẩm của 2 cô gái lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Ðà Lạt) được đánh giá cao về tính nhân văn, đem lại lợi ích thiết thực cho người khiếm thị.
Dù vẫn còn hạn chế về mặt kỹ thuật nhưng sản phẩm của 2 cô gái lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Ðà Lạt) được đánh giá cao về tính nhân văn, đem lại lợi ích thiết thực cho người khiếm thị.
 |
Tú Uyên (trái) và Thu Tuyết (phải) đang tìm hiểu để cải tiến sản phẩm với mong muốn có thể đưa ra thị trường. Ảnh: H.T |
Bộ sản phẩm kính thông minh hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị kết hợp định vị GPS với smartphone của 2 bạn Giang Thanh Tú Uyên và Nguyễn Thị Thu Tuyết vừa xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo Xã hội 2017, hạng mục Sáng tạo trẻ dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc.
Tú Uyên và Thu Tuyết kể về hành trình tham gia cuộc thi của mình một cách đầy hào hứng bởi với cả hai, đó là những tháng ngày cùng ăn, cùng ngủ với “đứa con tinh thần”. Cả hai bắt đầu mọi thứ từ con số 0 tròn trĩnh, cả về ý tưởng và kiến thức. Nếu Tú Uyên nuôi ước mơ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực tài chính thì cô gái nhỏ nhắn Thu Tuyết trước đó chỉ thường xuyên dành đam mê của mình cho những môn thể thao.
“Sau khi được thầy cô phổ biến thông tin về các cuộc sáng tạo kỹ thuật thì trong đầu hai đứa em chỉ nghĩ là muốn làm ra một sản phẩm gì đó thiết thực, giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống”, Thu Tuyết tâm sự.
Có ý tưởng là vậy nhưng Tú Uyên và Thu Tuyết không biết bắt đầu từ đâu vì cả hai gần như chưa có bất cứ một nền tảng nào về kỹ thuật, công nghệ. Vậy là ngoài việc cùng thầy giáo Tin học đọc tài liệu, tham khảo những đề tài trước đó, Tú Uyên và Thu Tuyết còn đi TP Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm từ cuộc thi Young Maker (triển lãm các sản phẩm về công nghệ). Từ đó 2 bạn hình thành các ý tưởng rõ ràng hơn và bắt tay vào thực hiện ngay sau đó ít ngày.
Để hiểu thực tế, Tú Uyên và Thu Tuyết đã đi đến Hội Người mù khảo sát ý kiến, tìm hiểu về những khó khăn mà người khiếm thị thường xuyên gặp phải trong cuộc sống. Sản phẩm của hai nữ sinh được xây dựng trên cơ sở một chiếc kính bảo hộ lao động, hai bên được lắp cảm biến siêu âm rung và loa để người dùng có thể nhận biết chướng ngại vật.
Tú Uyên cho biết, với hệ thống định vị GPS kết nối với smartphone, người thân có thể dễ dàng xác định vị trí của người khiếm thị hay chính người khiếm thị có thể phát tín hiệu thông báo vị trí của mình trong trường hợp gặp bất lợi hay nguy hiểm trong quá trình di chuyển bên ngoài.
Uyên và Tuyết mất khoảng 2 tháng để biến ý tưởng thành sản phẩm, và đó là 2 tháng đầy khó khăn. “Trước đó, chúng em đã có những hình dung nhưng khi bắt tay thực hiện mới phát sinh nhiều điều khác với tính toán ban đầu. Chúng em cũng phải thử đến 3 loại bo mạch, 2 loại cảm biến… thì mới chọn ra được loại tối ưu nhất để kết hợp với nhau”, Tú Uyên cho hay.
Tại cuộc thi Sáng tạo Xã hội, hai nữ sinh phải trải qua nhiều vòng thi với các đối thủ mạnh đến từ nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng với bản lĩnh và sự tự tin, Tú Uyên và Thu Tuyết đã thuyết phục cả nhà đầu tư và khách hàng để được xướng tên ở vị trí cao nhất.
“Kế hoạch của chúng em là trong từ khoảng 6 tháng sẽ hoàn thành tất cả về mặt công nghệ, thẩm mỹ sản phẩm, cải tiến về hình dáng và hoạt động. Tiếp theo là thời gian tìm kiếm nguồn khách hàng, lập kế hoạch tài chính, marketing, tìm kiếm nhà đầu tư... để đưa sản phẩm ra thị trường. Với giá thành chỉ khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng, chúng em hướng đến thị trường Đông Nam Á và châu Phi. Đây là hai khu vực mà người dân, đặc biệt là người khuyết tật còn gặp phải nhiều khó khăn về tài chính”, Thu Tuyết nói thêm về cuộc thi.
Theo hai bạn, qua quá trình thử nghiệm, sản phẩm còn khá nhiều hạn chế, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ và chưa đạt được độ ổn định, độ bền của sản phẩm cũng chỉ vào khoảng 8 -12 tháng.
“Kết quả chiếc kính thông minh này chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ khó khăn của người khiếm thị trong quá trình di chuyển nhưng trong khả năng của chúng em thì mới chỉ làm được như thế. Trong tương lai, chúng em sẽ tiếp tục tìm hiểu để cải tiến sản phẩm, không chỉ hướng đến người khiếm thị, chúng em mong muốn có thể tạo ra nhiều sản phẩm để hỗ trợ người khuyết tật”, Tú Uyên tâm sự.
Thầy Lương Đình Dũng, giáo viên bộ môn Tin học, đồng thời là người trực tiếp hướng dẫn Tú Uyên và Thu Tuyết thực hiện bộ sản phẩm cho biết, sản phẩm kính thông minh này vẫn còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật nhưng thành công lớn nhất đó là mang tính nhân văn, thiết thực cho cộng đồng người khiếm thị. Hai học sinh nữ đã có những cách tiếp cận công nghệ một cách nhanh chóng và sáng tạo. Thành công của thầy và trò đã góp thêm vào thành tích sáng tạo khoa học kỹ thuật của trường Bùi Thị Xuân nói riêng và học sinh trên toàn tỉnh nói chung.
Tú Uyên cho biết thêm, sau cuộc thi, một vị giám khảo giới thiệu sản phẩm của hai em đến một doanh nghiệp để có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là món quà lớn hết sức bất ngờ dành cho cả hai. Từ thành công đầu tiên này, cả Uyên và Tuyết đều kỳ vọng trong tương lai sẽ phát triển thêm một số máy móc, thiết bị thiết thực hỗ trợ cộng đồng.
HỒNG THẮM