Hoa Đà Lạt giữa sóng biếc Trường Sa

03:01, 24/01/2018

(LĐ online) - Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi, những người con xứ Hoa Đà Lạt lênh đênh trên chuyến tàu ghé những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa thân yêu. Ngất ngư vì những cơn sóng  nhưng chúng tôi như bừng tỉnh lại khi nhìn sắc những cành lan Đà Lạt giữa màu xanh của những cây phong ba, bão táp.

(LĐ online) - Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi, những người con xứ Hoa Đà Lạt lênh đênh trên chuyến tàu ghé những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa thân yêu. Ngất ngư vì những cơn sóng  nhưng chúng tôi như bừng tỉnh lại khi nhìn sắc những cành lan Đà Lạt giữa màu xanh của những cây phong ba, bão táp.
 
Chăm sóc hoa lan trên đảo Sinh Tồn
Chăm sóc hoa lan trên đảo Sinh Tồn

Dưới tán cây phong ba trên đảo Sinh Tồn, thật bất ngờ khi chứng kiến bộ sưu tập lan của những người lính đảo. Màu tím dịu dàng của những cành hồ điệp, màu vàng rạng rỡ của bụi vũ nữ, màu xanh trong trẻo của nhánh xanh chiểu…như một phần  hương sắc Đà Lạt được chăm chút dưới tán phong ba cổ thụ. Trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn khoe: “Những chậu lan, bụi lan này hầu hết đều do Hiệp hội hoa Đà Lạt, anh Phan Thanh Sang (Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt-PV) cũng như các đoàn của Lâm Đồng mang ra đảo tặng cho cán bộ chiến sỹ. Những món quà này rất đẹp và chúng tôi chăm sóc rất cẩn thận, đã sống và nở hoa mấy mùa. Đây là bộ sưu tập rất quý của lính đảo”. Quả thật, những cành lan đã được chăm sóc rất tốt và nở thêm những đợt hoa mới từ những gốc lan Đà Lạt.
 
Lan không phải là một loài hoa dễ tính. Chơi lan, chăm lan là một trong những thú chơi hoa khó khăn vì lan vốn là loài hoa khó chăm, khó chiều. Đấy là ngay ở đất liền, nơi có nhiều điều kiện để chăm sóc. Còn giữa biển khơi, với những cơn gió biển mang theo hơi muối mặn chát, chỉ vài cơn bão cũng khiến những vườn rau được che chắn cẩn thận tan tác thì chăm sóc lan còn khó dường nào. Trung tá Đoàn Sơn Nam kể: “Chăm lan trên đảo Sinh Tồn chúng tôi còn cẩn thận hơn chăm các loại cây khác rất nhiều. Bình thường lan được treo dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông và các loài cây lớn trên đảo. Mỗi khi có gió mùa hay bão, anh em đều mang các giò, các chậu lan về cất trong phòng vì chỉ cần dính một chút nước biển là cây rụng lá. May mắn, ngoài việc giữ lan tránh gió mùa và nước biển, lan Đà Lạt rất hợp với khí hậu đảo, lan chỉ cần nước tưới và ra lá, nở hoa. Lính đảo quý lan lắm, cụm nào cũng có một giàn và chăm sóc rất cẩn thận”.
 
Chiến sỹ chăm sóc lan Đà Lạt trên đảo Sinh Tồn Đông
Chiến sỹ chăm sóc lan Đà Lạt trên đảo Sinh Tồn Đông

Không chỉ Sinh Tồn, các đảo của Trường Sa đều có những giò lan Đà Lạt nở hoa tuyệt đẹp.  Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa lớn, Đá Lát, Đá Thị, Tiên Nữ, Co Lin, Len Đao, Đá Lớn…, dù đảo nổi hay đảo chìm đều có những giò lan Đà Lạt tuyệt đẹp. Bông hoa lan như một phần đất liền, làm đẹp cho đảo và gợi cho người lính tình cảm của đất liền, của xứ Hoa xa xôi mà gần gũi. Đại úy Nguyễn Bá Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn C bật mí, hầu hết anh em cán bộ chiến sỹ trong đảo đều “giấu riêng” cho mình một giò lan, tình cảm của những chuyến tàu thăm đảo mà trong đó, không thiếu những giò lan Đà Lạt. Những ngày mùa khô, dù nước ăn, nước sinh hoạt thiếu, anh em vẫn  dành cho giò lan những giọt nước ngọt mát mẻ, để những gốc lan cằn bật nở những chùm hoa lộng lẫy. Và không phụ lòng chiến sỹ, những cành hồ điệp, vũ nữ, long nhãn vẫn lặng lẽ ủ mình trong bóng mát tán phong ba. Và, ngậm đủ đầy hơi nước Trường Sa, những gốc lan vươn mình mạnh mẽ, bung nở những đóa hoa xinh cho chiến sỹ vơi bớt nỗi nhớ đất liền.
 
Cũng như truyền thống người xứ Hoa dành tình yêu cho hải đảo, những ngày đầu năm 2018, đoàn tàu ra Trường Sa lại chở theo hàng trăm giò lan đẹp. Những cành lan Đà Lạt sẽ theo tàu tới với mỗi đảo nổi, đảo chìm,  mang tới Trường Sa chút hương sắc xứ hoa. Một cái Tết ấm nữa lại đến với cán bộ chiến sỹ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa thương yêu, trong tiếng sóng vỗ rì rào, trong tình cảm đầm ấm của người dân cả nước và có cả sắc hoa xinh đẹp của thành phố cao nguyên.
 
Diệp Quỳnh