Già làng gìn giữ ngôn ngữ Churu

09:01, 02/01/2018

Ông bảo rằng điều tối thiểu là mỗi một dân tộc phải có ngôn ngữ của riêng mình. Vậy nên dẫu tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu thì ông vẫn hằng ngày ghi chép, tìm tòi để lưu lại ngôn ngữ của người Churu cho thế hệ mai sau.

Ông bảo rằng điều tối thiểu là mỗi một dân tộc phải có ngôn ngữ của riêng mình. Vậy nên dẫu tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu thì ông vẫn hằng ngày ghi chép, tìm tòi để lưu lại ngôn ngữ của người Churu cho thế hệ mai sau.
 
Anh Ya Si Môn - một người trẻ Churu đang tự học chữ viết thỉnh thoảng lại tìm đến nhờ ông chỉ dạy. Ảnh: H.T
Anh Ya Si Môn - một người trẻ Churu đang tự học chữ viết thỉnh thoảng lại tìm đến nhờ ông chỉ dạy. Ảnh: H.T

Vừa trở về từ Hà Nội sau Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu toàn quốc năm 2017, già làng Ya Loan (thôn R’Lơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) đãi chúng tôi ấm trà nóng và dĩa sấu bao tử muối - món quà do những người bạn Hà Nội gửi tặng và trải lòng mình với không ít tiếng thở dài.
 
Vị già làng 73 tuổi bảo rằng, giống như việc người trẻ Việt “sính” dùng ngoại ngữ trong giao tiếp thì nay trong buôn làng của người Churu, không còn là ngôn ngữ thuần tiếng dân tộc mà những người trẻ đều chủ yếu dùng ngôn ngữ phổ thông.
 
“Ngoại trừ tiếng mẹ đẻ thì không có bất kỳ một ngôn ngữ nào dễ học. Nhưng dù có là tiếng mẹ đẻ đi chăng nữa nhưng nếu không có chữ viết thì không thể bảo tồn được đầy đủ tất cả đặc trưng của ngôn ngữ, qua đó ghi lại cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc mình”, già làng Ya Loan trải lòng.
 
Chính vì thế, ông quyết tâm tìm hiểu để khôi phục và bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc mình. Và có lẽ từ trong huyết mạch người thầy giáo năm xưa đã có niềm đam mê với ngôn ngữ nên ngay từ khi còn trẻ, ông đã tìm hiểu và nắm bắt được những căn bản về phát âm, nguyên âm, cấu trúc của từ… trong chữ viết người Churu. 
 
Từ năm 2005, già làng Ya Loan bắt đầu tham gia biên soạn giáo trình và đứng lớp đào tạo chứng chỉ tiếng Churu cho cán bộ, công chức huyện Đơn Dương. Đồng thời cùng với các già làng người Churu khác tham gia biên soạn cuốn từ điển Việt - Churu với khoảng 10.000 từ làm cơ sở cho những người có mong muốn tìm hiểu ngôn ngữ truyền thống của người dân tộc Churu. 
 
Trong suốt 10 năm đứng lớp dạy tiếng Churu, ông đặt trọn tâm huyết của mình, kiên nhẫn phân tích, diễn giải cho học viên dễ tiếp thu. Bởi ông biết rằng chỉ cần là thấu hiểu ngôn ngữ thì khoảng cách tự nhiên giữa con người dù có xa lạ cũng sẽ được thu hẹp, đưa con người xích lại gần nhau hơn. Và đó cũng là cách để những người cán bộ thấu hiểu tâm tư, tình cảm của cộng đồng người DTTS.
 
“Muốn đưa chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước vào vùng đồng bào thì ngoài việc cùng ăn, cùng ở thì còn phải cùng hiểu tiếng nói của người đồng bào thì mới có thể đi sâu, đi sát vào cuộc sống. Không chỉ cán bộ nói đồng bào nghe mà cán bộ cũng còn phải nghe đồng bào nói nữa”, Ya Loan nói.
 
Hai năm trở lại đây, căn bệnh đau khớp gối tái phát khiến ông trở nên khó khăn hơn trong việc di chuyển qua quãng đường ghồ ghề từ nhà ra ngoài ủy ban. Chính vì thế, bên vườn rau ao cá, ông dành phần lớn thời gian rảnh của mình để nghiên cứu về việc bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ sinh viên đại học thực hiện các bài luận văn tốt nghiệp với chủ đề dân tộc học, đặc biệt là về ngôn ngữ của người dân tộc thiểu sổ.
 
Hiện ông đang cùng với nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh và các già làng khác biên soạn cuốn từ điển Churu - Việt. Ông bảo rằng quá trình này khó khăn hơn nhiều lần so với cuốn từ điển Việt - Churu trước đó ông đã tham gia biên soạn. 
 
Không phải ai ở độ tuổi như ông cũng rành rẽ về chữ viết và tiếng nói. Người trẻ hiện nay nói tiếng Churu do cha mẹ, ông bà truyền dạy nhưng chỉ là tiếng nói chứ ngay bản thân những ông bố, bà mẹ ấy cũng chẳng thể đặt bút viết nên chữ viết dân tộc mình. Ông thường xuyên phải tìm đến những người già làng, thầy cúng để hỏi về những từ mình không hiểu nghĩa, hay để sưu tầm lại các câu chuyện cổ, những câu hát dân gian… 
 
“Mình phải tìm tất cả những từ của người Churu, đem dịch nghĩa ra tiếng Việt rồi ghi chép lại. Kể cả khi đang làm vườn, nhớ đến từ nào, câu nói nào là chạy về nhà ghi ngay vào cuốn sổ tay. Những người lớn tuổi biết am hiểu về tiếng nói nhưng lại không biết về chữ viết nên mình phải ngồi trò chuyện với họ, hỏi cụ thể nghĩa của từng từ và cẩn thận ghi chép từng chút một”, già làng Ya Loan giải thích.
 
HỒNG THẮM