Cổng Trời vào xuân

08:01, 02/01/2018

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, thời gian qua đời sống người dân thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đã có nhiều thay đổi.

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, thời gian qua đời sống người dân thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đã có nhiều thay đổi. Nếu như những mùa xuân trước bà con còn phải bì bõm lội bùn để ra trung tâm xã thì giờ đây đường sá được bê tông hóa, con em được học hành trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Ðối với họ, những con người thôn Cổng Trời thì đúng là một mùa xuân ơn Ðảng. 
 
Niềm vui của con trẻ thôn Cổng Trời khi được học tập, vui chơi trong những ngôi trường khang trang, kiên cố. Ảnh: Đ.T
Niềm vui của con trẻ thôn Cổng Trời khi được học tập, vui chơi trong những ngôi trường khang trang, kiên cố. Ảnh: Đ.T

Chúng tôi vào Cổng Trời khi tiết trời đã vào xuân, hai bên đường những khóm hoa dại nằm e ấp trong nắng sớm của miệt Nam Tây Nguyên. Một không khí mới, tràn đầy sức sống thể hiện trên những mảnh vườn cà phê trĩu quả, những nương dâu tằm đâm chồi non. 
 
Bà Cill K’Ba (1960) vui mừng khi được khách lạ ghé thăm vườn dâu của mình, vì đây là cây trồng mới của thôn Cổng Trời và gia đình bà là hộ tiên phong với cây trồng này. Thử nghiệm trên 1,5 sào cà phê già cỗi, bước đầu dâu tằm xanh tốt, không bị sâu bệnh. Bà Cill K’Ba hồ hởi: “Đây là cây trồng mới, được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của địa phương vận động thay đổi, đến nay có 4 hộ thực hiện trồng, hy vọng thời gian tới có nhiều hộ trồng hơn nữa. Vì thực chất qua quá trình gia đình tôi trồng thử nghiệm thì thấy rất thuận lợi, chăm sóc cũng không phức tạp và mất nhiều công sức như các loại khác”.
 
Thôn Cổng Trời có 152 nóc nhà với 818 nhân khẩu, đa phần bà con sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Ha Jum, làm công tác mặt trận ở thôn kể về lịch sử của cái thôn mang tên đặc biệt này: Ngày xưa bà con ở xã Lát (huyện Lạc Dương), cuộc sống khó khăn, vả lại theo thói quen du canh du cư đến mảnh đất này vào năm 1989. Đầu tiên các hộ dân đặt chân vào vùng đồi Tùng, đến năm 1991 thì định cư hẳn ở vùng đất mà bây giờ gọi là thôn Cổng Trời. Khi mới đặt chân đến đồi Tùng, chúng tôi đốt nương làm lúa rẫy, tốt được một mùa đầu, rồi đói khát xuất hiện, bà con sống lay lắt, chờ qua ngày, khó, khổ lắm. Cho đến khi có chủ trương định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới, rời xa cám cảnh như những “con thú” đi lượm trái cây rừng thì bà con ổn định hẳn. Ai cũng vui mừng, thầm cám ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
 
Đến nay, cả thôn còn 40 hộ nghèo, tỉ lệ này so với các địa phương khác là khá cao nhưng đối với thôn Cổng Trời thì đây là một sự thay đổi ngoạn mục, vì chỉ cách đây vài năm thôi, nhắc đến Cổng Trời là nhắc đến nghèo, đói. Để minh chứng sự thay đổi của thôn xóm, ông Ha Jum chỉ tay về những ngôi nhà khang trang, được xây dựng mới hoàn toàn, trị giá đến chín, mười con số: “Này nhé, cái nhà sơn xanh, mái ngói đỏ thắm kia là của Dơng Gur Ha Tang, xây hơn 500 triệu đồng đó, mà hơn 500 triệu đồng là hơn nửa tỷ đồng, nghe hoành tráng đấy chứ. Còn bên kia, bên kia nữa là nhà của Cill Ha Ba, Cill Ha Thủy, Lơ Mu Ha Thiên cũng vậy, nhà nào cũng to, rộng, đẹp cả. Rồi từ từ nhà nào cũng vậy thôi, vì bà con mình tích cực làm ăn, lao động sản xuất mà, hết rồi cái thời màn tranh chiếu đất”.
 
Có được cơ ngơi ngày hôm nay, trong thâm tâm ông Dơng Gur Ha Tang luôn cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho gia đình ông và bà con thôn Cổng Trời này những mùa xuân tươi thắm. Một thời cực khổ ông đã can qua, càng cực khổ, càng bế tắc thì có những kẻ xấu lợi dụng, chúng bảo rằng không làm cũng có ăn, cần gì phải làm. Nhưng, minh chứng của thời gian và những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng đã đánh bật tất cả. Ông so sánh: “Nếu không làm mà có ăn thì chỉ có đi làm việc xấu, du canh du cư thì đến nay chỉ có tấm bạt để che mưa che nắng thôi, làm gì có nhà to, xe máy, ti vi, tủ lạnh, con em làm gì được học hành tử tế để mà cống hiến cho địa phương, cho đất nước”. 
 
Xuân mới này, thôn Cổng Trời có nhiều thay đổi. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư một cách bài bản, khang trang. Trẻ con không phải học hành trong những lớp học tạm bợ, tranh, tre, nứa, lá... mà có hẳn trường mẫu giáo và điểm trường dành cho học sinh cấp I được xây dựng bằng bê - tông, cốt thép, kiên cố hóa. Những thay đổi này bà con thôn Cổng Trời và nhất là vị Bí thư Chi bộ đáng kính của thôn là ông MBon Ha K’Lê hiểu rất rõ. Trước đây, ông MBon Ha K’Lê được gọi là thầy thuốc của bản làng, của thôn, xóm vì một lý do rất đơn giản, đường sá khó khăn, trạm y tế nằm cách xa nên với khả năng của mình ông đã ra trung tâm mua thuốc cho bà con mỗi khi đau ốm. Đến nay, nhiệm vụ cao cả đó của ông hầu như chấm dứt; chấm dứt được nhiệm vụ này, Bí thư MBon Ha K’Lê mừng lắm, vì bây giờ bà con đau ốm thì chỉ cần 10 phút có thể ra trung tâm của xã và ở thôn cũng có quầy thuốc, dụng cụ y tế.
 
Một mùa xuân mới lại đến. Với quyết tâm cao độ trong lao động sản xuất, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì thời khắc nào Cổng Trời cũng vào xuân. Đó là lời khẳng định của ông Đào Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Mê Linh.
 
ÐỨC TÚ