Bắt buộc tiêm phòng 10 bệnh truyền nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

05:01, 04/01/2018

(LĐ online) - Từ ngày 1/1/2918, Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, có hiệu lực thi hành.

(LĐ online) - Từ ngày 1/1/2918, Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, có hiệu lực thi hành.
 
Theo quy định của Thông tư, bệnh truyền nhiễm và vắc xin tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae thể B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella. Trong đó, đối tượng phụ nữ có thai bắt buộc tiêm vắc xin uốn ván đơn giá, còn trẻ em thì tiêm vắc xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván.
 
Thông tư cũng quy định danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc xin, sinh phẩm y tế sử dụng bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, gồm 8 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản B, bệnh dại. 
 
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng từ năm 1985 và đến năm 1989 chương trình này được mở rộng trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã đưa được 10 loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, đến nay Việt Nam đã khống chế được rất nhiều bệnh tật; đặc biệt là đã loại trừ, giảm được nhiều loại bệnh như: sởi, ho gà, uốn ván...
 
Hiện nay, thế giới đang có khoảng 30 loại vắc xin phòng ngừa bệnh cho người, nhưng Việt Nam chỉ mới đưa được 10 loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế đang nỗ lực để có thể đưa thêm nhiều loại vắc xin khác vào chương trình tiêm chủng mở rộng phục vụ người dân dưới hình thức hỗ trợ, miễn phí, nhưng ngân sách nhà nước hạn chế nên rất khó triển khai.
 
AN NHIÊN