
Những năm qua, Đà Lạt triển khai xây dựng đô thị văn minh đã đạt những kết quả tích cực.
Những năm qua, Đà Lạt triển khai xây dựng đô thị văn minh đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, dân số biến động; các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ phát triển đa dạng; nhiều chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục triển khai - những vấn đề ấy đã tạo nên sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, song cũng nảy sinh những tác động tiêu cực nhất định đến việc kế thừa, duy trì và phát huy phong cách, ý thức, nếp sống, sinh hoạt của người dân và sự phát triển chung của thành phố. Do vậy, xây dựng mô hình điểm “Đô thị văn minh” thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (TDĐKXDNTM, ĐTVM) đã trở thành yêu cầu khách quan, cấp thiết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phong cách người Đà Lạt, tinh thần đoàn kết các tầng lớp nhân dân để cùng đồng lòng, chung sức tham gia xây dựng thành phố đô thị văn minh, phát triển bền vững.
Để Cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực, MTTQ thành phố Đà Lạt cùng các đoàn thể thành viên ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động “TDĐKXDNTM, ĐTVM). Ngay sau đó, việc triển khai, đăng ký, cam kết xây dựng khu dân cư tự quản trên các nội dung để thực hiện mô hình điểm được tích cực tiến hành. Các cuộc vận động, phong trào thi đua, mô hình, câu lạc bộ của các tổ chức thành viên, khu dân cư duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả. Để phù hợp với nội dung “Đô thị văn minh”, tại các phường, xã có nhiều mô hình mới được phối hợp xây dựng trên các lĩnh vực: Mô hình phường, xã xây dựng tuyến đường có camera an ninh; 16 mô hình đảm bảo ATTP; 31 mô hình liên kết phát triển kinh tế; 6 mô hình khu dân cư thực hiện “Xây dựng đô thị văn minh”; 2 mô hình “Xây dựng nông thôn mới”; 9 mô hình “Bảo vệ môi trường”; 15 mô hình “Bảo vệ ANTQ”; 15 mô hình “Bảo đảm ATGT”; 70 mô hình “Giúp nhau giảm nghèo”… Trong năm 2017, có 7 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà và 2 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà Đại đoàn kết, có trên 460 hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, xây dựng và phát triển 28 điểm, mô hình du lịch nông nghiệp. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng triển khai nhiều mô hình, chương trình mới. Đặc biệt kết quả huy động các nguồn lực trong nhân dân có bước nhảy vọt, phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hoặc do dân tự làm với 78 công trình nâng cấp hạ tầng cơ sở, hội trường sinh hoạt, bắc đèn chiếu sáng, làm mới, nâng cấp đường hẻm liên thôn, liên tổ… được thực hiện với tổng giá trị vận động lên 15,7 tỷ đồng, 2.895 ngày công lao động và hiến 360 m2 đất. Toàn thành phố có 112/249 tổ dân phố, thôn có nơi hội họp (102 nhà sinh hoạt cộng đồng). Đến nay 16 phường, xã đều chọn được 2 mô hình tiêu biểu trong các kiểu mô hình đăng ký xây dựng thực hiện từ đầu 2017. Riêng Phường 1 có mô hình “Nâng chuẩn văn minh đô thị”. Đầu năm 2017, Đà Lạt có 98,8% gia đình đăng ký đạt chuẩn văn hóa và đạt chuẩn an toàn về ANTT; 98,7% gia đình đăng ký đạt chuẩn đảm bảo TTATGT. Dự kiến cuối năm, tỷ lệ tổ dân phố, thôn, hộ gia đình, cơ quan, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa sẽ đạt từ 95% trở lên. Hiện 12/12 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 4/4 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Trong những kinh nghiệm đúc rút, MTTQ thành phố Đà Lạt cho thấy mấy vấn đề quan trọng: Trước hết, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng; sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức thành viên các cấp và đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, các tầng lớp nhân dân. Tiếp theo, MTTQ cần thể hiện rõ vai trò, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, cùng các tổ chức thành viên hiệp thương xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động cụ thể, sát đặc điểm tình hình, trên từng nội dung, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của từng ngành, từng tổ chức, hướng đến quyền lợi người dân và gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Điều thiết yếu nữa là, phải có giải pháp phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào DTTS, cá nhân tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Trên cơ sở đó, huy động và phát huy quyền làm chủ của người dân tham gia trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy ước cộng đồng, nếp sống văn minh, phù hợp chuẩn mực đạo đức dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy phong cách đặc trưng “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” để cùng triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả vững chắc.
Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng “Đô thị văn minh”, Đà Lạt với vị trí là đô thị loại I, trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trải qua 7 kỳ Festival Hoa Việt Nam và bước vào 125 năm hình thành, phát triển, sẽ tiếp tục vang danh một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng xinh đẹp, thân thiện đối với người Việt Nam cũng như bạn bè thế giới.
LAN HỒ