Ðô thị vệ tinh Bảo Lâm

09:01, 02/01/2018

Trong quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Bảo Lâm xác định sẽ trở thành đô thị động lực của tỉnh Lâm Ðồng và sẽ là đô thị "vệ tinh" của TP Bảo Lộc...

Trong quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Bảo Lâm xác định sẽ trở thành đô thị động lực của tỉnh Lâm Ðồng và sẽ là đô thị “vệ tinh” của TP Bảo Lộc. Hiện, huyện Bảo Lâm đã đặt những nền tảng vững chắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội để có thể đạt được những định hướng này trong tương lai. 
 
Một góc đô thị Bảo Lâm. Ảnh: Đ.Anh
Một góc đô thị Bảo Lâm. Ảnh: Đ.Anh

Tăng trưởng mạnh mẽ
 
Năm 2017 được xem là năm thành công của huyện Bảo Lâm khi có 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, điểm nổi bật được rất nhiều người quan tâm chính là giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng gấp đôi, đặc biệt giá trị ngành công nghiệp xây dựng tăng gấp 4 lần so với chỉ tiêu kế hoạch. Nếu như kế hoạch đề ra mức tăng trưởng chỉ đạt từ 7 - 8% thì trên thực tế, giá trị sản xuất đã tăng 16,5%. Trong đó, giá trị ngành công nghiệp - xây dựng tăng 31% so với kế hoạch đề ra chỉ là 7 - 8%. Các ngành công nghiệp có thế mạnh của huyện Bảo Lâm là khai khoáng, chế biến, sản xuất và phân phối điện, nước, may công nghiệp, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trong năm của huyện đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, nước có mức tăng cao nhất trên 65%, tiếp theo là ngành khai khoáng với mức tăng gần 23% và ngành công nghiệp chế biến tăng 12,5%. Sở dĩ ngành công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng mạnh trong năm là do nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện đã đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, Nhà máy alumin thuộc Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng cũng dần đi vào hoạt động ổn định, gần đạt với công suất thiết kế với sản lượng sản xuất trên 580.000 tấn alumin và xuất khẩu trên 520.000 tấn alumin, trên 100.000 tấn hydroxit nhôm với tổng giá trị đạt trên 193 triệu USD. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu của huyện Bảo Lâm, chủ yếu tập trung trong ngành công nghiệp, đã vượt 10 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Với giá trị này, huyện Bảo Lâm hiện đang chiếm 30% giá trị công nghiệp của toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại Cụm công nghiệp Lộc Thắng của huyện vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, do đó, trong thời gian tới huyện sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu hút nhà đầu tư vào cụm công nghiệp này. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi đầu tư theo hình thức BT đối với một số dự án tại khu vực Minh Rồng, Cát Quế, Lộc An. 
 
Mặc dù ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện Bảo Lâm có mức tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch nhưng điều quan trọng là đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai. Ngoài 2 cây trồng chủ lực là chè và cà phê đã được huyện lập kế hoạch khảo sát, xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao tại thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Quảng và Lộc Đức thì một số mô hình sản xuất công nghệ cao với các loại cây trồng khác như: Rau thủy canh tại xã Lộc Ngãi, dâu tây tại xã Lộc Tân, trồng ớt, hoa đồng tiền trong nhà kính tại xã Lộc Đức, Lộc An cũng đã được nông dân mạnh dạn đầu tư. Đây chính là tiền đề để huyện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Ngoài ra, mô hình phát triển kinh tế vườn hộ bền vững cũng đã được huyện đưa vào nghị quyết và triển khai trên thực tế. Nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Bắc, Lộc Bảo đã có điều kiện phát triển trên chính mảnh đất của mình.
 
Phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện) là một trong những định hướng phát triển của huyện Bảo Lâm. Trong ảnh: Công trình thủy điện Ðồng Nai 5 (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm). Ảnh: Đ.Anh
Phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện) là một trong những định hướng phát triển của huyện Bảo Lâm. Trong ảnh: Công trình thủy điện Ðồng Nai 5 (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm). Ảnh: Đ.Anh

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế thì chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững cũng được huyện Bảo Lâm đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện có 2 xã là Lộc Nam và Lộc Tân đã đạt 19/19 tiêu chí và đang trình hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định, công nhận. Các xã còn lại như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm đã đạt được 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Một số tiêu chí mà các xã này chưa đạt là nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm qua, tổng vốn để thực hiện chương trình này là hơn 12,6 tỷ đồng. Nguốn vốn này dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các công trình và nhân rộng các mô hình giảm nghèo... Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2017, toàn huyện còn 3,62% hộ nghèo, giảm 1,5% so với năm 2016. Riêng hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,96% (giảm 2%).
 
Hướng đến đô thị vệ tinh
 
Trong kỳ họp cuối năm, HĐND huyện Bảo Lâm đã thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Bảo Lâm đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Bảo Lâm bao gồm 1 thị trấn và 13 xã với diện tích đất tự nhiên khoảng 1.463 km2. Việc lập quy hoạch này nhằm xác định mục tiêu phát triển vùng; dự báo quy mô dân số, nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn phát triển; xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược gắn với đa ngành, phát triển toàn diện và cân bằng. 
 
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, quy hoạch xác định tính chất của huyện Bảo Lâm là một trong các đô thị động lực của tỉnh Lâm Ðồng, là trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên.
 
Với tính chất đó thì vùng huyện Bảo Lâm sẽ có chức năng và vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa khu vực Tây Nguyên với trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trong tương lai, huyện Bảo Lâm sẽ là đô thị vệ tinh của TP Bảo Lộc. 
 
Để đạt các mục tiêu trên thì huyện Bảo Lâm cũng đã đề ra định hướng quy hoạch không gian vùng Bảo Lâm. Dự kiến, có 6 tiểu vùng được hình thành trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đó là: Tiểu vùng thị trấn Lộc Thắng và 3 xã B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Ngãi với định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên xây dựng khu công nghiệp Tổ hợp Bauxite - Alumin; tiểu vùng thị trấn Lộc An, Lộc Đức và Tân Lạc với định hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao; tiểu vùng xã Lộc Thành và Lộc Nam với định hướng phát triển là thâm canh cây công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, trồng và bảo vệ rừng để sử dụng đất bền vững; tiểu vùng xã Lộc Lâm và Lộc Phú với định hướng phát triển công nghiệp năng lượng, chế biến nông lâm sản; tiểu vùng xã Lộc Bắc và Lộc Bảo với định hướng hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp; tiểu vùng xã Lộc Tân với định hướng phát triển chè chất lượng cao, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với nghề truyền thống. Bên cạnh định hướng về không gian vùng thì không gian đô thị cũng được xác định với việc xây dựng thị trấn Lộc Thắng đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề phát triển thành thị xã trong tương lai; nâng cấp xã Lộc An lên thị trấn và đạt tiêu chí đô thị loại V. 
 
Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ V (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thì Bảo Lâm có 3 công trình trọng điểm Quốc lộ 20 đi Lộc Thành với chiều dài khoảng 20 km, nút giao thông Vòng xoay Ngã 5, nâng cấp hồ Lộc Thắng và đường ven hồ. Đến hiện tại, đã có 2/3 công trình được đầu tư triển khai là đường từ Quốc lộ 20 đi Lộc Thành với tiến độ đạt khoảng 50%, nút giao thông Vòng xoay Ngã 5 đã được tỉnh bố trí vốn và sẽ khởi công trong năm nay. Riêng đối với dự án hồ Lộc Thắng, do cần nguồn kinh phí lớn nên huyện sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Việc đầu tư các công trình trọng điểm ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Bảo Lâm thì còn tăng cường sự gắn kết với TP Bảo Lộc về mặt giao thông và phát triển dịch vụ, du lịch. Huyện Bảo Lâm xác định, dù quy hoạch như thế nào thì cũng không thể tách rời Bảo Lộc. Vai trò đô thị vệ tinh của huyện Bảo Lâm được thể hiện ở chỗ Bảo Lâm là vùng cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của Bảo Lộc vì các nhà máy chủ yếu tập trung tại đây. Trong tương lai, Bảo Lâm sẽ là vùng công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên liệu để Bảo Lộc phát triển công nghiệp chế biến sâu như luyện nhôm. Đối với Dự án hồ Lộc Thắng, cũng rất cần sự kết nối với Bảo Lộc để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
 
ÐÔNG ANH