Người "đánh thức" Ðầm Ròn

09:12, 21/12/2017

Hơn 20 năm, Kơ Să Ha Jim - người con dân tộc Cil vẫn miệt mài "nối  sóng" vào nhịp sống người dân ở  Ðầm Ròn.

Ha Jim miệt mài “nối nhịp sóng” mỗi ngày. Ảnh: N.Ngà
Ha Jim miệt mài “nối nhịp sóng” mỗi ngày.
Ảnh: N.Ngà
Hơn 20 năm, Kơ Să Ha Jim - người con dân tộc Cil vẫn miệt mài “nối  sóng” vào nhịp sống người dân ở  Ðầm Ròn.
 
“Đây là tiếng nói Việt Nam… Phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” đã 20 năm có lẻ, nhạc hiệu quen thuộc ấy của Đài Tiếng nói Việt Nam là âm thanh bắt đầu ngày mới của người đàn ông 47 tuổi Kơ Să Ha Jim. Anh làm nhiệm vụ tiếp sóng tại Trạm thu phát sóng Phát thanh - Truyền hình ở khu vực ba xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông).
 
“Việc được làm nhiệm vụ nối sóng phát thanh truyền hình có lẽ là một bước ngoặt hạnh phúc của cuộc đời mình”, Ha Jim đã nói với chúng tôi như thế khi nhớ về quãng thời gian năm 1995, thời điểm anh bén duyên với nghiệp “nối sóng”.
 
Khi Đầm Ròn còn thuộc huyện Lạc Dương, đây là vùng lõm thông tin, là rốn nghèo của cả Nam Tây Nguyên. Khi ấy đưa máy móc vào “nối sóng” thông tin đến với bà con nhưng không có một ai đủ dũng cảm vượt qua được sự xa xôi, cách trở và khốn khó để về gắn bó với Đầm Ròn. Ha Jim - một trong những người con hiếm hoi của vùng đất này được đi học ở trường nội trú, gác lại bộ hồ sơ vừa hoàn thành để xét tuyển thiếu sinh quân, Ha Jim về làm nhiệm vụ nối sóng. “Khi ấy bố mình bảo “Thôi con gắng về làm việc, cho bà con mình nghe được sóng phát thanh, truyền hình để hiểu rõ được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết cách làm ăn cho bớt đói, bớt nghèo” nên mình về nhận nhiệm vụ này và gắn bó suốt từ ngày đó đến nay” - Ha Jim nhớ lại.
 
Tâm trí Ha Jim không quên những ngày ngủ rừng canh máy móc, có mặt trong đoàn người kéo dây, leo trụ băng qua những ngọn núi, cánh rừng để thiết lập hệ thống truyền thanh có dây. Để rồi đến một ngày bà con Đầm Ròn ngỡ ngàng và vỡ òa khi được nghe: Đây là tiếng nói Việt Nam… Đó là những ngày mà đêm nào bà con 3 xã cũng quây quần ở sân trạm xem ti vi đến tận 12h đêm vẫn chưa muốn về. 
Từ năm 1995 đến nay, dù lễ, tết hay mưa bão Ha Jim cũng chưa một ngày rời trạm. 
 
Cứ đúng ba khung giờ sáng 5h30 đến 7h, trưa từ 11h đến 12h30, chiều từ 16h30 đến 19h Ha Jim đều có mặt ở trạm để nối sóng. Tết đến Ha Jim phải trực nhiều hơn để bà con nghe được thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Ha Jim tâm tình “Có nhiều ngày mưa bão mình trực ở trạm mà lòng như lửa đốt. Ðợt bão 12 vừa rồi cũng vậy. Mình ở trạm mà thương vợ, thương con, lo cà phê rụng trái, lúa đổ ngã… nhưng mình vẫn phải làm nhiệm vụ, phải nối sóng để bà con nắm tình hình, biết cách ứng phó với thiên tai”. 
 
Hơn hai mươi năm làm người gác sóng, nhưng hơn nửa chặng đường Ha Jim chỉ ở có một mình trong trạm kể từ ngày Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện dời về khu trung tâm thị trấn. Anh cần mẫn miệt mài làm nhiệm vụ đánh thức Đầm Ròn mỗi sáng và hơn hết là “đánh thức” suy nghĩ của người Đầm Ròn mỗi ngày. Đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, phấn khởi nói rằng: Nhờ tiếp cận thông tin, bà con giờ đã biết gùi phân lên núi cho cây cà phê xanh lá trĩu quả, hệ thống thủy lợi vào ruộng đồng, biết cho trẻ đến trường; người già được chữa bệnh bằng thuốc tây y chứ không còn cái cảnh cúng tế xua đuổi ma quỷ…
 
Ha Jim hạnh phúc nói: “Chứng kiến bà con chăm chú nghe, xem chương trình về nông nghiệp, nhìn cuộc sống dần đổi thay mình vui lắm chứ. Càng vui càng thấy tự hào về công việc của mình”. “Ở đâu có loa bị sôi tiếng, rè tiếng người dân gọi “anh Jim ơi, sao cái loa nó bị hỏng rồi. Anh qua xem sửa giúp bà con với” là mình tới ngay. Bà con mình thật thà vậy, đã thích cái gì thì chung tình lắm nên có điện thoại, ti vi nhiều rồi họ vẫn thích nghe sóng phát thanh” - Ha Jim cho hay. 
 
Mới đây con trai của Ha Jim đậu vào đại học cũng là khi có giấy gọi nghĩa vụ quân sự. Cũng như già GLê - cha anh đã từng khuyên Ha Jim hơn 20 năm về trước, thì nay Ha Jim khuyên con trai Rơ Ông Gia Thái “Tổ quốc gọi con cứ trả lời, lên đường làm nghĩa vụ quân sự, lúc trở về tiếp tục sự học vẫn chưa muộn”.
 
Con trai lên đường nhập ngũ, con gái là sinh viên Đại học Đà Lạt, người vợ vẫn tảo tần hôm sớm bên nương rẫy để Ha Jim yên tâm công tác. Có điều sáng nào cũng nghe câu “Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội...” nên Ha Jim luôn ấp ủ ước mơ một lần được đặt chân ra Hà Nội. “Nhưng nếu mình đi như vậy, ai nối sóng cho bà con”, Ha Jim trăn trở. Có lẽ cũng vì tấm lòng ấy mà bà con Đầm Ròn vẫn gọi trạm là: Đài Phát thanh của Ha Jim.
 
NGỌC NGÀ