Di sản Đà Lạt: Vị thế, trách nhiệm bảo tồn và phát triển

10:12, 28/12/2017

(LĐ online) - Ngày 27/12, tại Khách sạn Swissbel - Resort Tuyền Lâm Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo "Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"...

(LĐ online) - Ngày 27/12, tại Khách sạn Swissbel - Resort Tuyền Lâm Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có ông Phạm S – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều đơn vị, tổ chức và địa phương trong cả nước. 
 
Đại biểu sôi nổi và thẳng thắn bàn về bảo tồn đô thị Đà Lạt
Đại biểu sôi nổi và thẳng thắn bàn về bảo tồn đô thị Đà Lạt
Bằng tham luận và ý kiến thảo luận, tất cả các đại biểu đều khẳng định thành phố Đà Lạt là một đô thị với 4 đặc điểm đặc trưng mà không có một đô thị nào ở Việt Nam sánh được, bao gồm: khí hậu, thiên nhiên, văn hóa bản địa và kiến trúc. Đây là 4 “tài nguyên” đặc biệt giá trị làm nên 4 mảng màu sắc của bức tranh đặc trưng Đà Lạt. Vì vậy, Đà Lạt với hơn 110 ha thông ba lá, nhiều mặt hồ nước, nhiều kiểu dáng kiến trúc đẹp theo địa mạo…vừa tạo nên sự hiền hòa, mát mẻ vừa hấp dẫn cho mỗi người đến đây. 
 
Nhiều tham luận đánh giá thẳng thắn về tính khả thi cũng như tính tiêu cực trong quy hoạch mất cân bằng sinh thái của đô thị Đà Lạt. Nhiều tham luận cũng làm rõ những kinh nghiệm về tính chất của đô thị sinh thái, đô thị xanh, theo đó, phân tích những ưu điểm và nhược điểm tại Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  
 
Các đại biểu cũng khẳng định, đô thị Đà Lạt phát triển từ trước đến nay vẫn cơ bản thống nhất trong cơ chế đặc thù được phát huy. Trong đó, yếu tố di sản là một trụ cột phát triển bền vững. Vấn đề bảo tồn được tập trung bàn thảo sôi nổi, đặc biệt, bảo tồn không gian kiến trúc đô thị về trung tâm, cây xanh, mặt nước, trục di sản... Tuy nhiên, các nhà chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, rất cần mở rộng đô thị Đà Lạt (như Quyết định 704), theo đó, phát triển dãn rộng ra, không cao tầng hóa ở khu vực trung tâm như hiện nay… 
 
Bế mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S cho rằng: Đây là những kinh nghiệm, những luận cứ từ nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm nhưng đều tập trung xoay quanh Quyết định 704. UBND tỉnh trân trọng tất cả các ý kiến, kể cả những ý kiến chưa đồng tình và qua đây cũng giao Sở Xây dựng cùng UBND thành phố Đà Lạt đúc kết xây dựng bản quy chế về bảo tồn di sản để trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý II/2018. 
 
MINH ĐẠO