Ðể trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng

09:12, 27/12/2017

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, Trường Khiếm thính Lâm Ðồng dạy thêm một số nghề thông dụng cho học sinh để giúp các em ra trường có thể tìm được việc làm và hòa nhập cộng đồng.

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, Trường Khiếm thính Lâm Ðồng dạy thêm một số nghề thông dụng cho học sinh để giúp các em ra trường có thể tìm được việc làm và hòa nhập cộng đồng.
 
Học sinh khiếm thính chăm chú học nghề. Ảnh: Tuấn Hương
Học sinh khiếm thính chăm chú học nghề. Ảnh: Tuấn Hương

Cầm lên những chiếc giỏ xách do chính tay học sinh khiếm thính làm ra, cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng khoe: “Đây là thành quả của các em sau một học kỳ miệt mài, cần mẫn. Chúng tôi đang chuẩn bị để mở một gian hàng trưng bày sản phẩm học nghề của học sinh tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh sắp tới. Qua đó, chúng tôi mong muốn xã hội có cái nhìn khác hơn về học sinh khuyết tật để các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng”. 
 
Từ năm học 2017 - 2018, Trường Khiếm thính Lâm Đồng được phép mở thêm cấp trung học cơ sở. Do đó, nhà trường đã dạy thêm một số nghề dễ ứng dụng vào thực tế để sau này học sinh ra trường có được một nghề phù hợp nuôi sống bản thân. Nếu như trước đây chỉ dạy ba nghề cho học sinh gồm: may quần áo, thêu, đan thì năm nay, nhà trường triển khai thêm các nghề: may túi xách, làm hoa lụa, làm bánh, làm xà bông và trồng cây. “Đây là những nghề tương đối dễ học, lại dễ ứng dụng vào cuộc sống sau khi các em ra trường. Học sinh ở đây tuy khiếm khuyết về mặt thính giác và ngôn ngữ nhưng trái lại, các em rất tinh mắt, có niềm đam mê nên rất khéo léo, tỉ mỉ. Sản phẩm các em làm ra rất đẹp. Đó vừa là dạy nghề, hướng nghiệp, vừa đem lại niềm vui và sự tự tin cho học sinh khiếm thính”, Cô Lợi chia sẻ. 
 
Cô Lợi cho biết thêm, trước đây, nhiều học sinh của trường học hết cấp tiểu học quay về lại với gia đình, đa số các em không hòa nhập được cuộc sống. Như trường hợp cậu bé K’Phúc ở Đức Trọng, rời trường khi 12 tuổi. K’Phúc xin đi phụ làm sơn cho một cửa hàng, nhưng bất đồng ngôn ngữ, công việc không phù hợp với một cậu bé đang tuổi thiếu niên nên một thời gian, em lại trở về cuộc sống lủi thủi trong ngôi nhà của mình. Khi biết trường Khiếm thính mở thêm lớp trung học cơ sở, niềm vui của K’Phúc như được tìm lại. Giờ đây, em chăm chỉ học nghề trồng cây để sau này có được việc làm phù hợp. Hay như cô bé Thảo Hiền ở Cát Tiên, rời trường với chút kỹ năng từ học nghề thêu, em tự nhận hàng về thêu ở nhà. Cha mẹ bận rộn công việc cả ngày, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh nên Hiền càng mặc cảm. Được trở lại trường, gặp cô, gặp bạn cũ, lại được học làm bánh, Hiền dần vui vẻ và tự tin. “Em sẽ cố gắng học làm bánh thật đẹp, thật ngon để sau này có thể mở một tiệm bánh nhỏ”, qua sự phiên dịch của cô bảo mẫu, Hiền cho biết. 
 
Đối với việc dạy nghề cho học sinh khiếm thính, nhà trường để các em được học tất cả mọi nghề, sau đó, mỗi em sẽ đam mê một nghề thì tiếp tục hướng cho các em theo nghề đã chọn. Tất cả đều theo sự yêu thích, không gượng ép để tạo cảm giác thoải mái cho học sinh khiếm thính, từ đó nhiều em phát huy được sự khéo léo qua bàn tay của mình. “Chẳng hạn như trồng cây, nhà trường mua nhiều chậu cây nhỏ khác nhau, em nào thích chậu nào sẽ chọn và tự tay chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây. Chính sự tập trung này cũng giúp một số em phấn khởi, tâm lý vui vẻ và có sự cải thiện về bệnh tật”, cô Lợi cho hay.
 
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của nhà trường hiện nay, là làm sao để sau khi học được nghề, ra trường các em tìm được việc làm phù hợp. Chẳng hạn đối với nghề trồng cây, cô Lợi cho rằng, sẽ thích hợp với Đà Lạt nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Sau này học sinh có thể xin vào làm ở các cơ sở trồng cây hay tự trồng ngay trên chính mảnh đất nhà mình. Nhưng để có được việc làm nuôi sống bản thân, thì cần nhất vẫn là sự nhìn nhận, sẻ chia, cảm thông và tạo điều kiện của xã hội đối với học sinh khuyết tật. Đó cũng là cơ hội để các em có thể hòa nhập cộng đồng và trở thành những người có ích. 
 
TUẤN HƯƠNG