Đà Lạt - Bảo tồn và phát triển

09:12, 26/12/2017

Ngày 27/12, hòa không khí rộn ràng, náo nức của dòng chảy văn hóa Festival Hoa Ðà Lạt 2017, Hội thảo về Ðà Lạt - Bảo tồn và phát triển là một trong những chương trình quan trọng, do UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức. 

Ngày 27/12, hòa không khí rộn ràng, náo nức của dòng chảy văn hóa Festival Hoa Ðà Lạt 2017, Hội thảo về Ðà Lạt - Bảo tồn và phát triển là một trong những chương trình quan trọng, do UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức. Ðây là dịp hội tụ gần 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý mọi miền đất nước, cùng thảo luận, kiến giải bài toán hết sức thú vị và nhiều ý nghĩa về định hướng: làm thế nào để thành phố (TP) Ðà Lạt vừa giữ gìn được bản sắc, vừa chuyển mình phát triển. 
 
Những biệt thự Lê Lai vừa đảm bảo bảo tồn kiến trúc tập trung vừa phát triển kinh tế du lịch. Ảnh:  M.Đ
Những biệt thự Lê Lai vừa đảm bảo bảo tồn kiến trúc tập trung vừa phát triển kinh tế du lịch. Ảnh: M.Đ

Ðà Lạt - giá trị đặc biệt về kiến trúc
 
Vùng đất hoang sơ của Nam Tây Nguyên trở thành một TP Đà Lạt nổi tiếng có thể đánh dấu bắt đầu từ khi Bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbian và phát hiện, ngày 21/6/1893. Sau hơn 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành một đô thị nghỉ dưỡng của cả nước, và ngày càng thu hút mạnh du khách các nước trên thế giới. Bởi, nó sở hữu khí hậu ôn hòa quanh năm mát mẻ. Trên vùng đất này, thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, kiến trúc... quyện hòa và kết tinh thành một không gian đặc thù, không có nơi nào trên nước Việt Nam có được, thậm chí trong cả khu vực. 
 
Với kiến trúc, Đà Lạt có hàng trăm công trình được xây dựng từ thời kỳ đầu của thế kỷ XX, vừa mang những sắc thái riêng, vừa quyện hòa mà thống nhất. Ở đó, các công trình kiến trúc được kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, được thể hiện đầy đủ từ những ý tưởng quy hoạch ngay từ khi hình thành. Mỗi công trình, mỗi cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để các yếu tố - đặc điểm nền tảng, từ địa hình đến cảnh quan thiên nhiên. Nhờ sáng tạo và công phu, những công trình, cụm công trình trở thành thành tố quan trọng, thống nhất và hài hòa với thiên nhiên. Đà Lạt - TP khoác chiếc áo với vóc dáng thật riêng và quyến rũ. Trong nó, kết tinh cả phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á, nhưng không mâu thuẫn, xung đột, mà ở đó, chỉ toát lên tính hòa quyện trong không gian của hệ sinh thái rất đặc thù. Kiến trúc Đà Lạt thực sự khẳng định chất giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc và “độc nhất vô nhị”!
 
Ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với định hướng này, Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã và đang tích cực triển khai thực hiện trên nhiều phương diện. Đến nay, đã thực hiện tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung cho 5 đô thị trong vùng phụ cận. Trong đó, TP Đà Lạt được quy chiếu là trung tâm du lịch văn hóa di sản kiến trúc, và UBND tỉnh đã phê duyệt 8/28 quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP. Riêng TP Đà Lạt, Quyết định 704 xác định cấu trúc đô thị TP bao gồm 4 khu đô thị và 2 trục cảnh quan (trục di sản kiến trúc Đông - Tây và trục cây xanh Bắc Nam). Có thể hiểu, với bức tranh quy hoạch kiến trúc này, nó đã đáp ứng cơ bản tính phổ quát tất cả hình thái và bản sắc của đô thị Đà Lạt; bao gồm toàn bộ các công trình kiến trúc, các danh lam thắng cảnh, các di sản kiến trúc cũng như tổng thể cảnh quan đô thị, địa hình của TP. 
 
Phải khẳng định, sau nhiều năm thực hiện quản lý đô thị theo quy hoạch, bộ mặt TP Đà Lạt đã có nhiều khởi sắc. Cùng xu thế phát triển của cả nước, trong không gian hội nhập quốc tế, TP Đà Lạt đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình công cộng, nhà ở, công trình du lịch và tôn tạo cảnh quan. TP ngày càng trở nên xanh, sạch và đẹp hơn; nhiều giá trị kiến trúc được bảo tồn và phát huy. Đà Lạt vừa vinh dự nhận Giải thưởng TP bền vững về môi trường ASEAN (ESC) lần thứ 4 tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME 14), tháng 9/2017. Tại Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII, ngày 23/12, trong phát biểu của mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong thời gian tới”. Vâng, vị thế TP Đà Lạt đã và đang ngày càng được nâng cao!
 
Khép lại năm 2017, kỹ sư Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng chia sẻ, ngành đã làm được một khối lượng công việc về công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt mở rộng trong tương lai nói riêng. Đó là: Hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch và tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng; Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng đô thị Finom - Thạnh Mỹ, phê duyệt Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình. Đó còn là, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch khu vực Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng; tổ chức thực hiện Đề án “Làng Đô thị xanh” tại TP Đà Lạt; triển khai kế hoạch lập các đồ án quy hoạch đô thị giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, để xứng tầm vị thế của một thủ phủ Nam Tây Nguyên, phía trước còn nhiều nhiệm vụ quan trọng về quy hoạch đô thị TP Đà Lạt. 

KTS Trần Ngọc Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển Ðô thị Việt Nam (VUPDA): Quan điểm và nguyên tắc bảo tồn đô thị Ðà Lạt
 
Công tác bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật trong phát triển đô thị Đà Lạt theo định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và phụ cận... phải trở thành nhận thức và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các bên liên quan; Phải hội nhập tích cực công tác bảo tồn di sản trong mọi cấp độ của công tác qui hoạch; Gắn quan điểm bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn...; Bảo tồn theo hướng thích nghi, chủ động... Điều quan trọng phải coi đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc đô thị... là tài sản, là tài nguyên vô giá của Đà Lạt và vùng phụ cận... Nếu mất đi một trong những giá trị trên hình ảnh, thương hiệu của Đà Lạt sẽ không còn tồn tại... Và chắc chắn sẽ không tồn tại một Đà Lạt - thành phố rừng và rừng trong thành phố; thành phố di sản về kiến trúc và cảnh quan; thành phố festival hoa và thành phố văn hóa và nghệ thuật...
 
TS. KTS Lê Quang Ninh: Lối đi cho vốn di sản đặc thù của TP Ðà Lạt từ 2020 - 2050? 
 
Có thể xem xét đưa vào danh mục di sản kiến trúc bảo tồn của Đà Lạt thêm dòng kiến trúc bản địa, kiến trúc Đông Dương và kiến trúc đương đại, đã và đang là chứng nhân lịch sử - văn hóa có giá trị đích thực trong đời sống vốn rất sôi động trong vài thập kỷ gần đây. Về yếu tố nơi chốn xác lập nên di sản đô thị hay qua nhà ở, nhà thờ, nhà ga tức là chủng loại kiến trúc thì Đà Lạt có đến trăm, thậm chí ngàn công trình xứng đáng đứng vào vị trí di sản. Nếu như cứ phát triển Đà Lạt không là đô thị di sản hay di sản nửa vời thì dễ chấp nhận hơn chăng? Nếu câu trả lời là hãy cuốn theo chiều gió, hãy tôn trọng qui luật đời thường thì vài chục năm nữa chúng ta sẽ có một Đà Lạt không còn là đất mộng mơ, sẽ là một tác phẩm - tác giả nghệ thuật thiếu cá tính, mất đi sự độc đáo và giàu có mang đậm tính văn hóa và nhân văn như nó đã có.
 
KTS Trần Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Ðồng: Cùng với nhiều giải pháp, trong đó có quảng bá di sản
 
Để thực hiện theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm lưu giữ những bản sắc của thành phố, cần phải sớm xác định những di sản của đô thị và chiến lược, chính sách bảo tồn những di sản đó. Tại Đà Lạt, sự thành công của công tác bảo tồn phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển đô thị bền vững, Đông Tây kết hợp với khu trung tâm lịch sử và tuyến cảnh quan chính của thành phố là chuỗi hồ dọc suối Cam ly. Phải làm cho các di sản hòa nhập vào cuộc sống và phát triển bền vững của đô thị hiện đại, làm sống lại tổng thể các khu phố cũ, các cụm công trình và công trình cổ, cũ trong đô thị hiện đại. 
(TĨNH XUYÊN lược thuật)

MINH ÐẠO