
Hội thảo về quy hoạch kiến trúc Ðà Lạt sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival Hoa lần 7. Hội thảo vừa là nơi tập trung trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, vừa góp phần tri thức để chuyển hóa giá trị vật chất và tinh thần của thành phố Ðà Lạt trong xu thế phát triển bền vững.
Hội thảo về quy hoạch kiến trúc Ðà Lạt sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival Hoa lần 7. Hội thảo vừa là nơi tập trung trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, vừa góp phần tri thức để chuyển hóa giá trị vật chất và tinh thần của thành phố (TP) Ðà Lạt trong xu thế phát triển bền vững.
* P.V: Thưa kỹ sư Lê Quang Trung, là Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng, ông có thể nêu một vài việc đã làm được về quy hoạch kiến trúc Đà Lạt?
 |
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng |
* Ông Lê Quang Trung: Năm 2008, 2009, kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá và bảo tồn di sản kiến trúc đô thị TP Đà Lạt”, chúng tôi đã điều tra, lập được danh mục các công trình xây dựng có giá trị về kiến trúc đặc biệt như: Trường Cao đẳng Sư phạm (trước là Trường Lycee Yersin), công trình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) xếp vào danh sách 1.000 công trình tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Ga Xe lửa Đà Lạt, công trình là nhà ga duy nhất tại Việt Nam đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia; các dinh thự đặc biệt (Dinh I, Dinh II, Dinh III); 17 biệt thự Khu Lê Lai thuộc khu bảo tồn kiến trúc tập trung (hiện nay là Anna Mandara Resort); 24 biệt thự đường Trần Hưng Đạo thuộc khu bảo tồn kiến trúc tập trung. Ngoài ra, còn có các công trình như: công cộng (17 công trình), tôn giáo, tín ngưỡng (12 công trình) và biệt thự (315 công trình).
Qua quá trình quản lý và nhu cầu sử dụng, đến nay một số công trình đã được đưa vào thực hiện công tác quản lý theo Quyết định 49 của UBND tỉnh về đề án Quỹ biệt thự. Một số danh lam thắng cảnh, công trình được giao cho các nhà đầu tư khai thác sử dụng theo hình thức thực hiện dự án. Hầu hết quỹ biệt thự này được các nhà đầu tư tôn tạo, chỉnh trang và xây dựng xen cấy công trình để khai thác hiệu quả.
* Còn những tồn tại, hạn chế?
* Đó là việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng không được kiểm soát chặt chẽ. Thời gian tồn tại đã xuống cấp, kinh phí đầu tư, cải tạo, chỉnh trang còn hạn chế làm cho giá trị kiến trúc và quỹ bảo tồn giảm. Mặt khác, việc phát triển gắn liền với hình thành các công trình có kiến trúc mới, phải tăng mật độ xây dựng, giảm cây xanh hiện có, xây dựng công trình xen cấy trong các khu biệt thự đã đấu giá giao quyền sử dụng đất; việc phát triển nhà ở của nhân dân tại khu vực giáp với khu bảo tồn kiến trúc, đã tác động đến cảnh quan của khu vực...
Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị phải theo định hướng quy hoạch chung, tuy nhiên với thực trạng hiện nay, triển khai quy hoạch phân khu còn chậm, quy chế quản lý cho đô thị Đà Lạt chưa được phê duyệt làm cơ sở cho công tác quản lý kiến trúc, không gian, phát triển, đầu tư xây dựng; đặc biệt là quy hoạch bảo tồn các khu/trục di sản kiến trúc chưa được thực hiện. Các dự án, công trình xây dựng đầu tư và việc phát triển đô thị luôn ảnh hưởng đến các giá trị công trình kiến trúc, cảnh quan, danh lam thắng cảnh...
* Theo ông, bảo tồn theo hướng nào là hợp lý nhất ?
* Trước hết, phải xác định rõ việc phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn và bảo tồn để phát triển. Xây dựng các tiêu chí để đánh giá xếp hạng các công trình kiến trúc và phân loại các công trình theo mức độ giá trị. Tùy theo mức độ giá trị đó, xác định danh mục công trình cần bảo tồn nguyên gốc, công trình cần bảo tồn về hình thức bên ngoài nhưng được thay đổi chức năng bên trong cho phù hợp với công năng sử dụng mới, công trình, cụm công trình có thể được phép xen cấy thêm các công trình trong khuôn viên, công trình không cần thiết phải giữ lại bảo tồn là một vấn đề đặc biệt quan trọng đặt ra trong thời gian tới dưới góc nhìn đa chiều: bảo tồn kiến trúc/kinh tế xây dựng; bảo tồn văn hóa/du lịch.
Mặt khác, cần xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và chủ sở hữu hoặc sử dụng các công trình kiến trúc cần bảo tồn. Yêu cầu về quản lý các công trình bảo tồn trong điều kiện chúng thuộc các chủ sở hữu khác nhau: Cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân... Các cơ quan quản lý và cấp phép xây dựng cũng cần có khung pháp lý chung và các giải pháp quản lý riêng cho từng thể loại, từng công trình, nhóm công trình bảo tồn để quyết định trong quá trình quản lý, cấp phép và quản lý sử dụng…
* Được UBND tỉnh giao đồng chủ trì hội thảo lần này, theo ông, cần tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề, lĩnh vực nào?
* Để có được các giải pháp thực hiện theo đúng định hướng của Quy hoạch chung theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề, lĩnh vực cần được thảo luận. Đó là: Đánh giá thực trạng quỹ bảo tồn kiến trúc trên địa bàn TP Đà Lạt - Công tác bảo tồn qua các kỳ quy hoạch; Các giải pháp bảo tồn trong xu hướng đô thị hóa, thách thức và cơ hội; Định hướng cho công tác quản lý, bảo tồn kiến trúc, di sản, danh lam thắng cảnh và cảnh quan rừng... theo định hướng đô thị xanh, đô thị thông minh và biến đổi khí hậu; Phát triển không gian di sản, cảnh quan phục vụ cho ngành du lịch Đà Lạt; Đầu tư, phát triển đô thị, hạ tầng đô thị đảm bảo cho công tác bảo tồn di sản, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, rừng...; Lựa chọn giải pháp phát triển, bảo tồn, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch trên cơ sở định hướng quy hoạch chung 704; Giải pháp quản lý đô thị đối với công trình kiến trúc có giá trị cao; Chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế, trong nước về công tác bảo tồn.
Trên cơ sở nội dung góp ý và tham luận của các chuyên gia tại Hội thảo, Sở Xây dựng sẽ phối hợp các ngành, địa phương và các nhà khoa học tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án cụ thể “Quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan TP Đà Lạt” về đối tượng, phạm vi, nội dung, cơ chế chính sách… Theo đó, nhằm phát huy giá trị của các di sản kiến trúc, di sản, không gian đô thị, cảnh quan thiên nhiên để Đà Lạt phát triển theo đúng định hướng mà quy hoạch chung 704 đã xác định đô thị Đà Lạt là đô thị đặc thù của quốc gia và của khu vực và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
ÐẠO PHAN (thực hiện)