
Trong không khí sôi sục của những ngày "Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ", ngày 22/3/1965, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ "Ba đảm nhiệm" (Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu).
Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, ngày 22/3/1965, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” (Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu). Sau đó, phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao Quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: V.Báu |
Phong trào “Ba đảm đang” được phát động nhằm mục đích động viên phụ nữ phát huy mọi năng lực phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH, đồng thời qua đó đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được hàng chục triệu phụ nữ miền Bắc tích cực hưởng ứng; trở thành nguồn tinh thần và vật chất to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong nông nghiệp, chị em nữ nông dân “tay cày, tay súng” sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng. Trong công nghiệp, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” tham gia thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác chính quyền, đoàn thể, dịch vụ…, chị em phụ nữ luôn nêu cao tinh thần phục vụ, nêu gương sáng tận tụy hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ...
Với vai trò người vợ, người mẹ, chị em đã hết lòng chăm lo công việc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con cái; phụng dưỡng cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường. Tha thiết với hạnh phúc gia đình, nhưng vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng triệu phụ nữ đã gác tình riêng để động viên, khuyến khích chồng, con, người thân lên đường ra trận; trong đó đã có biết bao người chồng, người con ra đi không bao giờ trở về... Hình ảnh nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, giữ vững mạch máu giao thông kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều chị đã hy sinh oanh liệt giữa tuổi thanh xuân... Có thể nói, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, chưa có cuộc chiến tranh nào lực lượng phụ nữ lại tham gia đông đảo như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chúng ta tự hào thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Hình ảnh phong trào “Ba đảm đang” đến hôm nay vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX. Họ thật sự xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.
Từ năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng và được bổ sung nội dung cho phù hợp; giúp chị em phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, tham gia làm chủ tập thể một cách đầy đủ nhất về cả 3 phương diện: làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; thực hiện đầy đủ quyền nam nữ bình đẳng, làm tròn nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với xã hội, đối với gia đình. Nội dung “Ba đảm đang” trong giai đoạn mới là: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng”. Giỏi việc nước là yêu nước, yêu CNXH, làm tốt nghĩa vụ người công dân, đảm đang lao động sản xuất, công tác và đảm đang công tác hậu phương bảo vệ tổ quốc. Đảm việc nhà là làm tốt trách nhiệm xây dựng gia đình đoàn kết, ấm no, hạnh phúc và chức năng người mẹ; biết phân công, sắp xếp công việc hợp lý để mọi thành viên trong gia đình cùng chung lo việc nhà, nuôi dạy con cái...
Hai nhiệm vụ đảm việc nước, giỏi việc nhà đối với người phụ nữ đều có ý nghĩa to lớn và có quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Bởi vì, phụ nữ có giỏi việc nước thì mới đáp ứng được yêu cầu của đất nước, đồng thời có đảm việc nhà thì gia đình mới hạnh phúc và xã hội mới tiến bộ. Và mỗi khi gia đình yên vui, con cái tiến bộ, thì người phụ nữ mới có thể an tâm phấn đấu lao động, công tác, học tập và thực hiện đầy đủ hơn, toàn diện hơn quyền nam nữ bình đẳng... Đây là một quá trình phấn đấu rất gian khổ, vì những tàn dư bất bình đẳng của xã hội cũ không phải tự nhiên bị xóa bỏ ngay sau khi xác lập chế độ mới.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang” thực hiện khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng” muốn đạt kết quả, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó sự phấn đấu của bản thân người phụ nữ là quyết định.
Trước hết, phụ nữ phải thấy được trách nhiệm, vinh dự, nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà ra sức phấn đấu, tích cực tham gia phong trào cách mạng; đề cao ý chí tự lập, tự cường, nghị lực phấn đấu và kiên trì khắc phục mọi khó khăn trong lao động, học tập, công tác, đời sống; biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ... Đồng thời, khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại, an phận, tiêu cực, ngại khổ, ngại học tập, hẹp hòi, vụn vặt, không tin không phục nhau…
Thứ hai, các cấp hội cần tuyên truyền sâu rộng những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề phụ nữ, làm cho các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị quan tâm hơn đối với phụ nữ; làm cho người chồng, người cha, người con làm đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với gia đình; động viên phụ nữ phấn đấu vươn lên mạnh mẽ; chủ động phối hợp với các ngành đẩy mạnh phong trào thi đua trong phụ nữ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo cho quyền lợi, đời sống, sức khỏe phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu; cố gắng thực hiện hiệu quả các chính sách đã có, đồng thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề cần giải quyết; động viên, khen thưởng thiết thực, kịp thời những người xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; thường xuyên rút kinh nghiệm về mặt chỉ đạo, bổ sung nội dung và biện pháp cụ thể, thiết thực…
Thứ ba, các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể cần có kế hoạch thiết thực trong việc giúp đỡ phụ nữ; tạo điều kiện cho chị em tham gia các hoạt động, phấn đấu vươn lên trên tất cả các mặt; khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và phải tích cực giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa bàn; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng” là khẩu hiệu nêu lên phương hướng phấn đấu toàn diện, lâu dài để người phụ nữ nâng cao vai trò, khả năng của mình trên mọi mặt hoạt động cả ngoài xã hội và trong gia đình. Qua đó, thực hiện ngày càng đầy đủ hơn quyền làm chủ tập thể, quyền nam nữ bình đẳng. Đó cũng chính là quá trình đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ, gắn liền với thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
VĂN NHÂN