
Năm 2016, ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện đạt chỉ tiêu HĐND giao về tỉ lệ tăng dân số (DS) tự nhiên đạt mức 11,13%o - Nghị quyết 142 /2015/NQ-HĐND giao dưới 12,6%o. Năm 2017, Lâm Đồng phấn đấu ổn định quy mô DS khoảng 1,3 triệu người, duy trì mức giảm sinh hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng DS.
Năm 2016, ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện đạt chỉ tiêu HĐND giao về tỉ lệ tăng dân số (DS) tự nhiên đạt mức 11,13%o - Nghị quyết 142 /2015/NQ-HĐND giao dưới 12,6%o. Năm 2017, Lâm Đồng phấn đấu ổn định quy mô DS khoảng 1,3 triệu người, duy trì mức giảm sinh hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng DS. Cùng với việc ổn định quy mô DS là việc thực hiện chuyển hướng chiến lược từ việc tập trung giảm sinh sang duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vận động thực hiện “Sinh đủ 2 con” ở khu vực có mức sinh thấp và “Dừng ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt” ở khu vực có mức sinh cao.
 |
Nhân viên y tế thôn bản, anh K’Bés - xã Tân Lâm - huyện Di Linh hướng dẫn cho phụ nữ DTTS cách làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: A.Nhiên |
Theo BS Đinh Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - DS giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 duy trì mức sinh thấp hợp lý, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh (khống chế dưới 115 trẻ sơ sinh trai/100 gái) và nâng cao chất lượng DS.
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, ngân sách Chương trình mục tiêu Y tế - DS năm 2016 đến cuối tháng 12/2016 mới được tạm ứng khoảng 50% kế hoạch, là 3,5 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí địa phương bổ sung 2,4 tỷ đồng hỗ trợ cho chế độ CTV DS-KHHGĐ, bồi dưỡng đối tượng triệt sản và chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở nên đã đạt được chỉ tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ do tỉnh giao.
Cụ thể, mức giảm sinh đạt 1,34%o, tỉ lệ tăng DS tự nhiên 11,13%o, tỉ số giới tính khi sinh là 110 (chỉ tiêu tỉnh giao dưới 111,8), tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên toàn tỉnh là 11,77%, hoàn thành kế hoạch tỉnh giao. Tổng số trẻ sinh ra 20.325 trẻ, trong đó có 10.646 bé trai và 9.679 bé gái, đạt tỉ lệ sinh 15,71%o. Có 2.336 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm ở một số địa phương như: Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đơn Dương; có 3 địa phương có tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng là Đà Lạt, Lạc Dương, Bảo Lâm. Trong số người sinh con thứ ba trở lên có 77 trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, đến nay đã xử lý 15 trường hợp vi phạm về chính sách DS.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu thực hiện về KHHGĐ không đạt, tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai 73,49% (kế hoạch giao 75%); tỉ lệ sàng lọc trước sinh 7,6% (kế hoạch 18%), tỉ lệ sàng lọc sơ sinh 12,1% (kế hoạch giao 25%).
Hoạt động góp phần nâng cao chất lượng DS là triển khai đề án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh năm 2016 triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 147 xã, phường, thị trấn đã thực hiện được 2.540 ca sàng lọc trước sinh và 2.392 ca sàng lọc sơ sinh, qua đó phát hiện 11 ca thiếu men G6PD (một loại bệnh di truyền nguy hiểm) đã được làm xét nghiệm lần 2, trả kết quả và tham vấn tại địa phương. Thực hiện các biện pháp can thiệp để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 100 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố, qua theo dõi các huyện có tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao là: Cát Tiên 127,2; Bảo Lâm 122; Đạ Tẻh 116,3; Lâm Hà 114,4.
Các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai (PTTT), tăng cường quản lý chất lượng các PTTT, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các PTTT miễn phí cho các đơn vị thực hiện dịch vụ tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông qua đội ngũ CTV DS-KHHGĐ, hội viên Hội KHHGĐ.
Nhiều năm qua, ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông tại địa bàn có mức sinh cao, địa bàn có đối tượng khó tiếp cận. Năm 2016, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 31 xã đặc biệt khó khăn. Xây dựng đề án đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước thôn, khu phố giai đoạn 2016 -2020. Tổ chức các CLB, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho phụ nữ, thanh niên, vị thành niên, nam giới, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng về vấn đề DS và phát triển. Tư vấn cộng đồng với 997 lần cho 27.545 lượt người về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tổ chức 1.265 buổi cho 26.682 lượt đối tượng về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng và duy trì 71 CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 2.587 thành viên; 68 CLB tiền hôn nhân với 1.598 thành viên.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, mục tiêu cụ thể năm 2017 là chủ động duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng DS và chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Cụ thể, ổn định quy mô DS mức 1.305.000 người, mức giảm sinh 0,4%o, tỉ lệ tăng DS tự nhiên 11,5%o, tỉ số giới tính khi sinh 109,5; tỉ lệ sàng lọc trước sinh 18% và tỉ lệ sàng lọc sơ sinh 20%, tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai 77%.
Như vậy, cùng với việc ổn định quy mô DS là việc thực hiện chuyển hướng chiến lược từ việc tập trung giảm sinh sang duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vận động thực hiện “Sinh đủ 2 con” ở khu vực có mức sinh thấp và “Dừng ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt” ở khu vực có mức sinh cao. Nâng cao chất lượng DS về thể chất, tiếp tục triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh, xử lý các nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật và nguy cơ vô sinh để đưa vào can thiệp; quan tâm chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên thông qua đề án Cải thiện tình trạng SKSS/KHHGĐ vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, mở rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa bàn đã triển khai có lồng ghép nội dung về giảm tình trạng người chưa thành niên mang thai ngoài ý muốn.
AN NHIÊN