
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các cấp, ngành của tỉnh luôn ủng hộ và khuyến khích các hoạt động xã hội hóa của các tôn giáo trên cơ sở phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và tuân thủ các quy định của pháp luật...
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các cấp, ngành của tỉnh luôn ủng hộ và khuyến khích các hoạt động xã hội hóa của các tôn giáo trên cơ sở phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đa số các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo đã nêu cao tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, xây dựng cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 |
Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn vẫn tiếp tục cần sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo |
Theo ông Nguyễn Tố Hữu - Phó Trưởng Ban Tôn giáo - UBMTTQ tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 tôn giáo được công nhận, đó là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Ba Ha’I và Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo với gần 790 ngàn tín đồ, chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau, tích cực sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, nhiều tổ chức tôn giáo làm tốt các hoạt động xã hội hóa và từ thiện như mở các trường, lớp mầm non tư thục, tặng quà cho người nghèo, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn… có trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội.
Được biết, các tôn giáo, nhất là đạo Công giáo đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về lĩnh vực giáo dục như mở các trường lớp mẫu giáo tư thục, các nhóm trẻ, lớp học tình thương đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên được đào tạo qua những trường lớp cơ bản, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cấp có thẩm quyền kiểm tra, cấp phép hoạt động. Qua thực tế cùng đoàn giám sát về giáo dục của các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết một số địa phương, nhà trường còn thực hiện không thu học phí mà còn hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình nghèo. Điều này thể hiện tinh thần nhân đạo rất cao của các tôn giáo.
Theo thống kê của ngành Giáo dục, hiện toàn tỉnh có 86 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Trong đó, có 29 trường mầm non, 16 lớp mầm non và 41 nhóm trẻ. Bên cạnh việc mở các trường lớp mầm non tư thục, một số cộng đoàn dòng tu như: Dòng Phap Lô, Mến Thánh Giá Gò vấp, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm… và một số cơ sở Phật giáo khác ở thành phố Đà Lạt, huyện Lâm hà cũng mở 14 cơ sở lưu trú cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được học hành, được đến trường.
Ngoài ra, được biết, Tòa Giám mục Đà Lạt còn tổ chức các chương trình khuyến học tài trợ học phí cho trên 1 ngàn lượt học sinh là con em bà con giáo dân theo chu kỳ 7 năm. Tiếp đó, mở các cơ sở hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên… Thành lập hội sinh viên Đại học Đà Lạt với khoảng 500 sinh viên Công giáo và một số chủ nhà trọ Công giáo tại Đà Lạt tham gia nhằm mục đích giao lưu, hỗ trợ kinh phí học tập, hướng nghiệp cho sinh viên, học sinh. Các Linh mục thuộc Tu hội Tân hiến, Donbosco và một số dòng khác còn tổ chức các lớp dạy nhạc cho các em thanh thiếu niên rất bổ ích. Điển hình như Linh mục Nguyễn Hưng Lợi - Chánh xứ Phú Sơn nhiều năm qua đã nuôi dạy trên 400 con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng lân cận Lâm Hà đã được cộng đồng xã hội ghi nhận và tôn vinh.
Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết thêm: công tác xã hội hóa của các tổ chức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có vai trò đóng góp tích cực đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đa số chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đã nêu cao tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, xây dựng cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo” tham gia đồng hành cùng xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non. Góp phần quan trọng vào sự nghiệp nuôi dạy, giáo dục trẻ mầm non, tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi được đảm bảo tuyệt đối. Để ghi nhận những đóng góp tích cực của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, tín đồ đã có nhiều đóng góp tích cực, thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực, dự kiến cuối tháng 9/2016, UBMTTQ tỉnh sẽ tổ chức hội nghị biểu dương những tấm gương, tập thể điển hình trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao… để kịp thời động viên, khuyến khích các tôn giáo đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương chăm lo tốt công tác giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
NGUYỆT THU