Nỗ lực giảm tử vong do sốt xuất huyết

08:09, 19/09/2016

Từ 1 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên trong năm 2016 xảy ra tại địa phương, Ngành Y tế Lâm Đồng đang ráo riết chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng và điều trị bệnh SXH nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong do bệnh SXH trên địa bàn.

Từ 1 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên trong năm 2016 xảy ra tại địa phương, Ngành Y tế Lâm Đồng đang ráo riết chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng và điều trị bệnh SXH nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong do bệnh SXH trên địa bàn.
 
Ths. BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (bìa trái) kiểm tra mật độ muỗi và loăng quăng tại nhà dân ở Bảo Lộc
Ths. BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (bìa trái) kiểm tra mật độ muỗi và loăng quăng tại nhà dân ở Bảo Lộc
Trung bình một tuần có 70 ca bệnh SXH mới
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng về bệnh SXH Dengue, từ đầu năm 2016 đến ngày 4/9, toàn tỉnh ghi nhận có 1.287 ca mắc SXH, trong đó có 9 ca nặng, 28 ca là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, 1 ca tử vong. Tính số ca bệnh từ tháng 8 đến nay, toàn tỉnh bình quân có 70 ca SXH /tuần, riêng một tuần từ ngày 29/8 - 4/9 ghi nhận 82 ca mắc SXH. Các huyện có số mắc SXH cao là Bảo Lộc 309 ca, Di Linh 251 ca, Lâm Hà 223 ca, Đức Trọng 193 ca, Bảo Lâm 162 ca, Cát Tiên 87 ca. 
 
Đối với trường hợp 1 ca tử vong, BSCK II Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế (SYT) cho biết: SYT đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra xác minh lại vụ việc 1 trẻ tử vong do SXH tại Bảo Lộc, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây là trường hợp bé trai 9 tháng tuổi bị bệnh, lúc đầu được gia đình đưa đi khám phòng mạch tư nhân được chẩn đoán là sốt phát ban, sau đó đến ngày thứ tư bệnh trở nặng gia đình đưa tới Bệnh viện II Lâm Đồng được chẩn đoán trẻ bị bệnh SXH đã đi vào tình trạng sốc và tử vong sau 3 tiếng nhập viện. 
 
Trước tình hình này, SYT đã chỉ đạo trong ngành yêu cầu các phòng khám tư nhân không được giữ bệnh nhân có sốt để điều trị trong thời điểm có bệnh SXH lưu hành tại địa phương. Về vấn đề này, liệu có gây nên tình trạng quá tải tại các bệnh viện nhà nước hay không? BSCK II Đồng Sĩ Quang - người phát ngôn của SYT giải thích: Vừa rồi, trong thông báo của SYT đã nêu rõ đối với trường hợp sốt phải có điều kiện chứ không phải trường hợp nào sốt cũng đưa tới y tế công lập. Điều kiện là sốt ở trong vùng đang có bệnh SXH lưu hành, nếu sốt do vết thương, sốt do viêm phổi thì không bắt buộc phải chuyển; chỉ có một triệu chứng sốt mà lại đang cư trú trên vùng SXH lưu hành thì phải coi chừng bệnh SXH.Trong tình trạng các phòng khám tư nhân phần lớn không có điều kiện xét nghiệm để xác định SXH nên những trường hợp sốt tốt nhất nên đưa tới cơ sở y tế công lập để chẩn đoán có phải SXH hay không. Sau khi chẩn đoán SXH rồi thì không phải trường hợp nào cũng nhập viện, tùy mức độ, có trường hợp đưa về điều trị tại nhà và theo dõi giám sát tại nhà, có trường hợp cho nhập viện, có trường hợp nặng cho chuyển lên tuyến trên. Mục đích của văn bản chỉ đạo này là để quản lý, chẩn đoán cho chính xác nhằm có hướng xử trí và tiên lượng ngay từ đầu, hạn chế tử vong; hơn nữa, trong chẩn đoán SXH thì có bước theo dõi trong quá trình bệnh nhân bị bệnh. Chúng tôi khuyến cáo khi bệnh nhân có sốt trong vùng SXH lưu hành phải tới bệnh viện chứ không phải tới trạm y tế vì trạm cũng không có đủ điều kiện chẩn đoán sớm ngay từ đầu...
 
Bệnh viện chuẩn bị cơ số thuốc đủ cho 100 bệnh nhân nhập viện cùng lúc
 
Lãnh đạo Bệnh viện II Lâm Đồng cho biết, hiện trung bình có 43 ca SXH/ngày và bệnh viện thực hiện trung bình 100 mẫu xét nghiệm SXH. Hai khoa Nhiễm và Nhi đều chuẩn bị giường bệnh và cơ số thuốc đủ cho 100 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH cùng lúc. Bên cạnh đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng hiện có, Bệnh viện đã cử 2 bác sĩ đi cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị SXH tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh nhằm tập trung xử lý các ca SXH nặng dẫn đến suy gan, suy thận. Bệnh viện cũng đã xây dựng phác đồ điều trị cho các ca SXH nặng, đã có 4 ca nặng được chuyển viện lên tuyến trên.
 
Bệnh viện Đa khoa tỉnh thống kê từ đầu năm 2016 đến nay đã tiếp nhận điều trị cho 130 ca SXH, phần lớn bệnh nhẹ do bệnh nhân nhập viện sớm nên điều trị đơn giản. Hiện tại chỉ còn 8 ca nằm viện điều trị ở Khoa Lây và Khoa Nhi, không có ca chuyển viện lên tuyến trên. Qua kiểm tra công tác phòng chống SXH của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế tại BVĐK tỉnh đã ghi nhận tình hình triển khai tốt vì số bệnh nhân SXH ở đây không nhiều và không có ca nặng. 
 
Theo dõi SXH mấy tuần gần đây, số ca mắc không tập trung vào Bảo Lộc nữa mà tập trung ở Lâm Hà, chỉ trong một tuần từ 29/8 - 4/9 đã ghi nhận có 27 ca mắc SXH, nâng tổng số mắc SXH toàn huyện lên 223 ca (trong đó có 14 trẻ em). Đáng lo ngại là bệnh nhân mắc SXH tập trung ở vùng thị trấn Đinh Văn, dân cư đông đúc, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch nhỏ, bởi theo quy định cứ trong 1 thôn có 2 ca SXH được xem là ổ dịch nhỏ và phải có động thái xử lý tích cực. Lâm Hà đang thực hiện quyết liệt phòng chống SXH, cán bộ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã đến Lâm Hà giám sát để có tư vấn, chỉ đạo. Đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tập trung lực lượng về các điểm nóng SXH để cùng phối hợp với địa phương giám sát, hướng dẫn, bàn giải pháp triển khai dập dịch.ª
 
AN NHIÊN