
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Lộc (Đạ Huoai) không ngừng được cải thiện.
Cùng với Đạ P’Loa và Đoàn Kết thì hiện Phước Lộc vẫn là xã nghèo của huyện Đạ Huoai. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Phước Lộc không ngừng được cải thiện, nâng cao. Có được kết quả này, ngoài những chính sách đầu tư của Nhà nước thì cần phải nói đến công đóng góp không nhỏ của các già làng, người có uy tín nơi đây.
 |
Già làng, người có uy tín là điểm tựa của bà con đồng bào DTTS ở xã Phước Lộc |
Hiện nay, xã Phước Lộc đang có 13 già làng và 6 trưởng thôn là người đồng bào DTTS. Hơn ai hết, họ là những người gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cùng các quy định của địa phương. Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS nơi đây luôn đoàn kết một lòng; nêu cao tinh thần trách nhiệm; gần gũi với bà con; thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, không nghe theo kẻ xấu, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, các phong trào, cuộc vận động như: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... luôn được đông đảo đồng bào DTTS nơi đây hưởng ứng nhiệt tình.
Cùng với vận động bà con, họ luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Đó là cách vận động hiệu quả, thiết thực và cụ thể được nhân dân noi gương làm theo để thoát nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, góp phần gìn giữ an ninh - trật tự trong các bản làng. Có thể thấy, lời nói, việc làm của già làng, người có uy tín nơi đây đã có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện, Phước Lộc có 671 hộ, với 3.014 nhân khẩu. Đến nay, toàn xã chỉ còn lại 71 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm 10,57%. Tổng diện tích gieo trồng của xã đến hiện tại là 1.796 ha, với các loại cây trồng chủ yếu như: Điều (588 ha), cao su (488 ha), sầu riêng (261 ha), chè trồng dưới tán điều (165 ha)… Cùng với đó, Phước Lộc đang có đàn gia cầm trên 7.000 con và đàn bò gần 160 con. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của Phước Lộc đã đạt 21 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, hiện nay, Phước Lộc đang có 14 hộ đạt mức thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm; trong đó, có 12 hộ là người DTTS gốc Châu Mạ.
Già làng K’Jui (86 tuổi, ngụ thôn Phước Dũng) tâm sự: “Muốn tiếng nói của mình luôn được bà con đón nhận, trước hết phải nghe tiếng nói của bà con trước. Chỉ khi mình thấu hiểu được nỗi niềm của họ thì việc giải quyết sẽ suôn sẻ. Người đồng bào DTTS rất ít mâu thuẫn, va chạm, vì thế nếu không hiểu được tâm tư, tính cách của họ thì rất khó giải quyết vấn đề. Mình nói, mình làm, mình lắng nghe dân làng. Việc đầu tiên của già làng chính là phải gương mẫu và tạo được uy tín. Rồi mình cần biết cách chỉ ra cho bà con những bản sắc văn hóa của dân tộc để họ nhìn thấy và cùng chung tay gìn giữ và phát huy”.
Với những đóng góp cho sự phát triển, đi lên của thôn, ông K’Bài vinh dự là người có uy tín được bà con đồng bào DTTS thôn Phước Bình bầu làm trưởng thôn 13 năm liền. Ông K’Bài cho biết: Để kịp thời nắm bắt tình hình đời sống bà con, ông cùng cấp ủy, Ban Tự quản và các đoàn thể duy trì đều đặn họp giao ban hàng tháng, cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề ra cách giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, ông tích cực phối hợp với các già làng, các hộ dân để tuyên truyền và trực tiếp vận động từng đối tượng cá biệt nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Nhờ vậy, cứ mỗi khi trong thôn xảy ra tình trạng xích mích, tranh cãi, thanh niên rượu chè bê tha...; nhờ tiếng nói và uy tín của ông, nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thấu đáo. Để tạo sự thống nhất cao, ông K’Bài còn nêu cao trách nhiệm của mình, giúp bà con cải tạo cây trồng, tìm hướng chăn nuôi hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình và gương mẫu đi đầu trong việc đóng các loại phí, thuế theo quy định. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng tốt các biện pháp kế hoạch hóa gia đình… “Nhờ nói đúng, nói đủ nên bà con ai cũng nghe theo nên mình vui lắm” - ông K’Bài chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Lực, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc khẳng định: “Việc làm cụ thể, thiết thực của đội ngũ già làng và người có uy tín ở từng khu dân cư đã giúp cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân. Sự quyết tâm, nỗ lực của các già làng, người có uy tín trong thời gian qua một lần nữa khẳng định vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động; trở thành cầu nối thiết thực trong việc truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào”.
KHÁNH PHÚC