Đà Lạt: Chuẩn hóa hệ thống trường mầm non trên địa bàn

08:09, 20/09/2016

Đà Lạt đến nay đã chuẩn hóa 10 trong 17 trường mầm non trong hệ thống công lập trên địa bàn và đang đưa ra kế hoạch chuẩn hóa các trường công lập còn lại trong 4 năm đến.

Đà Lạt đến nay đã chuẩn hóa 10 trong tổng số 17 trường mầm non trong hệ thống công lập trên địa bàn và đang đưa ra kế hoạch chuẩn hóa các trường công lập còn lại trong 4 năm đến; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập chuẩn hóa.
 
Giờ học của bé tại Trường Mầm non tư thục Hiển Linh - Ảnh: PHAN NHÂN
Giờ học của bé tại Trường Mầm non tư thục Hiển Linh - Ảnh: PHAN NHÂN

Nâng chuẩn cho các trường công lập
 
Thành phố Đà Lạt hiện có 32 trường mầm non với trên 12 nghìn học sinh trong bậc học này, trong đó có 17 trường công lập, 15 trường tư thục. Trong khi các trường tư thục tập trung ở các khu vực đông dân, vùng đô thị thì hệ thống trường công lập được phân bố khá đều ở các phường xã, tất cả 4 xã vùng ven đều có trường mầm non công lập. Toàn bộ hệ thống trường mầm non công lập và tư thục tại Đà Lạt đến nay đã tổ chức bán trú, học sinh học 2 buổi/ngày.
 
Để là đầu tàu trong hệ thống trường mầm non, Đà Lạt đến nay đã chuẩn hóa theo các mức độ quốc gia 10 trường công lập trong tổng số 17 trường, trong đó có một trường đạt chuẩn mức độ 2 là Mầm non Anh Đào. Với trường tư thục, đến nay chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia. 
 
Theo quy định, để đạt chuẩn quốc gia, các trường mầm non phải đạt đủ 5 tiêu chuẩn gồm tiêu chuẩn tổ chức và quản lý nhà trường; tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, nhân viên; tiêu chuẩn chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tiêu chuẩn quy mô trường lớp, cơ sở vật chất thiết bị và tiêu chuẩn thực hiện xã hội hóa giáo dục. Trong mỗi tiêu chuẩn có những tiêu chí cụ thể đi kèm. 
 
Trong những tiêu chuẩn trên, khó nhất cho các trường công lập mầm non chưa đạt chuẩn còn lại này vẫn là cơ sở vật chất. Chẳng hạn, Trường Mầm non 2 học sinh đông, thiếu phòng học, diện tích sân vườn chưa đủ tính trên đầu học sinh, nhà bếp cũng chưa đạt. Mầm non 3 cũng gặp khó khăn tương tự, diện tích phòng học, diện tích sân vườn, nhà bếp cũng không đủ chuẩn. Mầm non 6 thiếu phòng giáo dục thể chất, phòng nghệ thuật, bếp ăn ở phân hiệu không đủ diện tích, không có vườn cây, bãi cỏ sân vườn cũng không đủ diện tích qui định. Còn Mầm non 8 phòng học tại các điểm trường chưa đạt chuẩn, không có phòng chức năng; Mầm non xã Xuân Trường cũng không đủ phòng học, thiếu các phòng chức năng, diện tích sân chơi hẹp…
 
Theo kế hoạch của UBND Đà Lạt, thành phố trong thời gian đến sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non công lập, đặc biệt là cho xây dựng khối phòng học và phòng chuyên môn phục vụ học tập theo quy định để tiến đến đạt chuẩn quốc gia. Trong 4 năm tới, đến năm 2020, bên cạnh việc duy trì vững chắc các trường đã đạt chuẩn quốc gia, Đà Lạt phấn đấu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong bậc học mầm non từ 31,3% hiện nay lên 70%, trong đó trường công lập từ 58,8% lên 80%.
 
Cụ thể, trong năm 2016 này, theo bà Tăng Thị Hằng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt, thành phố sẽ tiến hành công nhận đạt chuẩn quốc gia Mầm non 2, Mầm non 10 và Mầm non xã Trạm Hành; đây là những trường trong thời gian qua đã được thành phố đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất. Trong năm 2017, thành phố sẽ đầu tư và công nhận thêm Trường Mầm non 3; trong năm 2018 là Mầm non 8 và năm 2019 là Mầm non Xuân Trường. 
 
Cùng đó, thành phố sẽ nỗ lực nâng chuẩn cho các trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lên mức độ 2. Cụ thể, bên cạnh Mầm non Anh Đào đã đạt chuẩn mức độ 2 lâu nay, thành phố sẽ nâng chuẩn lên mức độ 2 cho 6 trường nữa là Mầm non 4, Mầm non 7, Mầm non 9, Mầm non 11, Mầm non 12, Mầm non xã Tà Nung. 
 
Khuyến khích các trường tư thục vươn lên đạt chuẩn
 
Nổi bật trong 15 trường Mầm non tư thục của Đà Lạt hiện nay là Mầm non Hiển Linh ở phường 9, Đà Lạt. Trong nhiều năm liền, ngôi trường này không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nâng chất lượng bữa ăn cho trẻ. Mầm non Hiển Linh là trường điển hình, được biểu dương của bậc học mầm non Đà Lạt niên học 2015-2016 trong việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Một ngôi trường mầm non khác cũng có rất nhiều nỗ lực rất đáng ghi nhận là Thiên Thần Nhỏ, ngôi trường này không chỉ được đầu tư rất bài bản mà chất lượng dạy học chăm sóc trẻ cũng rất tốt. 
 
Chủ trương của thành phố Đà Lạt là vận động, khuyến khích các trường tư thục trên địa bàn đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ, vươn lên đạt chuẩn quốc gia. Thực tế, có không ít trường tư thục được đầu tư xây dựng qui mô, chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ không kém gì các trường công lập, thậm chí còn có những điểm nổi trội hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất cho hệ thống tư thục mầm non này theo bà Hằng, chính là việc không đạt các tiêu chí về công tác tổ chức, cụ thể là trường tư thục nên không có chi bộ Đảng trường học, cũng không có tổ chức Công đoàn.
 
Để gỡ khó cho hệ thống trường tư thục, theo bà Hằng, trong thời gian đến, ngành GD thành phố sẽ “xem xét” lại các tiêu chí này để có thể vẫn công nhận các trường tư thục này đạt chuẩn quốc gia khi các tiêu chuẩn còn lại đều đạt.
 
Theo lộ trình, trong năm 2016, Đà Lạt sẽ công nhận đạt chuẩn quốc gia cho Mầm non tư thục Hiển Linh, trong năm 2017 là Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ, năm 2018 là Mầm non Thăng Long và đến năm 2019 sẽ có thêm 2 trường tư thục khác nữa được công nhận đạt chuẩn là Mầm non tư thục Tuổi Thơ và Mầm non tư thục Hoàng Anh.
 
GIA KHÁNH