Lan tỏa lòng nhân ái

08:09, 30/09/2016

Bên cạnh phương châm "Tốt đời, đẹp đạo", các chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tỉnh còn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, tích cực hưởng ứng thi đua yêu nước, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ...

Bên cạnh phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, các chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tỉnh còn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, tích cực hưởng ứng thi đua yêu nước, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam phát động nhằm hướng đến xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển. Đặc biệt, luôn chung tay cùng xã hội thực hiện xã hội hóa các mặt giáo dục, y tế, bảo trợ; chia sẻ  với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tạo bức tranh chung thực hiện tốt an sinh xã hội ở Lâm Đồng.     
 
Theo thống kê, hiện nay Lâm Đồng có  gần 790.000 tín đồ (chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh), 2.510 chức sắc, 589 cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo. Những năm qua, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được bảo đảm đúng mục đích, tôn chỉ và quy định của pháp luật; theo đó các cơ sở tôn giáo còn đồng hành, chung sức tham gia các hoạt động xã hội mang lại hiệu quả cao.
 
Các bé trong giờ sinh hoạt ngoài trời ở Trường Mầm non Thiên An - Đơn Dương
Các bé trong giờ sinh hoạt ngoài trời ở Trường Mầm non Thiên An - Đơn Dương
 
Góp sức phổ cập mầm non
 
Một trong những phong trào vận động xã hội hóa thu hút sự tham gia tích cực của các tôn giáo, đó chính là hoạt động xã hội hóa giáo dục mầm non. Nổi bật là sự tham gia tích cực của các Cộng đoàn Dòng tu: Dòng PhaoLo, Mến Thánh giá Gò Vấp, Mến Thánh giá Thủ Thiêm, các Giáo xứ Đà Lạt, Bảo Lộc, Đơn Dương và các cơ sở Phật giáo ở Đà Lạt, Lâm Hà… đã xây dựng và đưa vào hoạt động 68 cơ sở giáo dục mầm non với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Các cơ sở này có quy mô 481 phòng học và mỗi năm thu hút trên 10 ngàn trẻ đến trường, trong đó rất nhiều trẻ không phải là con em tín đồ theo các tôn giáo. Để có hệ thống trường lớp cho trẻ mầm non, nhiều vị chức sắc đã tích cực đóng góp công sức xây dựng cơ sở vật chất, điển hình như: Linh mục Trần Đức Thành, Linh mục Nguyễn Đình Tân... 
 
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở giáo dục, các tôn giáo còn tham gia vận động đóng góp từ cộng đồng để duy trì việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, hỗ trợ tạo điều kiện cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt, một số nơi không thu học phí mà còn hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu gia đình nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Các cơ sở tôn giáo đã huy động hàng chục tỷ đồng từ các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, để từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngày càng có nhiều trường mầm non tư thục, cơ sở dạy trẻ đạt chuẩn, được cấp phép hoạt động, khẳng định được uy tín, chất lượng và sự tín nhiệm của các bậc phụ huynh cũng như cộng đồng xã hội. Hệ thống trường, lớp khang trang, sạch đẹp, có phòng học, bếp ăn, sân chơi rộng rãi, trang thiết bị hiện đại, đồ dùng, đồ  chơi... theo quy chuẩn của ngành giáo dục - đào tạo. Hầu hết các trường được trang bị máy tính, kết nối mạng, có bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch, một số trường có phòng chức năng, phòng y tế, lắp đặt camera phục vụ công tác theo dõi quản lý… đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Qua đánh giá hàng năm, các cơ sở này đều được ngành giáo dục và nhân dân đánh giá chất lượng, uy tín. Anh Nguyễn Ngọc Dũng, phụ huynh bé Huỳnh Ngọc Trúc Minh đang theo học tại Mầm non Du Sinh cho biết: Từ khi ở thành phố Hồ Chí Minh lên đây và rất may mắn được giới thiệu để gửi bé vào học ở Trường Mầm non Du Sinh. Tôi nhận ra môi trường học ở đây rất tốt, bé từ chỗ bị trầm cảm, tự ti mặc cảm, không thích đi học - mặc dù đã từng học tại trường quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, bé đã thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực, rất thích đến trường, yêu quý các cô và bạn bè.
 
Đến nay, với 28 trường mầm non, 49 cơ sở mẫu giáo tư thục và 13 nhóm trẻ tư thục thuộc các tổ chức tôn giáo; trong đó có 88 cơ sở của Công giáo, 2 cơ sở của Phật giáo. Mỗi năm thu hút 10.644 trẻ em dưới 5 tuổi đến học tại 345 nhóm lớp, chiếm tỷ lệ 16,76% tổng số trẻ mầm non đến trường trong tỉnh. 
 
Trường Mầm non Nhà thờ Du Sinh (Đà Lạt) thu hút trẻ mầm non theo học
Trường Mầm non Nhà thờ Du Sinh (Đà Lạt) thu hút trẻ mầm non theo học
Sẻ chia yêu thương
 
Không những tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục, các hoạt động thiện nguyện, từ thiện và bảo trợ xã hội cũng được các tôn giáo chung tay góp sức. Bên cạnh các hoạt động quyên góp, tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, những người mất khả năng lao động do bệnh tật, tai nạn, rủi ro trong cuộc sống… thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân các tôn giáo đã thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người yếu thế trong xã hội góp phần giảm nhẹ được gánh nặng cho các gia đình và sự quá tải của các trung tâm bảo trợ xã hội công lập. 
 
Đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở tham gia lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo; trong đó 12 cơ sở do các cơ sở, dòng tu Công giáo thành lập, nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 1.000 đối tượng;  có 7 cơ sở do Phật giáo thành lập; hầu hết các trường hợp được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng đều là trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân tâm thần, thiểu năng… Điển hình như: Lớp khiếm thính Mai Anh…; cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật mái ấm Tín Thác, xã Lộc Thanh - Bảo Lộc; cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Lục Hòa - xã Hiệp An - Đức Trọng; chùa Thiền Lâm, Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt…
 
***
 
Có thể khẳng định rằng, những năm qua, các tổ chức, cá nhân tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đã tích cực đồng hành cùng xã hội, nhất là tham gia các lĩnh vực giáo dục mầm non, y tế, dạy nghề và bảo trợ xã hội, thể hiện tinh thần chung “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Giáo hội Công giáo Việt Nam; “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; “Nước vinh đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên Chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của đạo Tin Lành… Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục mầm non, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề hay nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội… đồng hành cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng thiết thực của nhân dân, góp phần xây dựng  quê hương Lâm Đồng phát triển, bền vững. 
 
* Ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh: Với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, MTTQVN tỉnh rất coi trọng công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của các  tôn giáo tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Qua thực tiễn Lâm Đồng đã khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục mầm non, dạy nghề, y tế, bảo trợ xã hội… Đồng thời đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản và bước đầu phát huy được tiềm năng của các tổ chức, chức sắc tôn giáo góp phần làm đa dạng việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững của địa phương.
 
* Ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội: Trên địa bàn tỉnh, có 34 cơ sở Bảo trợ xã hội, trong đó có 29 cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo, chiếm 70% đối tượng tập trung của tỉnh. Các cơ sở này đã góp phần chăm lo cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa… Ngành rất ghi nhận sự đóng góp của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần ổn định cuộc sống cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong cuộc sống. Đây là sự chia sẻ giữa Nhà nước và nhân dân trong công tác chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng năm, Sở đều tổ chức tập huấn cho chủ các cơ sở về nghiệp vụ chăm sóc người tâm thần, chăm sóc trẻ em, đồng thời thông tin, hướng dẫn về thực hiện chính sách theo quy định để các cơ sở đi vào hoạt động ngày càng tốt hơn.  
 
* Linh mục Hoàng Văn Chính - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng: Xuất phát từ đường hướng của Hội đồng Giáo mục Việt Nam cho đồng bào Công giáo, bắt đầu từ Thư chung năm 1980 “đồng bào Công giáo đồng hành cùng dân tộc”, một chủ trương rất chính đáng, đóng góp tích cực cho xã hội. Cái lo lắng của xã hội cũng là lo lắng của Công giáo. Đơn cử như các giáo xứ trong Giáo hạt Di Linh tham gia tích cực bảo đảm an toàn giao thông và được nhân rộng nhiều nơi. Ngoài ra, việc tham gia phát triển nông thôn mới, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… đã được các chức sắc Công giáo, các giáo xứ, giáo họ tích cực hưởng ứng. Ủy ban Đoàn kết công giáo là thành viên của MTTQ nên chúng tôi rất đồng tình hưởng ứng các cuộc vận động, luôn đồng hành cùng xã hội, góp phần chung vào sự phát triển bền vững của địa phương.
 
* Bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường nhiều biện pháp để phát triển hệ thống các trường trong và ngoài công lập. Trong đó, nổi bật là sự tham gia của các tôn giáo trong giáo dục mầm non. Từ năm 1994 mới có một trường, đến nay đã có 28 trường mầm non, 49 cơ sở giáo dục mầm non tư thục độc lập và hàng chục nhóm lớp. Đặc biệt, hiện có Trường Mầm non Bông Hồng - Đức Trọng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cơ bản các trường thuộc các cơ sở tôn giáo đều đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục, an toàn cho trẻ và tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo; đồng thời đảm bảo chế độ, quyền lợi cho giáo viên, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ cho các CB - GV công tác tại các cơ sở MN tư thục, cung cấp các tài liệu tham khảo, tuyên truyền trong công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát , thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp MN trên địa bàn  phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. 
 
NGUYỆT THU