Đồng hành cùng an sinh xã hội

09:11, 09/11/2015

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo do Công giáo tổ chức như nhà thờ Vạn Thành (phường 5, thành phố Đà Lạt), nhà thờ Phú Sơn (huyện Lâm Hà), phòng khám tại thôn Diom (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương)… Với tinh thần phục vụ tận tình, nhiều năm qua các cơ sở trên đã thực hiện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo do Công giáo tổ chức như nhà thờ Vạn Thành (phường 5, thành phố Đà Lạt), nhà thờ Phú Sơn (huyện Lâm Hà), phòng khám tại thôn Diom (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương)… Với tinh thần phục vụ tận tình, nhiều năm qua các cơ sở trên đã thực hiện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người. Được biết, riêng tại cơ sở Phú Sơn, trong 5 năm (2009 - 2014) đã khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 45 ngàn lượt người, với kinh phí ước khoảng 2 tỷ đồng, được nhân dân quanh vùng rất cảm kích và ghi nhận tấm lòng hảo tâm của các vị chức sắc tôn giáo. Tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đi lại còn khó khăn thì các cơ sở tôn giáo đã phối hợp tổ chức mời các đoàn y bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh về khám chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con, lập tủ thuốc nhân đạo để giúp đỡ đồng bào nghèo lúc ốm đau. Những hoạt động của các chức sắc, các tổ chức tôn giáo đã góp phần làm phong phú, đa dạng hơn việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào lĩnh vực y tế vốn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội thăm và tặng quà cho cơ sở mầm non tư thục tại thành phố Bảo Lộc.
Đoàn Đại biểu Quốc hội thăm và tặng quà cho cơ sở mầm non tư thục tại thành phố Bảo Lộc

Về lĩnh vực giáo dục mầm non cũng nhận được sự tham gia tích cực của các tôn giáo. Theo thống kê của Ủy ban MTTQVN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 trường mầm non và 639 cơ sở mẫu giáo, mầm non tư thục. Trong đó, có 87 cơ sở của dòng tu Công giáo và 2 cơ sở của Phật giáo. Các cơ sở nói trên đã huy động được 10.249 trẻ dưới 5 tuổi ra lớp. Hầu hết các cơ sở đều được cấp phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua nhiều đợt kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, nhiều trường về cơ sở vật chất được đầu tư nguồn vốn lớn, trường xây khang trang, sạch đẹp và thu hút rất đông phụ huynh cho con đến học. Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Hải  - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Nhìn chung các trường mầm non do các tôn giáo tổ chức đều đảm bảo đủ các phòng sinh hoạt chung cho trẻ hướng đến đạt chuẩn quốc gia. Có thể nói, các tôn giáo trong tỉnh đã góp phần tích cực cho hệ thống giáo dục, giảm thiểu áp lực quá tải trường, lớp trong hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, cùng cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân  thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục.
 
Hoạt động dạy nghề và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh cũng nhận được sự đồng hành tích cực từ phía các tôn giáo. Toàn tỉnh có 3 trường và trung tâm dạy nghề, gồm Trường Trung cấp tư thục Tân Tiến (phường Lộc Tiến, Bảo Lộc), Lasan (phường 4, Đà Lạt), Vinh Sơn (xã Quảng Lập, Đơn Dương). Trong đó, mô hình của Trường Trung cấp nghề tư thục Tân Tiến với sự đỡ đầu của dòng DonBosco Việt Nam, trường đã đào tạo hàng ngàn học viên và học viên học các nghề hàn kim loại, điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô, cắt may thiết kế thời trang… sau khi ra trường hầu hết đều có việc làm, thu nhập ổn định.
 
Về công tác bảo trợ xã hội, hiện toàn tỉnh có 34 cơ sở công lập và ngoài công lập  đang chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 29 cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo. Thống kê của ngành LĐ - TB & XH cho biết, khoảng 1.295 người đang được hưởng bảo trợ xã hội thuộc 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Cũng qua thực tiễn kiểm tra, khảo sát tại các địa phương của cơ quan MTTQ và các ngành chức năng đã ghi nhận sự đóng góp về công sức, tiền của trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ của các tôn giáo. Đội ngũ nhân viên chăm sóc, phục vụ đối tượng bảo trợ được đảm bảo về số lượng và chất lượng theo đúng quy định. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng  trẻ em mồ côi, khuyết tật, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. 
 
Ghi nhận về vấn đề này, ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh cho rằng: Trong thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã luôn phát huy tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” đồng hành cùng dân tộc, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, huy động được nguồn lực lớn tham gia vào xã hội hóa y tế, giáo dục, dạy nghề, bảo trợ, nông thôn mới… góp phần đáng kể vào quá trình thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng vững mạnh.
 
Nguyệt Thu