Lỗi hẹn cùng danh hiệu

09:08, 07/08/2015

Khi cả nước xôn xao chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần thứ 8, thì một lần nữa giới nghệ sĩ Lâm Đồng lại ngậm ngùi. 

Khi cả nước xôn xao chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần thứ 8, thì một lần nữa giới nghệ sĩ Lâm Đồng lại ngậm ngùi. 
 
Nghệ sĩ Lâm Đồng đã từng làm nên rất nhiều “đại tiệc” nghệ thuật được công chúng ghi nhận
Nghệ sĩ Lâm Đồng đã từng làm nên rất nhiều “đại tiệc” nghệ thuật được công chúng ghi nhận
 
Tương tự các danh hiệu dành cho thầy thuốc, nhà giáo (thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú), danh hiệu NSƯT, NSND là danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước trao tặng cho các nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật. Bắt đầu từ năm 1984, hơn 30 năm, qua 8 lần xét tặng, hàng trăm nghệ sĩ trong cả nước được phong tặng danh hiệu NSND, hàng ngàn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, nhưng ở Lâm Đồng danh hiệu dành cho các nghệ sĩ dường như chưa được quan tâm đúng mức. 
 
Hoạt động nghệ thuật gắn liền với tài năng, sự đóng góp và nhân cách của người nghệ sĩ. 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Lâm Đồng - Đà Lạt, mảnh đất mộng mơ, đã hội tụ nhiều tài năng trên mọi lĩnh vực về dựng xây phát triển, trong đó có lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật được công chúng thừa nhận nhưng vẫn đứng bên ngoài các danh hiệu. Không ai phủ nhận tài năng của nhạc sĩ Đình Nghĩ, người mà chỉ nhắc đến tên tuổi, giới nhạc sĩ trong nước cũng mến phục. Ông đã có hơn 30 năm cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật ca múa nhạc Lâm Đồng, dàn dựng các chương trình biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao phục vụ công chúng và đoạt nhiều huy chương trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Say mê sáng tạo, ông đã viết hàng chục bài hát về Đà Lạt đi vào lòng công chúng và vinh dự được trao tặng giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần I. 9 năm trở lại đây, năm nào nhạc sĩ Đình Nghĩ cũng có tác phẩm được tặng giải thưởng danh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Nhắc đến cái tên Nguyễn Vũ Hoàng, người dân Đà Lạt nhớ đến một người có nhiều sáng tạo trong biểu diễn nghệ thuật đại chúng. Là tổng đạo diễn, là nhân tố quan trọng sáng tạo và làm nên thành công của 5 kỳ Festival Hoa, nhà biên đạo Nguyễn Vũ Hoàng góp phần không nhỏ đưa Festival Hoa thành thương hiệu riêng có của Đà Lạt. Trước đó là những sáng tạo mang tính “tập dượt” như Lễ hội sắc hoa Đà Lạt rực rỡ và hoành tráng; cả Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ I tại Đà Lạt để lại ấn tượng khó phai; chuỗi hoạt động lễ hội trong Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt. Chưa kể, ông còn đóng vai trò đạo diễn rất nhiều lễ hội lớn nhỏ chào mừng các sự kiện chính trị, xã hội hàng năm được tổ chức quy mô, bài bản, huy động hàng ngàn quần chúng, đưa lễ hội thực sự là ngày hội của công chúng. Dù muốn dù không cũng không thể phủ nhận Nguyễn Vũ Hoàng là nhà làm lễ hội chuyên nghiệp, là nghệ sĩ xuất sắc trong công tác biểu diễn nghệ thuật quần chúng...
 
Không thể kể ra đây hết những nghệ sĩ đi trước đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp ở Lâm Đồng đã dành cả cuộc đời, tài năng, tâm huyết vì một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong suốt 4 thập kỷ qua. Tất cả họ (nghệ sĩ) đều có chung suy nghĩ: Làm nghệ thuật, cống hiến hết mình cho nghệ thuật là vì niềm đam mê chứ không phải vì danh hiệu. Tuy nhiên, xứng đáng nhận danh hiệu mà không được quan tâm xét tặng cũng đồng nghĩa với những cống hiến không được ghi nhận thỏa đáng. Trong khi nhìn sang tỉnh bạn, trong những lần giao lưu nghệ thuật khi mà Ninh Thuận đã giới thiệu đôi ba nghệ sĩ ưu tú còn rất trẻ tuổi, Bình Thuận từ nhiều năm nay đã có nhiều nghệ sĩ ưu tú, ngay Đắk Nông, một tỉnh mới tách ra từ Đắc Lắc đã kịp có 1 nghệ sĩ NSƯT. Mặt khác, danh hiệu cho các cá nhân tài năng sẽ khẳng định một nền nghệ thuật phát triển. Lâm Đồng mảnh đất của nghệ thuật, thi ca, nhạc họa với rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng chưa ai được nhắc đến với danh hiệu NSƯT cao quý, không chỉ là thiệt thòi cho cá nhân, mà sẽ là thiệt thòi lớn cho đội ngũ những người làm nghệ thuật Lâm Đồng. Người nghệ sĩ chân chính, dù không được phong bất cứ danh hiệu gì họ vẫn sáng tạo, vẫn cống hiến. Danh hiệu trao đúng người, đúng việc, xứng đáng với những cống hiến sẽ có tác dụng khích lệ nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, sống và cống hiến xứng đáng với danh hiệu đã có; đồng thời khích lệ lớp nghệ sĩ trẻ rèn luyện, trưởng thành. Tiếc gì danh hiệu mà không xét tặng khi họ xứng đáng!ª
 
Làm việc với ngành văn hóa về vấn đề này, chúng tôi được biết, sau hơn 30 năm nhà nước tổ chức xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ (2 năm xét một lần), vừa qua, lần đầu tiên Lâm Đồng đã thành lập được Hội đồng nghệ thuật cấp cơ sở (ở tỉnh, và bộ, ngành) để xét danh hiệu NSƯT cho nhạc sĩ Đình Nghĩ trước khi gửi ra TW theo đúng quy chế xét tặng. Nhưng sau khi thành lập được Hội đồng nghệ thuật cấp tỉnh xét tặng, gửi hồ sơ đi thì ngoài TW đã xét rồi. Chính vì sự lần khần, chậm trễ, một lần nữa, nghệ sĩ đành lỗi hẹn với danh hiệu. 
 
THÁI AN