Xã anh hùng không thể nghèo mãi

08:07, 02/07/2015

Vùng căn cứ kháng chiến cũ, xã anh hùng Sơn Điền (huyện Di Linh), một trong những "tâm nghèo" của Nam Tây Nguyên những ngày xưa, giờ đã khoác lên mình "màu áo mới", tươi tắn và hy vọng. Cả xã giờ chỉ còn 58 hộ nghèo, con số ấy là minh chứng cho một cuộc "trở mình" đến khó tin của mảnh đất vùng sâu này.

Vùng căn cứ kháng chiến cũ, xã anh hùng Sơn Điền (huyện Di Linh), một trong những “tâm nghèo” của Nam Tây Nguyên những ngày xưa, giờ đã khoác lên mình “màu áo mới”, tươi tắn và hy vọng. Cả xã giờ chỉ còn 58 hộ nghèo, con số ấy là minh chứng cho một cuộc “trở mình” đến khó tin của mảnh đất vùng sâu này.
 
Sơn Điền là xã thuộc diện khó khăn và nghèo nhất của Di Linh, điều này hẳn chẳng cần phải lý giải nhiều. 97% hộ dân sinh sống nơi đây là người Nộp (gốc Tây Nguyên) bản địa, tập quán sản xuất lạc hậu, cách biệt với trung tâm như ốc đảo… Chính những điều đó khiến Sơn Điền có điểm xuất phát thấp hơn so với các xã khác của huyện.
 
“Không thể để Sơn Điền nghèo mãi”, Đảng bộ và chính quyền xã đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất, nhằm từng bước sớm đưa Sơn Điền thoát khỏi danh sách những xã nghèo nhất Nam Tây Nguyên bằng những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của địa phương.
 
Những ưu tiên trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân luôn được xã ưu tiên và cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho vay vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân… Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình, thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp luôn được xã quan tâm phổ biến trong nhân dân.
 
Chính những điều này, đã giúp cho Sơn Điền có một cuộc “lột xác” đến khó tin. Không còn hình ảnh của một xã vùng sâu, nghèo đói và ảm đạm, xác xơ trong những mùa giáp hạt. Giờ là hình ảnh của Sơn Điền rất khác, tươi mới như trong cái nhìn đầy tự tin của ông Chủ tịch xã K’Bôn: “Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, xã Trung Sơn (tên cũ của Sơn Điền) là một căn cứ kháng chiến. Cả xã có khoảng 300 người dân, nhưng đã có tới 15 liệt sỹ cả nam và nữ. Đồng bào ở đây đã từng ăn bắp, mỳ để nhường cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Sau rất nhiều khó khăn của những năm trước đây, hiện tại dù vẫn còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng phần nào đó Sơn Điền đã có thể dần đi lên bằng chính sự quyết tâm và nội lực của mình”.
 
Chúng tôi tin lời ông Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, tin vào một sự thay đổi thực sự và cả những con số khô khan trong bản báo cáo KT-XH của xã. Sơn Điền có 7 thôn với 576 hộ dân, trên 2.800 nhân khẩu. Từ khi thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 100%, với mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 5% số hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 9,8%, nghĩa là chỉ còn vỏn vẹn 58 hộ nghèo.
 
Với phương châm trao cho người nghèo “cần câu” để tự vươn lên, xã Sơn Điền đã chú trọng tập trung xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các phương pháp thâm canh, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của xã, đã giúp cho người dân Sơn Điền không còn cảnh lo cái đói. 
 
Sơn Điền hiện có 550ha cà phê, 80ha bắp phục vụ chăn nuôi, 110ha lúa nước đảm bảo cung cấp lương thực tại chỗ; ở các thôn như Ka Liêng, Bờ Nơm, Đăng Gia, Kon Sỏh… tìm người có thu nhập vài trăm triệu một năm không phải là điều hiếm. “Ở Sơn Điền, người dân đã biết làm kinh tế giỏi. Bây giờ mình và bà con trong thôn đã biết trồng cà phê catimo, robusta và chăn nuôi lợn, bò… không còn lo cái đói nữa” - Già K’Mớ - thôn Bó Cao chia sẻ. Không chỉ có cà phê, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Điền còn rất giỏi làm lúa nước. Những cánh đồng lúa chạy hai bên con suối Đa Rsa (nhất là vụ đông xuân) vàng óng vào những vụ thu khiến cho những ai đến đây đều phải khẳng định, trình độ canh tác lúa nước của người Nộp nơi đây chẳng thua kém gì người Kinh.
 
Cũng theo ông Chủ tịch xã K’Bôn thì từ khi Đảng và Nhà nước triển khai hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh định cư và đặc biệt là chuyển giao mạnh mẽ khoa học công nghệ cho người dân phát triển sản xuất thì Sơn Điền đã dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh hơn so với dự kiến theo từng năm.
 
Để có thể giúp người dân xóa nghèo, không tái nghèo, xã Sơn Điền còn chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh có mục tiêu xóa đói giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt tập trung thực hiện khá hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay đối với hộ nghèo.
 
Hiện tại, thông qua các tổ chức đoàn thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội (chi nhánh Di Linh) đã giải ngân hàng chục tỷ đồng cho các hộ nghèo trong xã để vay vốn phát triển sản xuất. Không những thế, người dân còn trực tiếp tham gia vào các buổi tư vấn, trao đổi kinh nghiệm để có thể sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn vay. Tất cả những điều đó đã giúp cho người nghèo ở Sơn Điền thoát nghèo một cách bền vững. Không còn tình trạng người dân vay vốn về sử dụng sai mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp, dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi hoàn trả vốn vay cho ngân hàng như trước đây.
 
Không chỉ phát triển kinh tế, Sơn Điền còn tập trung xây dựng đời sống văn hóa dân cư tại các thôn buôn để hướng tới sự phát triển toàn diện. Sơn Điền hiện là xã không có người phạm tội; xã cũng có trên 30 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Hà Nội. Gia đình các ông K’Nhân, K’Bảy ở thôn Đăng Gia; bà Ka Ngô, ông K’Hoa ở thôn Bó Cao… là những tấm gương hiếu học điển hình.
 
Vẫn còn đó những khó khăn không dễ để thay đổi ở một xã vùng sâu, có điểm xuất phát thấp như Sơn Điền. Nhưng với niềm tin, sự trung kiên của người dân ở vùng căn cứ kháng chiến, của xã anh hùng lực lượng vũ trang đã dành cho cách mạng trong những năm tháng đấu tranh gian khổ nhất, hy vọng về một sự đổi thay nhanh chóng trên mảnh đất này đã dần hiện hữu. Cái nghèo dường như đã dần lùi xa!
 
ÐĂNG LỘ