Tình hình thực hiện Luật BHYT tại Lâm Đồng

08:07, 03/07/2015

Lâm Đồng được Trung ương đánh giá làm tốt việc thực hiện chi hỗ trợ ngân sách địa phương mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho đối tượng cận nghèo. Tuy nhiên, trong thực tế, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã giảm kể từ khi thi hành Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014...

Lâm Đồng được Trung ương đánh giá làm tốt việc thực hiện chi hỗ trợ ngân sách địa phương mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho đối tượng cận nghèo. Tuy nhiên, trong thực tế, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã giảm kể từ khi thi hành Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014. Nhiều khó khăn thách thức để phấn đấu đạt chỉ tiêu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 70% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đưa.
 
Hưởng ứng Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam với chủ đề năm 2015 là “Chung tay thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật Bảo hiểm Y tế, trọng tâm là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các thủ tục, kê khai tham gia bảo hiểm y tế tới các cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị. Nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;  nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện nghiêm Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

Tính đến cuối tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 776.221 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ BHYT chiếm 61% dân số. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ tăng thêm 6,9% dân số tham gia BHYT với 50.094 người so với đầu năm 2015 và giảm 2,3% với 18.140 người so với thời điểm cuối năm 2014. Nguyên nhân tỉ lệ dân số tham gia BHYT tại Lâm Đồng giảm là do khi thực hiện Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn) thì số đối tượng là người dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHYT giảm. Tổng số lượt người khám chữa bệnh theo chế độ BHYT trong tỉnh 6 tháng đầu năm là 765.793 lượt người (chưa tính số người khám chữa bệnh đa tuyến đi ngoài tỉnh), với số tiền chi trả từ quỹ BHYT là 129,8 tỷ đồng, tăng 3,4% với 4,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.

Năm 2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh phối hợp với ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT gắn liền với thực hiện nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của Chính phủ. Trong Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đưa chỉ tiêu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 70% dân số tham gia BHYT. Tiếp tục bố trí kinh phí để đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng, đặc biệt là hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh với mức: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và ngân sách huyện hỗ trợ 30%. UBND tỉnh đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT, BHXH trên địa bàn tỉnh; Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và hội nghị về thực hiện BHYT trong công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hai bên cùng phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.  Thủ tục hành chính trong tham gia BHYT và khám chữa bệnh tiếp tục được đơn giản hóa, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao hơn. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp về chính sách, chế độ BHXH, BHYT và tuyên truyền về thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử tham gia BHXH, BHYT cho đại diện hơn 1.000 cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh. Tổ chức phát thanh nội dung đĩa CD tuyên truyền về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT trên xe loa lưu động và hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức phát thanh thường xuyên trên loa phát thanh của các trạm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh. Tổ chức in và phát hành 600 tờ áp phích “Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh BHYT”; 88.500 tờ gấp tuyên truyền về BHYT hộ gia đình và 18.500 tờ gấp tuyên truyền về BHYT cho người lao động. Hàng tháng phân bổ 136 cuốn tạp chí Bảo hiểm xã hội/số phát hành và 203 tờ báo Bảo hiểm xã hội số ra hàng tháng gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều lao động để tuyên truyền; tổ chức treo 166 băng rôn tuyên truyền về BHYT tại các trục đường chính, khu đông dân cư và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nhân dịp Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7). 
 
Tuy nhiên, tình hình thực hiện Luật BHYT tại tỉnh Lâm Đồng còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc: Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt còn thấp so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đồng thời, trong công tác cấp đổi thẻ BHYT theo mẫu, mã mới, việc thu hồi thẻ BHYT theo mẫu cũ của đối tượng chỉ tham gia BHYT và việc bổ sung thông tin về ngày, tháng, năm sinh của đối tượng người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Quỹ định suất thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 10 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của quý 1 năm 2015 thấp hơn quỹ định suất hàng quý của năm 2014 xác định theo quy định cũ trước đây khoảng 15% nên đã gây phản ứng từ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất trong tỉnh Lâm Đồng, dẫn đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh này đều đề nghị được thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phí dịch vụ. 
 
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này, tỉnh Lâm Đồng có một số đề xuất, kiến nghị sau:  Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số gốc địa phương ở các xã không thuộc vùng khó khăn và hộ gia đình 5 năm sau khi thoát nghèo; nâng mức hỗ trợ lên 50% số tiền đóng BHYT cho hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét lại quy định về xác định quỹ định suất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người có thẻ BHYT, khuyến khích thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất.
 
AN NHIÊN