
Là huyện đi đầu của Lâm Đồng trong xây dựng nông thôn mới, Đơn Dương trong những năm qua đã gắn kết một cách hiệu quả phong trào này với xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng khu dân cư.
Là huyện đi đầu của Lâm Đồng trong xây dựng nông thôn mới, Đơn Dương trong những năm qua đã gắn kết một cách hiệu quả phong trào này với xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng khu dân cư.
Cổng chùa “xanh - sạch - đẹp”
Nằm ở một thị trấn thanh bình, Giác Hoa là một ngôi chùa đẹp ở Dran (Đơn Dương). Không chỉ góp phần tạo dựng ngôi chùa đẹp về cảnh sắc, hài hòa với thiên nhiên, rất sạch sẽ; trụ trì ngôi chùa này là ni sư Thích Nữ Diệu Ân còn là một tấm gương tiêu biểu của Đơn Dương trong vận động người dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do huyện phát động, đặc biệt, trong vận động tín đồ xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Với uy tín của mình trong cộng đồng, ni sư đã tích cực động viên, kêu gọi gia đình Phật tử trong vùng sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. “Tôi thấy nhiều nội dung của phong trào khá tương đồng với phương châm hành đạo của Phật giáo, cũng nhằm hướng đến chân - thiện - mỹ; góp phần phát huy tinh thần hòa hợp, đoàn kết, tương thân tương ái... Phận sự chính của chúng tôi là chăm lo công tác Phật sự, chỉ có thể đóng góp phần nhỏ vận động mọi người cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, dạy bảo con cháu chăm lo học hành, không vi phạm pháp luật, tham gia đóng góp công sức nâng cấp đường làng ngõ xóm, xây dựng cộng đồng quê hương ngày một giàu đẹp, biết chia sẻ với những người khó khăn, hoạn nạn” - ni sư Diệu Ân cho biết.
Không chỉ vận động mọi người trong cộng đồng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, chùa Giác Hoa cũng đi đầu tại Dran trong phong trào “Xanh - sạch - đẹp” của huyện với phương châm “Thiền môn thanh tịnh, cảnh chùa xanh - sạch - đẹp”. Cửa chùa, như ni sư Diệu Ân, luôn rộng mở với mọi người. Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, chùa Giác Hoa đã mời nhiều đoàn y bác sỹ về đây khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho bà con nghèo khó khăn trong vùng, trợ giúp các gia đình hoạn nạn, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo sửa chữa nhà ở với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Chùa cũng đóng góp 60 triệu đồng cùng thôn để bê tông hóa con đường làng, mắc điện chiếu sáng ban đêm; góp thêm 20 triệu đồng cho quỹ khuyến học của thị trấn để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
 |
Nhà văn hóa xã Lạc Lâm - Đơn Dương |
Nông thôn mới gắn với văn hóa
“Rất nhiều điển hình tích cực xuất hiện từ cấp cơ sở đến cấp huyện trong xây dựng nông thôn mới khi gắn kết với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” - ông Trương Thành Được, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Đơn Dương khẳng định.
Theo ông Được, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” khi gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một sức sống rất mạnh mẽ tại Đơn Dương. Thông qua cuộc vận động, Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò tiên phong của mình, cụ thể hóa bằng việc làm thiết thực, phối hợp với các ngành, các cấp cùng thực hiện. Cuộc vận động này cho đến nay đã đạt được những kết quả hết sức khả quan, được người dân hưởng ứng rất tích cực.
Số liệu của Ủy ban MTTQ Đơn Dương cho thấy, từ năm 2010 đến nay, người dân Đơn Dương đã hiến trên 66 nghìn m2 đất để làm các công trình dân sinh, đóng góp trên 18,7 tỷ đồng, trên 31 nghìn ngày công để làm đường nông thôn, làm cầu, mắc điện sáng đường nông thôn; nạo vét, kiên cố hóa kênh mương… Đơn Dương cho đến nay không chỉ dẫn đầu tỉnh về làm đường nông thôn mà còn là địa phương có phong trào chiếu sáng đường làng rất độc đáo với các công trình dân lập có tổng chiều dài gần 150km, tổng số tiền đóng góp trên 5 tỷ đồng.
Trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đến nay, toàn huyện có 92/105 thôn có hội trường thôn cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, phần lớn trong số này do dân góp sức xây dựng. Hầu hết các xã đến nay đều có nhà văn hóa; trong năm 2014 vừa qua, số gia đình văn hóa đạt khoảng 92% số hộ trong toàn huyện. Đáng kể nhất, theo đánh giá của UB MTTQ huyện; việc cưới, tang, lễ hội đã có chuyển biến tích cực.
Phát huy truyền thống tương thân tương ái, xây dựng tình làng nghĩa xóm, trong 5 năm gần đây, MTTQ các cấp ở Đơn Dương cùng các đoàn thể xã hội, chính quyền đã vận động người dân chung tay hỗ trợ xây dựng được 122 căn nhà cho người nghèo, khó khăn; sửa chữa 7 căn nhà tình thương.
Một việc làm có ý nghĩa nữa trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Đơn Dương hiện nay là công tác bảo vệ môi trường. Phong trào “xanh - sạch - đẹp” của tỉnh khi được vận dụng ở cơ sở tại các thôn làng ở Đơn Dương đã trở thành cuộc vận động “Nhà có hàng rào, cổng nhà đẹp, đường làng ngõ xóm sáng, xanh - sạch - đẹp”. Người dân các thôn đã tự nguyện đóng góp để trồng thêm cây xanh trên đường làng, nhiều làng vận động dân trồng hoa trước nhà, sửa sang lại hàng rào, cổng nhà, mở các cuộc thi hằng năm để khuyến khích mọi người cùng làm đẹp hơn cho làng mình. Các tổ, thôn, khu phố đã yêu cầu người dân cam kết xử lý rác thải tại vườn nhà, không đổ rác ra đường và chốn công cộng. Nhiều thôn đã thành lập các đội thu gom rác dân lập theo hình thức xã hội hóa để giữ cho cảnh quan đường làng ngõ xóm luôn luôn sạch, đẹp.
Theo ông Được: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng hơn, trong đó gắn thực hiện 5 nội dung trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho cuộc vận động.”.
GIA KHÁNH