Hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2015

10:07, 06/07/2015

Sau 4 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015 - kỳ thi "kép" lần đầu tiên được tổ chức với hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, tại Lâm Đồng, kỳ thi đã kết thúc an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Sau 4 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015 - kỳ thi “kép” lần đầu tiên được tổ chức với hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, tại Lâm Đồng, kỳ thi đã kết thúc an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. 
 
Theo báo cáo của 2 cụm thi, trong 4 ngày thi với 8 môn thi, tại 2 cụm thi đã có 19 thí sinh bị đình chỉ thi và 2 giám thị bị đình chỉ coi thi. Cụ thể: tại cụm thi do Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) chủ trì, có 17 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi (Toán 2, Ngữ văn 3, Địa lý 8, Lịch sử 3) và 2 giám thị bị đình chỉ do ký nhầm vào giấy thi; tại cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, có 2 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi ở môn Lịch sử. Tại cả 2 cụm thi, không có thí sinh nào do sức khỏe, giao thông hay điều kiện gia đình phải bỏ thi. 
 
Kỳ thi “kép” lần này tạo thuận lợi cho thí sinh có cơ hội đến trường đại học cao hơn
Kỳ thi “kép” lần này tạo thuận lợi cho thí sinh có cơ hội đến trường đại học cao hơn
 
Kỳ thi phân luồng, đề thi phân hóa
 
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Lâm Đồng có hơn 20 ngàn thí sinh đăng ký dự thi ở cả 2 cụm thi, trong đó, ở cụm thi chỉ tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì có 2.500 thí sinh; cụm thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng do Trường ĐHĐL chủ trì có 18.647 thí sinh của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Tỷ lệ thí sinh có mặt dự thi ở cả 2 cụm thi đều đạt trên 98%. Điều này đã khẳng định hiệu quả ban đầu trong việc phân luồng học sinh và giảm chi phí do hồ sơ ảo. Thí sinh dự thi tại 2 cụm thi với 2 mục đích khác nhau nên đã có sự phân hóa rõ ràng ngay trong các môn thi tự chọn. Đối với cụm thi xét tốt nghiệp, Địa lý là môn có số lượng thí sinh chọn nhiều nhất với 1.288/2.500 thí sinh (có mặt 1.279 thí sinh), vì theo nhiều thí sinh, đây là môn dễ “ăn điểm” để đậu tốt nghiệp; còn Vật lý lại là môn có ít thí sinh đăng ký nhất (139/2.500, có mặt 136 thí sinh). Ngược lại, ở cụm thi xét tuyển đại học, cao đẳng thì Địa lý là một trong hai môn (Lịch sử) có số thí sinh đăng ký ít nhất (5.477/18.647, có mặt 5.390 thí sinh), còn Vật lý lại là môn có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất (10.376/18.647, có mặt 10.219 thí sinh). Từ đây cũng nhận thấy rằng, số lượng thí sinh chọn các khối tự nhiên để xét tuyển đại học, cao đẳng vẫn chiếm ưu thế hơn so với khối xã hội. Cũng chính vì vậy mà tại cụm thi xét tuyển đại học, cao đẳng, trong các môn tự chọn, có nhiều điểm thi “trắng” thí sinh (Lịch sử 13 điểm, Địa lý 11 điểm, Sinh học 11 điểm, Hóa học 5 điểm và Vật lý 5 điểm).
 
Với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi được phân hóa rõ rệt để đáp ứng hai mục đích của kỳ thi chung. Bên cạnh đó, cách ra đề nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi. 
 
Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
 
“Chưa có kỳ thi nào lại nhận được sự quan tâm của toàn xã hội như kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Từ lãnh đạo của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đến các doanh nghiệp và người dân đã thể hiện tính xã hội hóa giáo dục rất cao. Bằng chứng là trong kỳ thi này, số phòng ở miễn phí tăng gấp 3 lần, các suất ăn miễn phí tăng 4 lần, không có thí sinh và phụ huynh nào không có chỗ ở, khi kỳ thi đi được hơn nửa chặng đường vẫn còn trống hàng trăm chỗ ở miễn phí. Điều này đã làm nên thành công của kỳ thi. Tuy năm nay nhà trường có đông thí sinh tham gia dự thi nhưng áp lực đã được chia đôi nên mọi việc tương đối suôn sẻ. Đây cũng là kỳ thi tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi các em có cơ hội đến trường đại học cao hơn, vì sau khi có kết quả kỳ thi này các em mới đăng ký chọn trường. Và đó cũng là sự sàng lọc để không bị rơi những thí sinh có năng lực như nhiều năm trước”, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi Trường ĐHĐL chia sẻ. 
 
Ở cụm thi tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì, tại 11 điểm thi, thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, từ kết quả kỳ thi này, thí sinh vẫn có cơ hội đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng khi có hơn 150 trường trên cả nước tuyển sinh bằng kết quả thi tại cụm thi tỉnh. “Đây là điều hết sức nhân văn của kỳ thi này, một số thí sinh có thể do năng lực, do điều kiện gia đình hoặc chính nhu cầu của các em nên chỉ đăng ký tại cụm thi tỉnh. Nhưng chính sự “mở” trong phương thức tuyển sinh đã tạo điều kiện cho thí sinh và phụ huynh cân nhắc, lựa chọn để các em có cơ hội tiếp tục con đường học vấn của mình”, bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.
 
Như vậy, có thể nói, tuy là lần đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng tại Lâm Đồng, kỳ thi đã tương đối thành công, chứng tỏ sự thích ứng nhanh và trách nhiệm của ngành giáo dục, Trường ĐHĐL nói riêng; của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung vì một kỳ thi mang tính đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của đất nước.
 
TUẤN HƯƠNG