Cuộc sống ở đảo chìm Trường Sa

09:07, 02/07/2015

Trong chuyến công tác lần này, tôi có dịp đặt chân thăm 6/11 đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa; trong đó, có tới 4 đảo chìm là Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Đông và Đá Tây. So với đảo nổi, cuộc sống ở các đảo chìm gian khó hơn nhiều. Song, cán bộ và chiến sĩ công tác tại đây luôn giữ vững sự lạc quan, kiên cường bám đảo và bám biển để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác lần này, tôi có dịp đặt chân thăm 6/11 đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa; trong đó, có tới 4 đảo chìm là Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Đông và Đá Tây. So với đảo nổi, cuộc sống ở các đảo chìm gian khó hơn nhiều. Song, cán bộ và chiến sĩ công tác tại đây luôn giữ vững sự lạc quan, kiên cường bám đảo và bám biển để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Gian lao nơi đầu sóng
 
Trong chuyến hải trình 15 ngày của Tàu Trường Sa 571 vượt sóng biển đưa chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, tôi đã cảm nhận được phần nào về cuộc sống của các anh ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Nhìn từ xa, các đảo chìm như Thuyền Chài, Tiên Nữ, Tốc Tan, Núi Le, Đá Lát, Đá Đông hay Đá Tây… như những ngọn hải đăng giữa sóng biển trùng khơi. Hầu hết các đảo đều có từ 2 đến 3 điểm đảo được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển, tạo thành các chiến lũy vững chắc. Khi thủy triều lên, các bãi san hô đều ngập nước. Lúc thủy triều xuống, bãi san hô xuất hiện chạy dài bao bọc các đảo. Điều dễ nhận thấy, từ bến cập xuồng, bia chủ quyền, khu nhà bếp, phòng ở, hội trường và kể cả cầu thang các đảo chìm đều được xây dựng theo một kiểu kiến trúc giống nhau. Phía trên đỉnh tòa nhà, là cột cờ Tổ quốc với lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay phấp phới. Những diện tích nhỏ hơn, được các chiến sĩ tận dụng để đặt các thùng xốp trồng rau và làm bể chứa nước ngọt. Phía ngoài các đảo là tàu, thuyền của ngư dân neo đậu để bám biển đánh bắt thủy sản. 
 
Đại úy Trương Thanh Vũ, Chỉ huy trưởng Đảo Thuyền Chài A, chia sẻ: “Vì không gian nhà trên đảo quá chật hẹp, nên tất cả các chiến sĩ phải ngủ ở giường tầng. Khi có khách đến thăm và ở lại, các chiến sĩ phải ngủ dưới nền nhà để nhường giường cho khách. Đảo không có nhà ăn riêng hay trạm xá, tất cả đều phải sinh hoạt tại phòng ở. Đến mùa mưa bão, sóng biển cao 3 đến 4 mét ập vào đảo, tất cả chúng tôi đều phải đóng kín cửa và bật điện sáng để ăn cơm. Rồi những cuộc điện thoại về nhà cho người thân, các chiến sĩ đều phải “hét” thật to để át sóng biển. Khó khăn là vậy, nhưng anh em chúng tôi luôn yêu thương nhau hết mực và xem đảo như là nhà để cùng nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”. 
 
Chiến sĩ trồng rau xanh tại các đảo chìm
Chiến sĩ trồng rau xanh tại các đảo chìm

Kiên trung bám đảo
 
Mặc dù sinh hoạt trên một diện tích rất nhỏ hẹp, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng các chiến sĩ trên các đảo chìm vẫn kiên cường, lạc quan để cùng nhau bám đảo, bám biển. Những năm gần đây, hầu hết các đảo chìm đều được đầu tư xây dựng bể chứa, nên đã chủ động và đảm bảo được nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ vậy, khi có mưa cũng là lúc các anh cùng nhau chuẩn bị xô, chậu để hứng và dự trữ nước ngọt để dùng cho cả năm. 
 
Nói là đảm bảo đủ nước sinh hoạt, nhưng mỗi ngày với lượng nước ngọt ít ỏi nên các chiến sĩ phải sử dụng chi li và hết sức tiết kiệm. Nước tắm xong dùng để giặt và lắng lại để tưới rau. Để tăng gia sản xuất, cán bộ, chiến sĩ phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ và cho vào thùng xốp trồng rau xanh. Nhưng vì khí hậu khắc nghiệt, nên rau trên đảo chủ yếu là các giống ngắn ngày. Để cải thiện bữa ăn, các anh tranh thủ thời gian để dùng ca nô đánh bắt cá, mực… Không những vậy, các anh còn tận dụng cả những miếng gỗ trôi dạt trên biển để làm chuồng nuôi gà, vịt và che chắn cho vườn rau. 
 
Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Chính trị viên Đảo Đá Lát, cho biết: “Có thể nói, Đá Lát là đảo nhỏ nhất trong các đảo chìm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa. Vì diện tích chật hẹp, nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo không có không gian riêng cho mình. Có lẽ cũng vì thế mà người mới cũng như người cũ đều luôn hòa đồng và gắn bó với nhau như anh em một nhà. Tối nào, sau khi xem thông tin thời sự xong, anh em chúng tôi cũng quây quần lại để đàn hát cho nhau nghe những bài ca về đất nước, biển, đảo, quê hương… Có niềm vui, anh em vững tin hơn để một lòng hướng tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và quyền lợi của ngư dân đi biển”. Còn thiếu tá Nguyễn Văn Đắc, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Tây, khẳng định: “Đảo Đá Tây được xem là trung tâm của các đảo chìm khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế biển. Cùng với đó, Đá Tây còn được biết đến là một điểm tựa vững chắc của người dân đi biển. Trên đảo có Trạm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, dầu máy, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác cho ngư dân. Hiện nay, trên đảo đang xây dựng thêm âu tàu rộng 13ha, đủ cho khoảng 200 tàu cá của ngư dân neo đậu và tránh bão. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng các khu dịch vụ như Kho đông lạnh, Nhà phân loại cá, Căn tin, Trạm Y tế để thu mua cá và phục vụ ngư dân. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một điểm thu mua cá của ngư dân để xuất khẩu”. 
 
Ra thăm con trai làm nhiệm vụ tại Đảo Đá Lát, ông Nguyễn Viết Đoan (ngụ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), nói trong hạnh phúc: “Trong những ngày đêm lưu lại trên đảo, chúng tôi - những người đến từ đất liền, vô cùng cảm kích về những cử chỉ, việc làm đầy nghĩa tình của các chiến sĩ. Chúng tôi cảm thấy tự hào về sự lạc quan, kiên trung của các anh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
KHÁNH PHÚC