Người "gác sóng" lặng lẽ

10:06, 23/06/2015

(LĐ online) - Khu vực 3 xã Đầm Ròn của huyện nghèo Đam Rông được coi như vùng lõm thông tin, bởi đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, cách trở. Trạm phát lại của Đài TT – TH Đam Rông là điểm duy nhất tiếp nhận sóng phát thanh truyền hình và chuyển tải thông tin đến với người dân sinh sống tại khu vực này.

(LĐ online) - Ngày tôi mới vào nghề, về Đầm Ròn, Kơ Să Ha Jim đã ở đó được hơn 10 năm. Nhẫn nại và đầm tính, anh lặng lẽ náu mình vào “chiếc lô cốt” để vận hành các thiết bị máy móc tại Trạm phát lại Truyền thanh – Truyền hình khu vực ba xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông của Lạc Dương trước đây và Đam Rông sau này. “Vùng lõm” Đầm Ròn nghèo đói và khắc nghiệt, nhưng những “cánh sóng” đi về do Ha Jim “gác giữ” chưa bao giờ vơi cạn như con suối mùa khô.
 
Khu vực 3 xã Đầm Ròn của huyện nghèo Đam Rông được coi như vùng lõm thông tin, bởi đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, cách trở. Trạm phát lại của Đài TT – TH Đam Rông là điểm duy nhất tiếp nhận sóng phát thanh truyền hình và chuyển tải thông tin đến với người dân sinh sống tại khu vực này.
 
Hàng ngày, anh Ha Jim luôn cố gắng giữ sóng TTTH để tiếng nói của Đảng vang xa
Hàng ngày, anh Ha Jim luôn cố gắng giữ sóng TTTH để tiếng nói của Đảng vang xa
 
Ha Jim nhận nhiệm vụ “gác sóng” tại trạm phát lại này từ đầu năm 1995, hơn 20 năm qua, anh luôn là người được đồng nghiệp đánh giá cao về trách nhiệm, sự nỗ lực để giữ sóng, góp phần đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước cùng những thông tin văn hóa, kiến thức khoa học hữu ích đến với người dân, chủ yếu là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số. “Công việc này, nếu không phải là người trong cuộc sẽ thật sự thấy nhàm chán và buồn tẻ. Nhưng với những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này như tôi, mới hiểu hết được sự thiếu thốn và “đói” thông tin của bà con đến mức thèm khát, chỉ để nghe một bản tin thời sự trên radio trước đây và sóng truyền hình trong những năm gần đây.
 
Đều đặn, cần mẫn, Ha Jim hằn bóng mình vào từng bức tường trong phòng máy, để tiếp nhận và không làm rớt sóng của Đài TH Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Lâm Đồng, Đài TT-TH địa phương đến với người dân theo khung giờ quy định.
 
Chính sự đều đặn ấy của Ha Jim đã giúp cho người dân có được đầy đủ những thông tin bổ ích, sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với các chính sách ưu tiên dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng kịp thời được người dân nắm bắt thường xuyên thông qua các chương trình chuyên đề trên sóng phát thanh – truyền hình. 
 
Chăm chỉ và lặng lẽ, công việc của Ha Jim không chỉ đơn thuần là đóng mở công tắc, anh còn thường xuyên học hỏi, kiểm tra chất lượng và diện phủ sóng, qua đó kịp thời phát hiện và sửa chữa những kỹ thuật bị hư hỏng, để đảm bảo cho sóng của các đài được ổn định. Giúp cho người dân cũng lõm Đầm Ròn có được thời gian theo dõi những kênh sóng, chương trình yêu thích.
 
Khó khăn, vất vả là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc để cho các sóng không bị gián đoạn, đảm bảo thông suốt việc cung cấp đến với người dân trên quê hương mình lại chính là niềm vui, sự hạnh phúc không gì có thể đánh đổi của Kơ Să Ha Jim. Anh kiệm lời bộc bạch “Công việc đơn giản, nhưng tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, bởi tôi luôn tìm thấy niềm vui, được đóng góp một phần công sức của mình cho đời sống tinh thần của người dân nghèo nơi đây”.
 
Những năm trở lại đây, đời sống kinh tế - văn hóa của người dân khu vực Đầm Ròn đã có nhiều thay đổi. Sự phát triển của các loại hình thông tin truyền thông như truyền hình số, đặc biệt là internet… đã giúp người dân ba xã có thêm nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm thông tin trên các lĩnh vực của đời sống. Nhưng có lẽ, vai trò của Trạm phát lại nơi Ha Jim “canh giữ” chưa bao giờ giảm đi trong đời sống của người dân nơi đây.
 
Không có hoa và nhiều những lời chúc mừng cho anh (người “gác sóng” vĩ đại, như lời các đồng nghiệp vẫn nói vui về anh) trong ngày 21/6 ở tận “tâm nghèo” của mảnh đất Nam Tây Nguyên. Nhưng sự tin yêu, những cái nhìn, sự hỏi han đầy thiện cảm của người dân nơi đây dành cho anh trong mỗi ngày đến trạm, chính là sự tri ân và món quà lớn nhất anh xứng đáng có được. 
 
Đăng Lộ