Kỳ vọng về hoa đào Nhật tại Đà Lạt

10:06, 29/06/2015

(LĐ online) - "Sau 3 tháng được chăm sóc một cách đúng kỹ thuật, những gốc đào giống mới của Nhật Bản này bắt đầu tỏ ra thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt" - anh Bùi Văn Sang, chủ nhân vườn hoa Mười Lời, cho biết.

(LĐ online) - Vậy là cuối cùng, hôm ngày 27/6, chủ nhân và người đang chăm sóc những cây hoa đào Nhật Bản ở Đà Lạt cũng đồng ý cho tôi lần đầu tiên công bố thông tin này: Tại thung lũng hoa Mười Lời đang có 4 chậu hoa đào được mang từ Nhật Bản về cách nay 3 tháng. “Sau 3 tháng được chăm sóc một cách đúng kỹ thuật, những gốc đào giống mới của Nhật Bản này bắt đầu tỏ ra thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt” - anh Bùi Văn Sang, chủ nhân vườn hoa Mười Lời, cho biết.
 
Anh Bùi Văn Sang bên những chậu đào Nhật Bản
Anh Bùi Văn Sang bên những chậu đào Nhật Bản

Cách nay gần một tháng, trong câu chuyện với một cán bộ hàng đầu của TP Đà Lạt, tôi được ông vô tình tiết lộ: “Hai tháng trước, tôi có chuyến đi Nhật Bản. Là công cán thôi, nhưng sau khi làm xong nhiệm vụ, tôi có đi tham quan một gian hàng mua bán cây giống; trong đó có giống cây hoa đào Nhật Bản. Vậy là tôi nghĩ ngay đến quê hương Đà Lạt của mình với mùa hoa anh đào khá nổi tiếng hằng năm trong những năm gần đây...”. 
 
Sau khi mang 4 gốc cây giống đào Nhật Bản về Đà Lạt, vị cán bộ này hiểu rõ rằng “người chuyên nghiệp” Bùi Văn Sang sẽ là người chăm sóc tốt hơn nhiều nếu được giao những gốc đào giống quý hiếm “công nhiều hơn của” so với mình tự chăm sóc nên đã đặt vấn đề với chủ nhân vườn hoa Mười Lời. Bùi Văn Sang đồng ý nhưng vẫn còn phân vân: Đà Lạt cũng đã từng hai lần trồng giống hoa đào Nhật Bản nhưng hầu như không thành công. Nguyên nhân, ngoài điều kiện chăm sóc, khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt dường như không hợp với hoa đào Nhật Bản, mặc dầu đà Lạt cũng là xứ hoa đào - mai anh đào, giống hoa có nguồn gốc từ Đà Lạt. Bởi vậy, nếu “rủi” nó chết hết (như người ta đã từng hai lần trồng giống hoa đào Nhật tại Đà Lạt vào đầu cuối những năm 60 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước) thì sợ vị cán bộ này trách; còn nếu không đồng ý ngay từ đầu thì biết đâu là bỏ lỡ một cơ hội gây trồng cho Đà Lạt một giống hoa đào mới? Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng cuối cùng, chủ nhân vườn hoa Mười Lời vẫn đồng ý nhận chăm sóc.
 
Hôm tôi đến vườn hoa Mười Lời, Sang đồng ý cho chụp lại ảnh 4 chậu hoa đào giống mới này nhưng “ra điều kiện” là không được thông tin nếu như chưa có sự đồng ý của chủ nhân. Và mới đây, Bùi Văn Sang điện thoại cho tôi và bảo “Anh ấy đồng ý rồi, anh ạ!”. Hôm trước, trong câu chuyện trao đổi với tôi bên mấy chậu đào đang mơn mởn lá non, chủ nhân vườn hoa Mười Lời khá nổi tiếng này bảo: “Cây mang về đã được gần 3 tháng rồi. Trồng để cho nó sống đã khó, điều khó hơn là làm thế nào để “thuần dưỡng” nó, làm cho nó thích nghi dần với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt; và cuối cùng là nó sẽ trở thành một giống mới của hoa Đà Lạt”. Đến lúc này, theo anh Bùi Văn Sang, cây bước đầu đã thích nghi. Vấn đề tiếp theo là nuôi cấy mô để giữ lại giống và sau đó là ghép với một số đào hiện có trong vườn hoa Mười Lời (đào thất thốn, bạch đào, hồng đào, đào Đà Lạt đã ghép với đào Bắc...). Anh Sang nói tiếp: “Với tôi, chuyện cho nó ra hoa là quá dễ; chuyện nuôi cấy mô cũng không quá khó khi có sự hợp tác của một số chuyên gia hoặc nhà khoa hoa, mà cái khó nhất là làm thế nào để ghép nó với những giống đào hiện có trong vườn. Khó là vì, những giống đào hiện có trong vườn là giống đào đã qua nhiều lần ghép mà thành; rồi nữa, 4 gốc đào Nhật Bản này cũng là 4 cây giống đã ghép chứ không phải cây thực sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng là cây đã ghép ghép với cây đã ghép sắp đến sẽ là một câu chuyện thú vị trong việc tìm kiếm một giống hoa đào hoàn toàn mới cho xứ hoa Đà Lạt của chúng ta”.
 
Hy vọng “câu chuyện hoa đào Nhật” của vị cán bộ TP Đà Lạt và chủ nhân vườn hoa Mười Lời sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong thời gian không xa. Và như vậy cũng có nghĩa là hy vọng rằng xứ hoa đào Đà Lạt có thêm một giống hoa đào hoàn toàn mới!
 
Khắc Dũng