Khi người dân đồng lòng

09:06, 22/06/2015

Nhờ thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, Mặt trận các cấp ở Đơn Dương đã vận động người dân trên địa bàn cùng đồng lòng chung sức cho rất nhiều các công trình dân sinh.

Nhờ thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, Mặt trận các cấp ở Đơn Dương đã vận động người dân trên địa bàn cùng đồng lòng chung sức cho rất nhiều các công trình dân sinh.
 
Phải được người dân tin tưởng 
 
Tính đến cuối năm 2014, Ðơn Dương đã vận động người dân trên địa bàn hiến hằng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình dân sinh. Trong 4 năm xây dựng nông thôn mới, người dân Ðơn Dương đã đóng góp trên 26 tỷ đồng trong tổng số 119 tỷ đồng để xây dựng 114 công trình giao thông nông thôn; đóng góp một nửa trong tổng số 12 tỷ đồng xây dựng 41 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã vận động dân đóng góp 2,8 tỷ đồng hỗ trợ xóa 667 căn nhà tạm bợ, góp gần 2,4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng gần 500 căn nhà đại đoàn kết. Ðặc biệt, Ðơn Dương là địa phương đi đầu của tỉnh Lâm Ðồng trong vận động dân đóng góp các công trình chiếu sáng giao thông nông thôn; đến nay đã có trên 100km đường làng được chiếu sáng với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.

Đưa tôi đi trên con đường bê tông rộng rãi của thôn Yên Khê Hạ trong buổi sáng thanh bình mùa hè, ông Nguyễn Văn Thứa, Chủ tịch Mặt trận xã Lạc Lâm vui vẻ kể cho tôi những câu chuyện cũ: “Thì ngày trước làm gì có đường bê tông rộng rãi, có cống thoát nước, có điện sáng đường làng như bây giờ, hai bên đường lại trồng hoa nữa. Hồi đó con đường này nắng bụi mưa lầy, người đi bộ cũng khổ chứ đâu như bây giờ xe ô tô có thể vào tận cửa”. Chuyện chỉ cách đây chưa lâu, chưa đầy chục năm nhưng dường như đã lùi vào một thời xa xôi lắm. Câu chuyện của thôn có cái tên rất đẹp Yên Khê Hạ này cũng có thể kể cho rất nhiều thôn khác nữa ở xã Lạc Lâm này, từ Lạc Lâm Làng, Lạc Sơn, Lạc Thạnh đến Hải Hưng... Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Lạc Lâm và cả vùng nông thôn Đơn Dương đã rất khác, đã có một diện mạo mới có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ người nào lâu lâu đến đây. Trong sự đi lên này, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư địa phương đã đóng góp một vai trò rất lớn.

“Quan trọng nhất là được người dân tin tưởng” - ông Thứa nói. Để người dân tin tưởng thì theo ông chính quyền phải biết xây dựng và phát huy dân chủ ở cơ sở, mọi việc phải để người dân trong cộng đồng biết, cùng bàn bạc và kiểm tra thông qua việc phát huy vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GS ĐT CĐ). 
 
Ban TTND của xã Lạc Lâm, theo ông Thứa, hiện có 9 thành viên, do một Phó Chủ tịch Mặt trận xã làm trưởng ban, chịu trách nhiệm giám sát việc thu chi tiền vận động nhân dân đối ứng làm đường “Mọi việc phải công khai, minh bạch, rõ ràng cho mọi người cùng biết. Tiền của dân không được tự tiện muốn làm gì thì làm” - ông Thứa tiếp tục nói. Trong năm 2014 và đầu năm nay, Lạc Lâm đã vận động trên 800 triệu đồng do dân đóng góp để làm các con đường giao thông trong xã và việc chi số tiền này được Ban TTND thường xuyên kiểm tra. Còn Ban GSĐTCĐ do chính ông Thứa làm trưởng ban với các thành viên từ các ban, đoàn thể, địa chính, tư pháp của xã, chịu trách nhiệm giám sát việc thi công các công trình được nhà nước đầu tư trên địa bàn cũng như các công trình do dân đóng góp. “Chúng tôi đang giám sát việc nạo vét kênh mương dẫn nước từ thôn M’Răng đến Lạc Lâm Làng, giám sát thi công công trình kéo điện ra đồng do người dân đóng góp tại thôn M’Răng” - ông Thứa nói.
 
Theo ông Thứa, trong thanh tra, giám sát 2 Ban sẽ nhắc nhở các đơn vị thi công làm đúng theo thiết kế, bản vẽ, đảm bảo chất lượng. “Chúng tôi luôn lắng nghe phản ánh của người dân góp ý về các công trình để tiến hành giám sát theo ý kiến của dân” - ông Thứa cho biết. Mặt trận xã hiện đã lắp 10 hộp thư góp ý tại 10 thôn của xã để ghi nhận mọi ý kiến của người dân. 
 
Khi dân đồng lòng 
 
Để “dân biết” trong “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện Đơn Dương đã thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua họp dân, tiếp xúc cử tri, qua hệ thống thông tin đại chúng... với rất nhiều vấn đề được công khai hóa như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các chương trình an sinh xã hội, các công trình đầu tư, công tác qui hoạch trên địa bàn, công tác đền bù giải tỏa, công tác xóa đói giảm nghèo… Tùy theo tính chất, mức độ của sự việc mà chọn hình thức công khai hóa hiệu quả nhất. 
 
Với những việc “dân bàn”, Mặt trận các cấp Đơn Dương cũng thông qua các buổi họp dân, đặc biệt là việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, để cộng đồng bàn bạc và quyết định trực tiếp. Việc xây dựng hương ước, quy ước trong thôn xóm, bầu và bãi nhiệm các thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCĐ cũng được người dân quyết định thông qua các cuộc họp cử tri hoặc đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. Vai trò của các Ban TTND, GSĐTCĐ được củng cố và phát huy. Những năm gần đây Ban TTND và Ban GSĐTCĐ các xã, thị trấn trong huyện Đơn Dương đã tham gia thanh tra giám sát trên 600 việc như Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới, thu chi tiền đóng góp của người dân trong xây dựng giao thông nông thôn, công tác quản lý hạ tầng, nạo vét kênh mương, làm cầu... Nhiều kiến nghị của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ đã được các ngành chức năng ghi nhận, kịp thời chấn chỉnh.
 
Theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Đơn Dương, việc thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở đã phát huy tác dụng rất lớn trong cuộc sống người dân nơi đây. Không chỉ là việc phát huy quyền làm chủ người dân, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân mà còn tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Bộ mặt nông thôn Đơn Dương đang thay đổi từng ngày, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, nhờ đưa ra bàn bạc với dân nên rất nhiều chủ trương kế hoạch của chính quyền các cấp đưa ra đã tạo được sự đồng thuận của dân.
 
GIA KHÁNH