
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước trên các lĩnh vực KT-CT-XH. Chủ trương đổi mới của Đảng như một luồng gió mới thổi bùng lên sinh khí mạnh mẽ cho hoạt động của mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí...
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước trên các lĩnh vực KT-CT-XH. Chủ trương đổi mới của Đảng như một luồng gió mới thổi bùng lên sinh khí mạnh mẽ cho hoạt động của mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí. Đặc biệt, khi trên Báo Nhân dân lần lượt cho ra đời nhiều bài viết “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh (N-V-L) mạnh mẽ, sắc bén như một lời tuyên chiến với những tiêu cực, lạc hậu, đi ngược lợi ích của đất nước, của Đảng, của nhân dân đã tiếp sức cho các nhà báo trên mặt trận tư tưởng, chính trị. Từ đó, các cơ quan báo chí nói chung, báo Đảng địa phương, trong đó có Báo Lâm Đồng nói riêng đã mạnh dạn đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống CT-KT-XH.
Vào thời điểm đó, Báo Lâm Đồng may mắn có được một Ban biên tập có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tinh thông chuyên môn nghiệp vụ và một đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ, khỏe, say mê nghề nghiệp và nhãn quan cách mạng khi đối đầu với khó khăn, vất vả của đời sống vật chất, tinh thần, cũng như những thách đố khắc nghiệt của những đối tượng đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích đất nước, lợi ích Đảng và nhân dân. Chính sự “hợp duyên” chặt chẽ, hiệu quả đó giữa Ban Biên tập và đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã tạo nên sức mạnh tinh thần để những người làm báo tại Báo Lâm Đồng hưởng ứng mạnh mẽ, có hiệu quả “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N-V-L, được lãnh đạo tỉnh và công chúng bạn đọc đánh giá rất cao. Liên tục trong nhiều năm, Báo Lâm Đồng đã có những bài điều tra về những biểu hiện tiêu cực, hạn chế của một số ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. Chẳng hạn như “Những tiêu cực tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt”, “Cần xử lý nghiêm những tiêu cực của Công an huyện Cát Tiên”, “Công ty xuất nhập khẩu Đức Trọng - những tiêu cực cần được xử lý”… Điều đáng nói là: Khi các phóng viên có những bài điều tra chống tiêu cực trên mặt báo, động chạm đến những cá nhân, tập thể nào đó vi phạm thì bị phản ứng dữ dội. Nhưng nhờ có sự bình tĩnh, cân phân của Ban Biên tập, cũng như của lãnh đạo tỉnh, nên trong nhiều trường hợp phải thông qua các đoàn kiểm tra của tỉnh, hoặc các buổi đối thoại, mới cho kết quả cụ thể và được xử lý rốt ráo, theo tinh thần “chống để xây, xây để chống”. Sự gắn bó có trách nhiệm giữa Ban Biên tập với đội ngũ phóng viên, cũng như sự xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể sai phạm và sự biểu dương, khen thưởng kịp thời của Ban Biên tập và lãnh đạo tỉnh đã cổ vũ, động viên các nhà báo có thêm dũng khí trong đấu tranh chống tiêu cực. Qua đó, các nhà báo cũng tự mình phải “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” trong hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” để bài viết của họ mới thật sự đúng đắn, khách quan.
Tất nhiên, cùng với việc hưởng ứng đấu tranh chống tiêu cực theo tinh thần “Những việc cần làm ngay”, Báo Lâm Đồng ngoài việc luôn nêu cao cảnh giác để không mắc mưu các thế lực thù địch trong “Diễn biến hòa bình”, cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, động viên, khích lệ những nhân tố điển hình tiên tiến. Nhờ vậy, trên trang báo luôn xuất hiện những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực CT-KT-XH, qua đó góp phần làm dấy lên phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy KT-XH của địa phương ngày càng phát triển. Nói cách khác, trong những năm tháng sôi động với “Những việc cần làm ngay”, Báo Lâm Đồng đã kết hợp tốt phương châm “chống để xây, xây để chống”, diệt cái tiêu cực để bảo vệ cái tích cực, lấy cái phát triển tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi cái tiêu cực. Phương châm đó, được Báo Lâm Đồng tuân thủ đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm.
Ngày nay, vẫn trên phương châm “chống để xây, xây để chống”, Báo Lâm Đồng tiếp tục gắn kết giữa biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, với đấu tranh các biểu hiện tiêu cực trong đời sống CT-KT-XH. Tuy nhiên, khách quan đánh giá, việc chống tiêu cực của Báo không còn mạnh mẽ như trong thời gian hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N-V-L, bởi lẽ: Các phóng viên “kỳ cựu” đang ở tuổi “xế chiều”, các phóng viên trẻ chưa đủ bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp và có tâm lý “ngại va chạm”... Cùng với đó, sự kịp thời, kiên quyết xử lý những biểu hiện tiêu cực do báo chí nêu của các cấp, các ngành cũng có phần không kịp thời, kiên quyết như trước, nên phần nào tác động đến tâm lý của người làm báo. Đây chính là những lực cản trong việc động viên báo chí phát huy vai trò, vị trí xung kích trên mặt trận tư tưởng theo lời Bác Hồ dạy. Mong rằng, những lực cản đó sẽ “triệt tiêu” trong thời gian tới để báo chí nói chung, Báo Lâm Đồng nói riêng có thêm nhiều đóng góp trong việc góp phần làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, cũng như nâng cao vai trò, uy tín của Đảng - Nhà nước, cấp ủy - chính quyền địa phương trong công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu đẹp!
HOÀNG VƯƠNG MỸ