Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số

03:11, 10/11/2013

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rào cản về giao tiếp, ngôn ngữ và phong tục tập quán… nên chất lượng nguồn nhân lực trong vùng DTTS vẫn thấp so với các vùng khác nên chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, trên 24,1% dân số của tỉnh là người dân tộc thiểu số (DTTS) với 286.240 nhân khẩu, trong đó 149.834 người đang trong độ tuổi lao động. Ngay từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS đã được Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm bằng việc tập trung đầu tư nhiều chương trình, dự án về phát triển dân số, y tế, giáo dục, dạy nghề cho người lao động, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ công chức - viên chức của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rào cản về giao tiếp, ngôn ngữ và phong tục tập quán… nên chất lượng nguồn nhân lực trong vùng DTTS vẫn thấp so với các vùng khác nên chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.
 
Qua báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Chính phủ: Vào thời điểm các tháng cuối năm 2013, số lao động là người DTTS  có chuyên môn còn quá thấp: 4,8% có trình độ sơ cấp, 1,9% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, 2,5% có trình độ đại học và 0,2% có trình độ đại học trở lên và hầu hết số lao động có chuyên môn này đều đang làm việc tại các cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tổng số công - viên chức người DTTS của tỉnh hiện là 4.906 người, trong đó 3.406 người công tác tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và 1.357 người làm việc tại các cơ quan sự nghiệp công lập. Về trình độ, gần 39% công chức khối quản lý nhà nước không có chuyên môn và chỉ có 15,7% có trình độ cao đẳng, đại học.
 
Ở khối sự nghiệp, trong tổng số 1.357 người chỉ còn 5 người không có chuyên môn và đã có 854 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó có 28 người trên đại học. Thực tế này cho thấy, hiện tại gần 91% trên tổng số lao động là người DTTS không có chuyên môn kỹ thuật và đang tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo kinh nghiệm truyền thống, chậm thích ứng trong môi trường làm việc mới và với tác phong lao động công nghiệp… nên năng suất và chất lượng lao động không cao. Tuy vậy, mặc dù có số lượng chưa đông nhưng đội ngũ trí thức đã có và đang ngày càng phát triển trong vùng DTTS; một số trí thức là người DTTS sau khi được đào tạo đã trở về phục vụ cộng đồng, tham gia công tác quản lý nhà nước…
 
Nhiều năm qua, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều hộ DTTS sinh sống đã và đang là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền các cấp và các ngành liên quan của địa phương thực hiện có kết quả cao chế độ, chính sách đãi ngộ cho con em đồng bào DTTS đang theo học tại các trường dân tộc nội trú, bán trú và các trường trung cấp, cao đẳng, đại học; phân bổ chỉ tiêu cử tuyển học sinh theo học các trường đại học và bố trí công tác cho các em sau khi tốt nghiệp. Theo đó, năm học 2011-2012 đã có 5.360 học sinh DTTS được Nhà nước  hỗ trợ 5,516 tỷ đồng (số liệu quy tròn), năm học 2012-2013 trên 10,2 tỷ đồng cũng đã được hỗ trợ cho 6.282 em, 51 sinh viên cử tuyển đã theo học đại học với nguồn kinh phí hỗ trợ 1,6 tỷ đồng.
 
Trong tổng số 20.263 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề (24 nghề tại 56 cơ sở dạy nghề) giai đoạn từ 2010 tới nay có trên 50% là người DTTS gốc địa phương. Từ năm 2006 tới nay đã có 5.100 lao động DTTS sau khi học nghề được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, dự án tại địa bàn với bình quân thu nhập 24 triệu đồng/người/năm. Cùng với việc nâng cao trình độ, tay nghề, nghề nghiệp, các chính sách chăm lo phát triển sức khỏe và thể chất cho đồng bào DTTS cũng đã được thực hiện từ mọi cấp, mọi ngành và tới nay mạng lưới y tế trong vùng DTTS đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nâng tuổi thọ bình quân của người dân trong vùng lên 68 tuổi và giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 24,7%...
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng DTTS đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ban Dân tộc tỉnh cho rằng các cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp với Ban nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng giáo dục, đào tạo tại các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh để đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh và Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế và chính sách phù hợp hơn; tập trung đầu tư đồng bộ cho hệ thống giáo dục, đào tạo (nhất là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông) và coi công việc này là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
 
Xuân Đức