
Từ tháng 8 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lạc Dương đã nghiêm khắc thực hiện việc khắc phục những tồn tại, sai phạm trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng số 96/KL-TTr ngày 23/7/2013.
Từ tháng 8 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lạc Dương đã nghiêm khắc thực hiện việc khắc phục những tồn tại, sai phạm trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng số 96/KL-TTr ngày 23/7/2013.
 |
Nhiều dòng suối ở Lạc Dương bị xâm hại |
SAI PHẠM TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ HỖ TRỢ SẢN XUẤT
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Lạc Dương trong thời gian qua có nhiều lỏng lẻo; thậm chí có nhiều sai phạm khá nghiêm trọng. Ví dụ, việc quản lý đầu tư xây dựng đường B’Nơ A, đường Thống Nhất (thị trấn Lạc Dương), chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế đã thiếu chặt chẽ trong nghiệm thu, lập hồ sơ quyết toán chi phí đền bù giá nhân công và khối lượng nghiệm thu lớn hơn thực tế thi công với số tiền lên đến 214,9 triệu đồng. Cùng đó, trong tổng số 32 công trình xây dựng thuộc Chương trình 135 và nông thôn mới với tổng vốn quyết toán hơn 21 tỷ đồng trên địa bàn huyện Lạc Dương được thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có đến 19 công trình có sai phạm (59,38%) và số tiền sai phạm là 712 triệu đồng (3,37%).
Về hỗ trợ sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương, sau thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận: “Việc đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chưa được các chủ đầu tư đánh giá về năng suất, chất lượng của các loại giống hỗ trợ, sự thích nghi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các loại giống, thu nhập của các hộ được hỗ trợ khi canh tác các loại giống mới. Việc chỉ định thầu đối với các đơn vị cung ứng vật tư, các chủ đầu tư chỉ căn cứ các bảng báo giá của các đơn vị cung ứng vật tư; không có hồ sơ yêu cầu, không có quyết định thành lập tổ xét thầu, không có biên bản xét thầu để làm căn cứ ban hành các quyết định chỉ định thầu theo quy định…”.
THIẾU SÓT TRONG QUẢN LÝ RỪNG VÀ KHOÁNG SẢN
Bên cạnh đó, trên các lĩnh vực khác như quản lý bảo vệ rừng, quản lý nhà nước về khoáng sản… trên địa bàn huyện Lạc Dương trong thời gian qua cũng còn những tồn tại đáng kể cần nghiêm khắc sửa chữa.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, yếu kém nổi lên rõ nhất được cơ quan thanh tra kết luận là trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, các chủ rừng còn lỏng lẻo trong việc quản lý. Đáng kể là sự phối hợp giữa các chủ rừng và kiểm lâm địa bàn thiếu chặt chẽ nên chưa kịp phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu các vụ vi phạm, nhất là các vi phạm tại các đơn vị được thuê rừng. Theo đó, trong những vụ sai phạm tại các đơn vị thuê rừng, số gỗ bị thiệt hại được thống kê lên đến gần 1.411m3. Kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn nêu rõ số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản cùng diện tích rừng bị thiệt hại qua các năm trên địa bàn huyện Lạc Dương: Năm 2010, cả huyện lập hồ sơ xử lý 169 vụ (1 vụ khởi tố hình sự), diện tích thiệt hại 31,59 ha, khối lượng lâm sản tịch thu là 622,40m3. Năm 2011, những con số tương tự là 200 vụ (15 vụ khởi tố hình sự), 37,69 ha và 445,32m3. Và, năm 2012: 214 vụ (4 vụ khởi tố hình sự), 31,3 ha và 343m3.
Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản ở Lạc Dương, nổi lên là nạn khai thác cát trái phép tại một số điểm thuộc xã Đa Nhim và tại khu vực đất rừng trước đây đã giao khoán cho Công ty Ngọc Mai Trang quản lý bảo vệ. Cùng đó là các điểm khai thác cát tại các suối thuộc khu vực Păng Tiêng - Đạ Nghịt đã làm “thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, ảnh hưởng đến môi trường và đường giao thông”. Với nạn khai thác thiếc trái phép tại các tiểu khu thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng Đa Nhim quản lý thuộc xã Đạ Sar, UBND huyện cùng các ngành chức năng đã tổ chức truy quét, giải tỏa nhiều lần nhưng “chỉ làm theo từng đợt, sau đó tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp tục diễn ra và còn phức tạp”.
NGHIÊM TÚC SỬA CHỮA SAI PHẠM
Đến đầu tháng 11 này, Huyện ủy Lạc Dương đã chỉ đạo các tổ chức và cá nhân có liên quan trong các vụ việc nghiêm túc khắc phục những tồn tại và sai phạm được nêu rõ trong kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, đối với công trình đường Thống Nhất (thị trấn Lạc Dương), đơn vị chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng Lạc Dương đã khắc phục bằng cách giảm trừ giá trị thanh toán với số tiền 17.910.000 đồng. Với công trình xây dựng Trường Mầm non Đưng Knớ, Trung tâm đã lắp đặt bổ sung một số thiết bị còn thiếu gồm 4 bình chữa cháy, 2 hộp đựng bình chữa cháy, 1 bảng nội quy và 1 tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền là 2.240.000 đồng. Cùng với Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng, Phòng Kinh tế hạ tầng Lạc Dương cũng đã tổ chức khắc phục và yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục giá trị sai phạm tại công trình đường B’Nơ A số tiền gần 217 triệu đồng. Đối với UBND xã Đạ Nhim trong đầu tư công trình xây dựng Trạm Y tế Đạ Nhim (do UBND xã làm chủ đầu tư) đã để xảy ra sai phạm lập dự toán lớn hơn khối lượng thực tế thi công nên số tiền phải giảm trừ là 25.240.000 đồng, chủ đầu tư đã thực hiện giảm trừ. Đối với UBND xã Lát - chủ đầu tư công trình san gạt sân và hàng rào Trường TH và THCS Păng Tiêng - đã để xảy ra sai phạm với tổng số tiền 25.240.000 đồng, sẽ thực hiện việc khắc phục sau khi hết thời gian bảo hành công trình vào ngày 25/11/2013.
Như vậy, đến nay, các đơn vị có sai phạm đã khắc phục hậu quả một cách cơ bản như kết luận thanh tra; trong đó, đã nộp số tiền sai phạm vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh là 295.783.000 đồng. Số tiền sai phạm còn lại (90.467.000 đồng) sẽ được UBND huyện chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện trong những ngày còn lại của tháng 11.2013; cụ thể, Công ty TNHH Hưng Nguyên phải nộp 18.233.000 đồng, Công ty TNHH Chi Lăng phải nộp 10.408.000 đồng, Công ty TNHH Nam Tiến phải nộp 36.281.000 đồng và UBND xã Lát phải nộp 25.245.000 đồng.
Qua thực hiện khắc phục hậu quả theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, theo thẩm quyền của mình, UBND huyện Lạc Dương đã xử lý 3 cán bộ có liên quan (2 người bị cảnh cáo và 1 người bị khiển trách). Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý cán bộ, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng đã xử lý 2 cán bộ thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương với hình thức khiển trách. Riêng đối với Phòng Kinh tế hạ tầng Lạc Dương, UBND huyện Lạc Dương hiện đang tiến hành những công việc cần thiết để xử lý 2 cán bộ có liên quan (tuy nhiên, bởi lý do khách quan nên huyện chưa thành lập hội đồng để xem xét xử lý kỷ luật 2 cán bộ này trước ngày 30/10.2013).
Cũng theo UBND huyện Lạc Dương, với các nội dung còn lại (liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản…), từ nay đến hết năm, UBND huyện sẽ tiếp tục xem xét và chấn chỉnh, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền.
Khắc Dũng