Đức Trọng, Đơn Dương: Mưa lớn, lốc xoáy gây nhiều thiệt hại

04:11, 07/11/2013

(LĐ online) - Do ảnh hưởng mưa bão, một trận gió lốc cực mạnh đã tràn qua khu vực xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) cuốn bay toàn bộ phần mái của 7/14 phòng học (gồm 5 phòng lợp tôn và 2 phòng lợp ngói) thuộc 2 dãy nhà của Trường THCS Hiệp Thạnh...

(LĐ online) - * Đức Trọng: Trên 700 học sinh Trường THCS Hiệp Thạnh phải nghỉ học
 
Sáng 7/11, Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Thạnh Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, nhà trường phải cho tất cả học sinh (gồm 710 em từ lớp 6 đến lớp 9) tạm nghỉ học trong hai ngày (7-8/11) để khắc phục hậu quả mưa bão.
 
Nhiều diện tích rau, hoa tại xã Hiệp An vừa xuống giống đã bị ngập úng trong nước
Nhiều diện tích rau, hoa tại xã Hiệp An vừa xuống giống đã bị ngập úng trong nước
Trước đó khoảng 22 giờ tối ngày 6/11, do ảnh hưởng mưa bão, một trận gió lốc cực mạnh đã tràn qua khu vực xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) cuốn bay toàn bộ phần mái của 7/14 phòng học (gồm 5 phòng lợp tôn và 2 phòng lợp ngói) thuộc 2 dãy nhà của Trường THCS Hiệp Thạnh. Gió lốc còn làm vỡ nhiều khung cửa kính, làm ngã đổ một số trụ cột của mái hiên ở dãy phòng học, đồng thời giật gãy ngang thân hàng loạt cây bạch đàn, keo lai hàng chục năm tuổi nằm trong khuôn viên của trường. 
 
Cũng tại xã Hiệp Thạnh, nhiều người dân cho biết, trận lốc xoáy kèm theo mưa chỉ kéo dài khoảng chừng gần 20 phút nhưng đã gây thiệt hại nặng cho nhiều gia đình. Bà Lê Thị Liễu (ngụ tại tổ 18, thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh), cho biết lúc đó gia đình đang ở trong căn nhà gỗ thì nghe tiếng ầm ầm, mái tôn rung chuyển. Vợ chồng tôi hốt hoảng bế hai con nhỏ và đưa ông ngoại chạy lên nhà trên (đang xây sắp hoàn thiện) thì thấy phần mái của căn nhà đã bị gió cuốn bật tung. Còn anh Nguyễn Văn Hùng (chồng chị Liễu) cho biết thêm, căn nhà rộng 160 mét vuông, mái lợp tôn với đà sắt kiên cố, nhưng bị trận lốc cuốn xa đến trên 200m.
 
Còn cụ bà Trần Thị Thi (83 tuổi, ngụ thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh), ngồi bên vườn chuối gần 2 sào đang chờ thu hoạch đã bị gió lốc đánh ngã ngang thân, rầu rỉ cho biết, ông bà chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp người cao tuổi của Nhà nước và vườn chuối, nhưng chỉ trong chốc lát giờ mất sạch chưa biết sống thế nào. 
 
Cũng theo người dân xã Hiệp Thạnh, trận gió lốc còn cuốn bay mái tôn nhà dân vắt lên dây điện trung thế làm cúp điện trên diện rộng từ tối qua đến trưa cùng ngày vẫn chưa thể khắc phục.  
 
Theo thông tin từ cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng, hiện chính quyền địa phương đang huy động nhân dân tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục kiểm tra thiệt hại do trận lốc xoáy gây ra vào đêm qua tại xã Hiệp Thạnh. 
 
Trong khi đó, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn vào đêm qua còn làm nhiều diện tích rau màu tại huyện Đơn Dương bị ngập. Ngoài ra, mưa lớn từ đêm qua đến sáng nay cũng làm ngập một đoạn đường vào hai xã Đa Quyn và Tà Năng (huyện Đức Trọng) khiến việc đi lại của người dân hai xã này gặp nhiều khó khăn.
 
Mưa lớn còn gây sạt lở trên đào Hòn Giao (đoạn tại Km412, tỉnh lộ 723, đoạn thuộc địa phận xã Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) gây tắt đường trong nhiều giờ. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn mới thông đường được một chiều.
 
Gió lốc đã cuốn bay toàn bộ mái tôn dãy phòng học của Trường THCS Hiệp Thạnh
Gió lốc đã cuốn bay toàn bộ mái tôn dãy phòng học của Trường THCS Hiệp Thạnh

 

Ngành điện đang khắc phục hậu quả của trận lốc
Ngành điện đang khắc phục hậu quả của trận lốc

 

* Đơn Dương: Thiệt hại hàng trăm hecta hoa màu, lúa

 
22h30’ đêm 6/11, mưa lớn và lốc xoáy của áp thấp nhiệt đới dù chỉ quét qua hơn nửa giờ đồng hồ, nhưng đã làm thiệt hại hàng trăm hecta hoa màu, lúa đang vào mùa thu hoạch được giá của vựa rau Đơn Dương. Nặng nề nhất là các xã phía nam sông Đa Nhim, nơi cung cấp hơn ngàn tấn rau, củ thương phẩm mỗi ngày cho thị trường cả nước.
 
Gió lốc đã làm sập nhiều diện tích nhà kính của người nông dân Đơn Dương
Gió lốc đã làm sập nhiều diện tích nhà kính của người nông dân Đơn Dương
 
4 sào nhà kính chuyên ươm giống của chị Phạm Thị Kim Liên - thôn Quảng Lợi (xã Quảng Lập - huyện Đơn Dương) được đầu tư trên 600 triệu đồng đã bị lốc xoáy đánh sập hoàn toàn, ước tính thiệt hại là gần một tỷ đồng. “Sáng nay ra vườn như thường lệ, tôi không tin vào mắt mình, vốn liếng tài sản nằm hết ở vườn ươm, giờ đã tan hoang không cứu vãn được”, chị Liên nói trong nước mắt.
 
1,5 sào hoa cúc và cát tường mới xuống giống trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tuấn - thôn Quảng Hiệp (xã Quảng Lập - huyện Đơn Dương) cũng bị gió lốc quét qua làm sập hoàn toàn hệ thống nhà kính, nát dập phần lớn diện tích hoa của gia đình, ước tính thiệt hại là gần 300 triệu đồng.
 
Chỉ riêng tại xã Quảng Lập, mưa lớn và gió lốc của áp thấp nhiệt đới đã làm tốc mái 11 căn nhà, gần 2 ha nhà kính, 2 ha nhà lưới, 50 ha hoa màu đang vào độ thu hoạch (số ngập lụt hiện chưa được thống kê).
 
Mưa lớn, gió lớn kèm theo lốc xoáy dù chỉ quét qua vùng rau Đơn Dương hơn nửa giờ đồng hồ, nhưng đã làm thiệt hại nặng nề rất nhiều diện tích rau, củ thương phẩm đang vào mùa thu hoạch của người dân vùng rau Đơn Dương. Hiện tại, rau củ tại Đơn Dương đang vào mùa được giá, đỉnh điểm như cà chua tại vựa rau này đã lên tới 10.000đ/kg, su su 4.000đ/kg, bắp sú 5.000đ/gốc …
 
Ông Nguyễn Bình Trị - Chủ tịch xã Quảng Lập cho biết: “Đây là đợt thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 10 năm qua của người trồng rau trong xã. Gió bão quét qua quá nhanh và bất ngờ nên người dân đã không kịp đề phòng, chưa thể thống kê hết tài sản, hoa màu bị thiệt hại của người dân, nhưng chắc chắn sẽ rất nặng nề, bởi phần lớn diện tích rau đều đang trong mùa thu hoạch được giá”.
 
Dù đập Đa Nhim chưa xả lũ nhưng do mưa lớn nên nước sông Đa Nhim vẫn đang lên rất nhanh, tràn bờ làm ngập lụt rất nhiều diện tích rau, củ được trồng tại phía nam sông. Ngay từ sáng ngày 7/11, nhiều người dân có diện tích canh tác nơi đây đã phải đội mưa gió để thu hoạch non, dù chưa đúng thời điểm.
 
Ban PCLB&TKCN huyện Đơn Dương cũng cho biết: Mưa lớn trong đêm 6/11 và trong ngày 7/11 đã làm các công trình thủy lợi như Đập K’Răng Chớ, Ka Đê tràn, Cầu máng kênh N5 Ka Đê sập gãy (thiệt hại 500 triệu đồng). Các hồ Đạ Ròn, Bookabang, Ma Đanh, R’Lơm, Proh tràn từ 20 đến 70cm. Gió lốc cũng đã làm tốc mái, la phông tại một số phòng học tại xã Próh và Đạ Ròn. Các xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Ka Đơn và Quảng Lập.
 
Gió lớn đã làm sập hoàn toàn hệ thống nhà kính vườn ươm
Gió lớn đã làm sập hoàn toàn hệ thống nhà kính vườn ươm

 

Mưa lớn đã làm nước sông Đa Nhim dâng cao tràn ngập diện tích canh tác của bà con nông dân phía nam sông Đa Nhim
Mưa lớn đã làm nước sông Đa Nhim dâng cao tràn ngập diện tích canh tác của bà con nông dân phía nam sông Đa Nhim
 
LINH ĐAN - THỤY TRANG