
Chỉ tiêm chủng khi đã tư vấn đầy đủ và được sự đồng ý của gia đình hoặc người được tiêm chủng.
* Chỉ tiêm chủng khi đã tư vấn đầy đủ và được sự đồng ý của gia đình hoặc người được tiêm chủng
Dự án tiêm chủng mở rộng (Bộ Y tế) có văn bản hướng dẫn an toàn tiêm chủng. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc bảo quản vắc xin: Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C, không được để thuốc và các sinh phẩm khác trong tủ lạnh bảo quản vắc xin. Nguyên tắc bảo quản dung môi, nếu dung môi đóng gói cùng với vắc xin thì cũng bảo quản ở nhiệt độ 2-8độ C. Nếu dung môi không đóng gói cùng với vắc xin và không có đủ chỗ trong dây chuyền lạnh thì bảo quản ở nhiệt độ phòng nhưng phải được làm lạnh ít nhất 1 ngày trước khi sử dụng ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Không được để dung môi bị đông băng.
 |
Tiêm ngừa vắc xin cho trẻ ở Trạm Y tế phường 9, Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn |
Thời gian bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh: Ở tuyến xã tối đa là 1 tháng, tuyến huyện từ 1-3 tháng, tuyến tỉnh tối đa là 3 tháng, tuyến khu vực 3-6 tháng, tuyến trung ương 6-9 tháng. Cần lưu ý tới chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin (nếu có) và hạn sử dụng của vắc xin. Không dùng vắc xin đã hết hạn sử dụng hoặc chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin cho thấy vắc xin cần phải hủy bỏ.
Để đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng, mỗi đội tiêm chỉ tiêm chủng cho không quá 50 trường hợp/buổi. Tùy theo điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất, một điểm tiêm chủng có thể có 1-2 đội tiêm trở lên. Mỗi đội có ít nhất 1 cán bộ khám sàng lọc và 1 cán bộ tiêm vắc xin đã được tập huấn.
Bố trí điểm tiêm chủng theo nguyên tắc một chiều để tránh ùn tắc và nhầm lẫn: Từ chỗ ngồi chờ tiêm chủng - bàn đón tiếp hướng dẫn (nếu có) - bàn khám chỉ định và tư vấn trước tiêm chủng - bàn tiêm chủng, ghi chép, vào sổ tiêm chủng - chỗ ngồi chờ theo dõi sau tiêm.
Thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn tại Phụ lục 3 của Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT. Tuân thủ đúng 3 bước chỉ định và tư vấn trước tiêm chủng. Bước 1: Hỏi tiền sử, các thông tin có liên quan: hỏi tình hình sức khỏe hiện tại; hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng; với trẻ sơ sinh phải kiểm tra bệnh án hoặc hỏi thông tin về cân nặng của trẻ khi sinh; hỏi và kiểm tra phiếu, sổ tiêm chủng về tiền sử tiêm chủng trước đây. Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại. Nếu nghi ngờ trẻ ốm, sốt thì phải kiểm tra thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim. Bước 3: Chỉ định tiêm chủng: Chỉ định tiêm vắc xin nếu trẻ không rơi vào 8 trường hợp sau: bị dị ứng với vắc xin của lần tiêm trước, mắc các bệnh mạn tính, điều trị corticoid trong vòng 14 ngày hoặc mới dùng gammaglobullin, sốt hoặc hạ thân nhiệt, nhịp thở bất thường, tinh thần bất thường, thuộc các chỉ định khác. Đối với trẻ sơ sinh: chỉ định tiêm chủng nếu trẻ không thuộc 6 trường hợp sau: sốt hoặc hạ thân nhiệt, nhịp thở bất thường, nhịp tim bất thường, tinh thần bất thường, cân nặng dưới 2.000g và thuộc các chống chỉ định khác.
Giải thích về trường hợp hoãn tiêm hoặc chống chỉ định. Hoãn tiêm khi: Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt từ 38 độ trở lên, trẻ mới dùng globullin miễn dịch; trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid trong vòng 14 ngày. Không tiêm (chống chỉ định) các trường hợp: suy giảm miễn dịch nặng, có tiền sử sốc hoặc dị ứng nặng sau tiêm vắc xin lần trước - trong vòng 3 ngày sau tiêm, đặc biệt vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván; suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tim, suy thận, suy tuần hoàn…), các trường hợp khác theo từng loại vắc xin và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Tăng cường sự giám sát của gia đình hoặc người được tiêm và chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ với gia đình, người được tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải đưa cho gia đình hoặc người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm. Công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng. Cử cán bộ theo dõi trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Hướng dẫn gia đình hoặc người được tiêm chủng phải theo dõi tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 24 giờ sau tiêm. Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có sốt cao, co giật, hay bất cứ biểu hiện như: quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bỏ bú hoặc các phản ứng nhẹ nhưng kéo dài hơn 1 ngày. Sở y tế bố trí các đội cấp cứu lưu động tùy điều kiện khu vực, 3-4 đội/huyện và phân công cán bộ giám sát hỗ trợ trong buổi tiêm chủng.
AN NHIÊN