Tổ chức công đoàn Lâm Đồng: Đi đầu thực hiện nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH

08:04, 28/04/2013

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò, vị trí của giai cấp công nhân được nâng lên.

Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) ngày 28/1/2008 đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước”. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò, vị trí của giai cấp công nhân được nâng lên.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 20, đội ngũ công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63.841 CNVC-LĐ, trong đó có 58.064 đoàn viên (chiếm 91% tổng số CNVC-LĐ), sinh hoạt tại 1.467 công đoàn cơ sở.

Dây chuyền may công nghiệp (Công ty CP Scavi Bảo Lộc)
Dây chuyền may công nghiệp (Công ty CP Scavi Bảo Lộc)


NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN NGHỀ NGHIỆP

Xác định nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ CNVC-LĐ là yếu tố quyết định đến việc xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trong 5 năm qua, công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho trên 57.000 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ với nhiều hình thức. Mặt khác, các cấp công đoàn trong tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam, cũng như giáo dục đội ngũ CNVC-LĐ về sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức trên 100 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho gần 20 ngàn cán bộ công đoàn và CNVC-LĐ tham gia. Qua đó, đã giúp cho cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ hiểu đầy đủ về pháp luật, chấp hành tốt pháp luật và nâng cao khả năng tự bảo vệ trong quá trình tham gia lao động tại cơ sở.

Đặc biệt, cũng trong 5 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia với chuyên môn tạo điều kiện cử 2.923 đoàn viên, CNVC-LĐ đi học tập nâng cao trình độ học vấn; cử 18.967 cán bộ, đoàn viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, hành chính và quản lý nhà nước; cử 17.596 cán bộ, đoàn viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do các cấp tổ chức. Riêng đối với LĐLĐ tỉnh đã cử 32 cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia lớp đại học, cử 6 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị, 15 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị, 1 cán bộ tham gia lớp cao học chuyên ngành… Về công tác đào tạo nghề cho CNLĐ, từ 2008-2012 các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho nhiều lao động để cung cấp cho thị trường lao động. Từ đó đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay lên 28,66% (con số này năm 2008 là 21,8%), trong đó có 1,3% là lao động lành nghề.

XÂY DỰNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VỮNG MẠNH

Trong xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ công đoàn cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đảm đương công việc được giao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Trong giai đoạn 2008-2012, toàn tỉnh đã mở được 136 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, với tổng số 13.669 lượt cán bộ công đoàn tham gia. Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở luôn được LĐLĐ tỉnh chú trọng, nhất là phát triển trong các đơn vị ngoài nhà nước nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm đầy đủ các chế độ chính sách cho CNLĐ. Kết quả, 5 năm qua toàn tỉnh đã phát triển được 20.733 đoàn viên công đoàn và thành lập mới 124 công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nâng tổng số công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước lên 260 đơn vị, đạt 65% tỷ lệ thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, với phương châm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức quán triệt nội dung tiêu chuẩn theo từng thang điểm, từng loại hình công đoàn cơ sở chú trọng đi vào chất lượng hoạt động. Đối với công đoàn cấp trên cơ sở, để đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hoạt động, nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức đối thoại giữa đoàn viên, CNVC-LĐ với lãnh đạo đơn vị về những vấn đề liên quan đến hoạt động công đoàn, về chế độ chính sách đối với người lao động. Đối với công đoàn cơ sở, hầu hết công đoàn các cấp đã chấp hành tốt quy trình xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, tập trung vào 3 tiêu chuẩn: đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ; tham gia quản lý, xây dựng quan hệ lao động hài hoà; và tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVC-LĐ. Từ đó, công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh hàng năm đều tăng cả về chất lượng, cũng như số lượng. Năm 2008, tỷ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh đạt 79,6%, đến năm 2012 con số này tăng lên trên 83%.

Sự nỗ lực của các cấp công đoàn Lâm Đồng thời gian qua đã đem lại những bước tiến mới trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 20 trên địa bàn. Thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, động viên đội ngũ CNVC-LĐ phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân; khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao vai trò vị thế của tổ chức công đoàn xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH của địa phương và đất nước.

LÊ HỮU TÚC