Việc tận thu lan rừng quá mức đã dẫn đến sự khan hiếm các giống lan trên địa bàn Lâm Đồng, nguy cơ biến mất của một số giống lan quý.
Cứ khoảng vài ba ngày một số người đồng bào Cơ Ho, Mạ ở các địa bàn Lạc Dương, Đơn Dương chở lan rừng về TP Đà Lạt trên các tuyến phố ngã tư Phan Chu Trinh - Quang Trung, Chợ Đà Lạt… để bày bán những cây lan rừng sau vài ngày đi săn lan. Nhưng việc tận thu lan rừng quá mức đã dẫn đến sự khan hiếm các giống lan trên địa bàn Lâm Đồng, nguy cơ biến mất của một số giống lan quý.
Lan rừng về phố |
Lan rừng được nhiều người dân đổ xô mua bán mỗi khi có người đồng bào mang lan về Đà Lạt. Lan được bán theo nhiều cách, bán theo cành, theo kg, theo mớ… thôi thì đủ kiểu giao dịch.
Theo chân những người bán lan rừng cho biết, họ đã làm nghề săn lan rừng nhiều năm rồi, bây giờ giá lan đắt hơn xưa và có lợi nhuận hơn nên cũng có nhiều người đi săn lan rừng. Vì vậy mà các cánh rừng ở Lâm Đồng đã dần dần hết các giống lan quý, nếu muốn lấy được lan phải đi xa, có thể phải qua các cánh rừng bên Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Bảo Lộc, Lộc Bắc… hoặc ẩn mình trong các cánh rừng nguyên sinh một đến hai tuần mới về. Mỗi lần đi rừng như vậy, những người săn lan rừng có thể kiếm được 50kg - 100kg, tuỳ theo chuyến đi đó có gặp may không. Nhưng thông thường thì cũng được khoảng 30 - 50kg. Giá bán hiện nay theo quan sát của chúng tôi cũng tuỳ loại, lan đẹp thì bán cành, lan vừa thì bán kg. Các loại lan được người mua săn tìm như đai trâu, ngọc điểm, huyết nhung, bông cáo… Những loại lan này dao động từ 30 – 100 ngàn đồng/cành, các loại khác được bán theo cân với giá khoảng 100-150 ngàn đồng/kg.
Thị trường lan rừng giáp tết càng diễn ra sôi động hơn khi những người đi rừng tranh thủ tận thu lan để kiếm tiền ăn tết, vả lại lúc này cũng là thời điểm nông nhàn, khí hậu nắng ráo nên cũng có nhiều người đi săn lan rừng hơn. Họ toả đi nhiều hướng trên các cánh rừng khác nhau mong sao có được nhiều lan quý kiếm tiền tiêu tết.
Để tìm hiểu kỹ hơn về công việc săn lan rừng của một số người đồng bào Cơ Ho, chúng tôi tìm về thôn KamBute xã Tu Tra, huyện Đơn Dương tìm gặp người chuyên bán lan là chị Ma Khuông và anh XaMit, họ cho biết: Ngày trước chúng tôi chủ yếu bán lan cho các vườn lan, các đầu nậu thu mua lan để bán đi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng nay chúng tôi thích đi bán rong hơn, nguyên nhân là vì các vườn lan đầu nậu mua giá quá rẻ so với công sức chúng tôi bỏ ra, lại bị ép giá nữa, vì thế, lâu nay chúng tôi không bán nhiều cho vườn lan và các đầu nậu nữa, chủ yếu là bán rong các nơi. Tiền nhiều hơn, cái bụng no hơn, mua được nhiều đồ về hơn. Hơn nữa, nhiều người chơi lan không biết lan gì nên cũng dễ bán. Vì vậy, cứ dăm bảy hôm là chị và anh lại chở lan lên chợ Đà Lạt để bán.
Mặc dù theo chị Khuông và anh XaMit thì việc lấy lan ở trong đại ngàn rất vất vả, mưa nắng thất thường, muỗi rừng vắt cắn, đối diện với nhiều nguy hiểm, song vì miếng cơm manh áo họ vẫn phải làm. Dù biết ngày càng khó khăn trong việc lấy lan. Họ cũng không ngần ngại cho chúng tôi biết nguy cơ tuyệt chủng lan rừng ở Lâm Đồng, bởi nhiều cánh rừng già đã không còn lan nữa. Chính vì lẽ đó mà trong ngôi nhà của chị Khuông và anh XaMit đã có vài trăm chậu lan đã được nuôi dưỡng để phòng khi không còn lan để bán nữa.
Theo chủ một vườn lan ở Đà Lạt cho biết, lan rừng ngày càng hiếm, nên việc mua bán cũng khó khăn hơn trước. Các loại lan quý phải đặt trước hàng tháng trời mới có được. Nguy cơ đe doạ đến các giống lan ở Lâm Đồng là rất lớn. Bởi theo các tay săn lan rừng thì họ phải đi rất xa mới có lan. Thậm chí, hiện nay các loại lan cần đặt hàng cũng không thể kiếm được, hoặc có cũng rất ít.
Một tương lai không xa, lan rừng quý hiếm xuất xứ từ đại ngàn huyền bí Tây Nguyên trên sẽ biến mất. Do vậy, để bảo vệ giống lan rừng quý hiếm của những cánh rừng nguyên sinh vùng Tây Nguyên chỉ có một giải pháp căn cơ và cũng là căn bản nhất là giải quyết tốt công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, họ thực sự hưởng lợi từ những cánh rừng đem lại. Chỉ có vậy mới giữ được rừng, giữ được nguồn gen lan rừng quý hiếm mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho những người dân ở vùng Tây Nguyên này.
Nguyễn Huy Khuyến