
Ngày 12/3, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012 -2017 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”.
Ngày 12/3, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012 -2017 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”. Lâm Đồng vinh dự có 12 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 172.000 hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tham dự đại hội. PV Báo Lâm Đồng xin tóm lược những nội dung chính mà các đại biểu Lâm Đồng quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Lệ -TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: “Quan tâm đến cơ chế chính sách cho phụ nữ phát triển”
![]() |
Bà Nguyễn Thị Lệ |
Trực tiếp tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc là niềm vinh dự của đại biểu và cũng là trách nhiệm tham gia xây dựng các nội dung, văn kiện thể hiện tiếng nói của cán bộ hội viên phụ nữ Lâm Đồng. Tôi kỳ vọng vào Đại hội lần này đánh giá đúng thực trạng phong trào phụ nữ của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, đồng thời đưa ra quyết sách lớn cho phong trào tiếp theo. Tôi quan tâm đến cơ chế chính sách cho phụ nữ cần có sự thay đổi và xây dựng bổ sung. Chẳng hạn như: Chương trình “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” để thực hiện tốt thì cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện hoạt động. Trong công tác cán bộ nữ, cần có cơ chế chính sách về đào tạo, sử dụng để tạo điều kiện cho phụ nữ cống hiến, phát triển. Vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình là những vấn đề cần quan tâm nhằm mục đích làm sao để cơ cấu lao động phù hợp, trong đó người phụ nữ được hưởng các cơ hội, chính sách liên quan.
Vấn đề gia đình hiện nay được cả nước quan tâm như: Bạo lực gia đình, ly hôn trong gia đình trẻ, bữa cơm gia đình… Làm sao để hạn chế tình trạng tiêu cực đối với gia đình thì cần được các đại biểu phụ nữ thảo luận để tìm ra giải pháp phát huy vai trò của Hội LHPN trong việc giúp hội viên xây dựng gia đình chuẩn mực.
Chị Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Huoai: “Kỳ vọng đại hội có nhiều đổi mới, đột phá trong phong trào”
![]() |
Chị Vũ Thị Phượng |
Lần đầu tiên tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đặc biệt, được đến đại hội chứng kiến thành quả hoạt động của phong trào phụ nữ cả nước trong 5 năm qua, trong đó có sự đóng góp của phụ nữ địa phương mình đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Đồng thời được học hỏi những kinh nghiệm, những mô hình tốt để về địa phương triển khai nhằm đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển. Tôi kỳ vọng nhiều vào đại hội có sự đổi mới, đột phá trong phong trào phụ nữ và công tác Hội, nhằm đem đến lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ. Phong trào không chỉ phát triển mạnh về bề nổi mà cả chiều sâu, chăm lo cho đời sống của phụ nữ là những việc làm cần thiết. Với chủ đề đại hội “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” tôi tin tưởng sâu sắc kỳ đại hội này sẽ có nhiều đổi mới thúc đẩy phong trào phụ nữ cả nước ngày càng phát triển.
Chị Ma Lim - Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Hine (Đức Trọng): “Cần quan tâm hơn nữa đến phụ nữ dân tộc thiểu số”
![]() |
Chị Ma Lim |
Tôi đại diện cho phụ nữ dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng) mong muốn nói lên tâm tư nguyện vọng của chị em phụ nữ dân tộc mình. Chị em rất tin tưởng vào tổ chức Hội phụ nữ, tích cực tham gia nhiều phong trào do Hội phụ nữ phát động. Tuy nhiên, trình độ nhận thức của chị em hội viên chưa cao nên tôi mong muốn đến đại hội để học hỏi những kinh nghiệm tốt, những cách làm hay để về cơ sở truyền đạt lại cho chị em và xây dựng phong trào ở xã ngày càng vững mạnh, phấn đấu phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng xã Tà Hine ngày càng phát triển, đời sống của chị em ngày càng ổn định. Tôi mong muốn có sự quan tâm nhiều đến phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là tạo điều kiện về vốn sản xuất, quan tâm nâng cao trình độ văn hóa cho chị em, quan tâm “bắt tay chỉ việc” vì chị em phụ nữ dân tộc cần có sự giúp đỡ cụ thể, thiết thực.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY CỦA PHỤ NỮ DÂN TỘC, TÔN GIÁO Theo Hội LHPN Lâm Đồng, toàn tỉnh có gần 21.000 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số và hơn 38.000 hội viên phụ nữ tôn giáo. Có nhiều mô hình vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo tham gia phong trào phụ nữ như: Giao lưu kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh và chi hội phụ nữ dân tộc, xây dựng tổ phụ nữ vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay có 2 tổ với 42 thành viên ở xã Ka Đơn và Lạc Xuân. Mô hình tuyên truyền vận động giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa cồng chiêng ở các thôn buôn như: Diom A (Lạc Xuân), M’Lọn (Thạnh Mỹ), Ka Đơn; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ở thôn 4 xã Đoàn Kết; mô hình tổ phụ nữ dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia phong trào Hội phụ nữ ở Thôn 8 xã Madagui, xã Đạ Ploa, xã Đạ Oai. |
DIỆU HIỀN