Huyện Đam Rông quan tâm đầu tư phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển, để từng bước “thoát nghèo”.
Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Đam Rông có đến 70% dân số là đồng bào DTTS. Do đó, ngoài việc triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình 30a của Chính phủ để “Thoát nghèo nhanh - bền vững”, những năm qua, đặc biệt trong năm 2011, huyện Đam Rông quan tâm đầu tư phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển, để từng bước “thoát nghèo”.
Hiểu rõ được một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của bà con DTTS là cuộc sống du canh, du cư, thiếu đất sản xuất, nên trong năm 2011 huyện Đam Rông đẩy mạnh việc thực hiện chương trình ĐCĐC bằng việc đầu tư các dự án vào vùng đồng bào DTTS, như: Dự án ổn định dân di cư tự do tại Tiểu khu 212 xã Phi Liêng, với tổng kinh phí đầu tư trong năm (kể cả lồng ghép nguồn vốn 30a) gần 26 tỷ đồng. Đến nay đã ổn định được đời sống cho 60 hộ dân tại khu quy hoạch, cấp cho mỗi hộ 300 m2 đất làm nhà, 4.000-5.000 m2 đất sản xuất, hỗ trợ trực tiếp 5 triệu đồng/hộ và 40 kg/khẩu cho 3 tháng đầu và hỗ trợ giống cà phê cao sản 45 hộ trồng được 13,5 ha. Hiện huyện cũng đang làm thủ tục trình Sở NN-PTNT cấp phép khai thác gỗ tận thu để cấp cho 60 hộ dân nói trên làm nhà ở. Cùng với đó, huyện cũng đang thực hiện dự án ĐCĐC xen ghép tại Tiểu khu 218 xã Đạ K’Nàng, với tổng kinh phí đầu tư trong năm trên 5,1 tỷ đồng. Hiện đang triển khai việc làm đường giao thông nông thôn vào điểm ĐCĐC xen ghép và cũng đã san ủi mặt bằng, làm đường GTNT vào điểm di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại Tiểu khu 138 xã Đạ K’Nàng, với tổng kinh phí đầu tư 4,1 tỷ đồng. Song song với chương trình ĐCĐC, trong năm 2011, thông qua Chương trình 134 và lồng ghép với Chương trình 30a, huyện Đam Rông cũng đã đầu tư 2,3 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sạch tại xã Liêng Srônh và lắp đặt đồng hồ nước đến 400 hộ dân ở thôn 1, thôn 2, nhằm tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào DTTS được thụ hưởng nước sạch. Ngoài ra, thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đồng bào DTTS, trong năm huyện Đam Rông cũng đã hỗ trợ trực tiếp hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo theo Quyết định 102/2009/TTg với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng cho 22.729 nhân khẩu; hỗ trợ 270 HSSV là người đồng bào DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và TCCN trong - ngoài tỉnh 313 triệu đồng. Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ dầu lửa cho 1.565 hộ đồng bào DTTS chưa có điện thắp sáng theo chính sách của Nhà nước với tổng kinh phí 163,62 triệu đồng và hỗ trợ 162 hộ đồng bào DTTS các loại giống cây trồng như cà phê catimo, cây ăn quả, dâu tằm lai để thực hiện các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 29,4 ha. Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CS-XH cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn với tổng dư nợ trên 7,3 tỷ đồng, trong đó có 257 học sinh, sinh viên đồng bào DTTS được vay với dư nợ 2,3 tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua Chương trình 30a “Giảm nghèo nhanh, bền vững” và lồng ghép với một số chương trình dự án khác, huyện Đam Rông đã tổ chức nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm tại các vùng đồng bào DTTS như nuôi gà thả vườn, heo siêu nạc, bò lai sind, làm lúa mước chất lượng cao, trồng cà phê ghép, điều cao sản, chuối la ba… và chỉ đạo ngành lâm nghiệp tiến hành hợp đồng trồng mới rừng và giao khoán QLBV rừng cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS với diện tích hàng ngàn ha, giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Mặt khác, huyện cũng chỉ đạo các ngành hữu quan tổ chức hàng chục lớp đào tạo dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để tạo việc làm và nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế sản phẩm. Từ đó, từng bước đổi mới phương thức sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, mở ra triển vọng xây dựng nền sản xuất hàng hóa thị trường trong các vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đến nay đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 từ 71,87% (3.845 hộ), xuống còn 45,63% (2.817 hộ).
Đây là kết quả khả quan trong việc đầu tư phát triển KT-XH toàn diện vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông, nhưng theo ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, thì kết quả đạt được còn to lớn hơn chính là đã củng cố và nâng cao lòng tin của đồng bào DTTS vào Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền địa phương. Mặt khác, đã góp phần làm thay đổi được nhận thức về sản xuất theo phương thức mới và ý thức tự chủ của người dân trong các vùng đồng bào DTTS, để họ vươn lên từng bước làm chủ cuộc sống của bản thân và cộng đồng.
HOÀNG VƯƠNG MỸ