Lâu nay ngành giáo dục luôn vận động “Trường ra trường, lớp ra lớp” nhưng ngay ở một trường sư phạm hàng đầu của tỉnh, quả thật rất… khó khi muốn thực hiện được điều này.
Một biệt thự bị cơi nới trông rất nhếch nhác. |
Ngôi trường chúng tôi muốn nói đến chính là trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt. Đây là trường Grand Lycée do người Pháp thành lập thập niên 20-30 thế kỷ XX, nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả vùng Đông Dương. Sau ngày thống nhất đất nước, đây cũng chính là một trong 6 trường Cao đẳng Sư phạm được thành lập rất sớm (ngày 6/10/1976 ) theo quyết định của Bộ Giáo dục. Năm 2000, trường được công nhận là công trình di tích kiến trúc quốc gia. Hiện nay tại đây đang có hơn 3200 sinh viên chính quy theo học các ngành học, bậc học sư phạm từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cả liên thông đại học.
Thế nhưng trong khi bao nhiêu ngôi trường khác tại Lâm Đồng ngày càng khang trang lên thì Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt lại “vật vã” vì những “di sản lịch sử” để lại.
Một thống kê của nhà trường cho biết, ngay trong khuôn viên của trường có đến 58 hộ gia đình đang sinh sống. Những gia đình này chính là các hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, phần lớn từ các tỉnh khác đến Lâm Đồng ngay từ những ngày đầu, có những người là cán bộ tăng cường cho trường. Các hộ được trường bố trí chỗ ở tại các dãy nhà tập thể, các ngôi biệt thự trong trường và cả những nơi có thể ở được. Trong số hộ này có những người hiện đang công tác tại trường, có người đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác sang cơ quan khác nhưng vẫn ở tại đây.
Là một chỗ ở tạm, không được phép sửa chữa, những dãy nhà tập thể sau nhiều năm gồng gánh sức nặng của thời gian nên trông hết sức bệ rạc. Nhân khẩu tăng lên, để có chỗ ở, nhiều hộ cơi nới ra bên ngoài ngay gần giảng đường lớp học nên vào bên trong có thể thấy cảnh nhếch nhác, lộn xộn, mất mỹ quan. Thậm chí, có chỗ các hộ gia đình sống sinh hoạt ngay trên lầu, phía dưới là lớp học. Nhiều chỗ, để ngăn cách, nhà trường đã phải xây dựng những hàng rào như những ốc đảo phân cách ngay trong khuôn viên trường.
Đặc biệt dãy biệt thự số 1, số 2 và số 3 nằm trong quần thể di tích kiến trúc quốc gia nhưng cũng chính là những khu tập thể của cán bộ giáo viên. Nhiều năm không tu sửa nên các “biệt thự bự thiệt” này cũng xuống không còn một cấp nào: cửa kính vỡ, mái hư, sơn bóc loang lổ, cần thang mục vì dột ... Nhiều gia đình còn tự cơi nới xung quanh các nhà biệt thự nên cảnh quan bị phá vỡ, làm mất mỹ quan chung của cả ngôi trường.
Việc tồn tại một “khu dân cư” ngay trong lòng một ngôi trường đã gây những cảnh dở khóc dở cười trong công tác quản lý của nhà trường.
Trước nhất đó là sự phức tạp trong quản lý đất đai, nhà cửa và an ninh trật tự. Nhiều vị khách của các hộ khi đến thăm nhà không buồn quan tâm đến nội quy quy chế ra vào cổng của trường, gây khó khăn cho công tác bảo vệ và đảm bảo an ninh trật tự trong khuôn viên trường. Một số cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường sống tại đây đã nghỉ hưu, chuyển công tác sang cơ quan khác, đã mua nhà riêng hoặc đã được cấp đất ở ngoài nhưng vẫn giữ các phòng tập thể để cho thuê, cho mướn. Khi nhà trường đến đề nghị “xin lại phòng”, các chủ hộ ậm ừ phớt lờ. Cũng nói thêm là sống trong khuôn viên trường có chật và bất tiện nhưng hầu hết các hộ nơi đây nhiều năm nay chả bao giờ phải lo lắng chuyện tiền nong thuê nhà cửa cho bất kỳ một cơ quan nào.
Một chuyện phức tạp khác là hầu hết các hộ gia đình trong khuôn viên lâu nay xài chung đường điện và nước với trường. Việc thu tiền điện, tiền nước hằng tháng trở nên vô cùng khó khăn vì có hộ chẳng còn là cán bộ giáo viên công nhân viên của trường. Có những trường hợp dùng điện nước cả năm nhưng… quên đóng tiền dù nhà trường đã thông báo. Trong thế buộc, năm 2009 , trường đã phải hợp đồng với Cty Điện lực Lâm Đồng tiến hành tách riêng đường điện cho trường và nay đang hợp đồng với Cty Cấp nước Lâm Đồng để tiếp tục tách nốt đường nước. Khi tiến hành, có hộ đã tỏ ra bất hợp tác với trường vì chuyện này.
Thực ra, trong các cuộc tiếp xúc với chúng tôi, không ít hộ gia đình trong trường đã bày tỏ mong muốn được ra ngoài, được tái định cư, có một chỗ ở ổn định lâu dài, không phải cư ngụ trong cái cảnh tạm bợ như thế và cũng không muốn tiếp tục làm phiền cho nhà trường. Rất nhiều người trong số này đã công tác lâu năm tại trường, có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp giáo dục, cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên trong tỉnh nhưng do khó khăn về kinh tế, không thể mua được nhà được đất bên ngoài nên phải chờ đợi việc giải tỏa tái định cư của nhà nước. Về phía trường, Ban Giám hiệu và Công đoàn trường trong nhiều năm đã kiên trì xúc tiến chuyện này nhưng vấn đề không chỉ nằm ở nhà trường.
Đà Lạt trong những năm gần đây đã có những thành công nhất định trong việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa tái định cư các hộ dân từ các khu tập thể vốn là biệt thự, tôn tạo trở lại các kiến trúc cổ đặc sắc. Là một di tích kiến trúc cấp quốc gia, Trường CĐ SP Đà Lạt đang rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền sở tại để cùng góp sức giải quyết dứt điểm vấn đề, để ngôi trường sư phạm hàng đầu của tỉnh trường ra trường, lớp ra lớp.