Nhớ lần thi “Đố vui để học” đầu tiên sau ngày Đà Lạt giải phóng

LẠI VĂN LONG 13:27, 01/05/2025

(LĐ online) - Năm 1975, tôi học lớp 5 Trường tiểu học cộng đồng Đa Nghĩa (nay là Trường tiểu học Lê Lợi - số 287 Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Gia đình tôi thuê trọ ở khu số 4 - cách trường chỉ hơn trăm mét, nên ngay từ lớp 1, lớp 2, tôi đã tự đi bộ đến trường mà không cần người lớn đưa đón.

Trường tiểu học Đa Nghĩa, nay là Trường tiểu học Lê Lợi
Trường tiểu học Đa Nghĩa, nay là Trường tiểu học Lê Lợi

Ba tôi chạy xe lam, tối về lên gác trọ trùm cái mền bông dày nặng để chống cái lạnh Đà Lạt. Tôi 11 tuổi, rúc vào mền ngủ chung với ba, còn má tôi thì ngủ cùng anh chị em tôi ở 2 chiếc giường ủ than cho ấm ở tầng dưới. Cứ nửa đêm, khi bốn bề đã vắng lặng, ba lại ôm cái máy hát đĩa kiêm radio 4 band hiệu National của Nhật Bản mở thật nhỏ để nghe lén đài Giải phóng. Mỗi lần như thế tôi rất căng thẳng, tim đập thình thịch vì căn gác trọ chỉ cách con hẻm nối đường Hai Bà Trưng với đường Ngô Quyền chỉ 3 - 4 m, đêm nào cũng có lính, cảnh sát, dân vệ đi tuần hay vây bắt những người trốn “quân dịch” (trốn đi lính). Đáng lo hơn là chỗ tôi với ba nằm chỉ được ngăn với nhà bà chủ trọ một vách gỗ mong manh, thông thoáng như hàng rào. Gia đình này lại “vào Nam theo Chúa 1954” và có nhiều con trai là cảnh sát, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Nếu họ biết ba tôi nghe đài Giải phóng, chắc chắn sẽ có kết quả rất tệ!

50 năm rồi tôi vẫn chớ cảm giác lần đầu được nghe những ca khúc hào hùng như: “Tiến về Sài Gòn”, “Giải phóng miền Nam”, “Bão nổi lên rồi”... Vừa hối hộp, vừa tò mò vì giai điệu, ca từ rất mới mẻ. Tôi cũng nhớ cô phát thanh viên với giọng cao vút, sắc lạnh nói về những chiến thắng dồn dập và câu kết luôn là: “Chế độ tay sai bán nước đang sụp đổ từng ngày, từng giờ... ngày toàn thắng đang rất gần... rất gần...”. Và đúng như vậy, chỉ hơn mười ngày sau, Đà Lạt đã được giải phóng!

Đà Lạt càng sôi sục từ đầu tháng 3/1975 khi các đài phát thanh trong nước và BBC, đài Hoa Kỳ... liên tục báo tin Ban Mê Thuột rồi lần lượt các tỉnh miền Trung “thất thủ”, “di tản chiến thuật”, “tái bố trí” lại... Những gia đình giàu có, thế lực ở Đà Lạt lần lượt bỏ chạy về Sài Gòn, vật giá leo thang, rạp xi nê, trường học cũng lần lượt đóng cửa. Chiều 2/4/1975, khu Số Bốn có cơn mưa thoáng qua, mưa tạnh, tôi chạy lên chợ Chiều mua bó rau cho mẹ thì thấy cả trăm lính VNCH mũ sắt, áo giáp, giày trận, mình mẩy đầy súng đạn trông rất “ngầu” được rải dọc theo đường Ngô Quyền từ đình Phố Hiến đến chùa Tuệ Quang. Họ dựng các súng cộng đồng như cối, trung liên thành cụm rồi ngồi, nắm thoải mái ra đường lấy muỗng sắt gõ vào ca inox hát nghêu ngao: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, nhưng nếu con về bạn bè chờ mong...”. Ăn cơm chiều xong, tôi rủ cậu em 9 tuổi đi coi “lính với súng”. Nhưng quay lại đường Ngô Quyền thì thấy trống trơn, không còn ông lính nào. Chừng 8 giờ tối, như mọi hôm, tôi lại cùng ba nghe lén đài “Việt cộng”. Hai cha con trùm mền kín mít, mở radio dò đài giải phóng. Một lát có tiếng nổ trầm đục rung rinh căn gác trọ; cha, con buông mền nhìn ra cửa sổ thấy sáng rực một góc trời nên lật đật hối cả nhà dậy chạy ra đường... Bà con trong xóm tập trung lại, nhìn về quầng lửa sáng rực vẫn nổ dây chuyền trầm đục, nhiều người nói: “Kho đạn Cam Ly cháy rồi...”, “Việt cộng vô tới khu Hòa Bình rồi, ra phố đi vui lắm!”. Thế là bà con trong xóm nháo nhào vừa đi vừa chạy ra đường Phan Đình Phùng - ngã ba chùa Linh Sơn. Lực lượng VNCH đã rút hết, nhưng một số “loạn quân” bỏ đơn vị quay lại dùng súng cướp bóc. Những nhà lầu, biệt thự vắng chủ bị họ bắn phá cửa sắt vào cướp tivi, cassett, xe Honda... đám đông tò mò đi theo xem cũng ào vào lấy sạch từ tấm nệm, bàn ghế, giường tủ đến ly chén, áo quần, mùng mền... Cả xóm lao động tôi ở suốt đêm huyên náo rủ nhau đi hôi của rồi trở về hí hửng khoe nhau các “chiến lợi phẩm”. Đây cũng chính là giờ phút hãi hùng của các sĩ quan, công chức không di tản, ở lại với gia đình. Các con trai của chủ nhà trọ là cảnh sát, quân cảnh vội đem quân phục, giấy tờ, cấp hàm ra đốt. Tôi đứng cạnh thấy tay cầm que khều lửa của các chú ấy run run cùng lời cầu nguyện “xin Chúa che chở cho gia đình con...”.

Góc ngã tư Số Bốn, 50 năm trước, một trung đội quân Giải phóng cùng xe kéo pháo đã đậu ở đây

Cả đêm mồng 2 và sáng 3/4/1975, bà con trong xóm trọ vẫn hồ hởi rủ nhau đi “mót” đồ. Đến gần trưa thì một trung đội quân giải phóng đi trên một xe tải quân sự Molotova cắm lá ngụy trang, kéo theo một khẩu pháo cao xạ có những viên đạn to, dài như bắp chân trẻ con sáng loáng màu đồng, đến đóng chốt ở ngã tư Số Bốn. Bà con bỏ chuyện hôi của, chạy ào đến vây quanh các anh bộ đội mũ tai bèo, chân dép râu, quân phục bạc màu, nước da màu sốt rét rừng, tay ôm súng AK. Chị hai tôi 17 tuổi thường ngày e thẹn ít dám ra đường, nay cùng các chị bạn rủ nhau “đi coi Cộng sản”... Họ bất ngờ rồi bấm tay nhau cười rúc rích trước các anh giải phóng đẹp trai, hiền lành, lễ phép khác xa các hình nộm và truyền đơn tâm lý chiến. Mấy cô, dì lớn tuổi thì xuýt xoa: - Con người ta sáng sủa vậy mà dám đồn là “Cộng sản có đuôi”!

Bất ngờ một chiến phản lực rít xé trời, bộ đội đang vui vẻ trò chuyện với dân lật đật chạy ra cổ pháo, hô hào khởi động chiến đấu. Ông chỉ huy đứng tuổi hét to: “Coi chừng máy bay ném bom, bà con tìm chỗ nấp mau!”. Người lớn ùa chạy vào các căn nhà, riêng lũ trẻ chúng tôi núp sau gốc cây khuynh diệp cổ thụ háo hức chờ pháo cao xạ bắn máy bay. Chiếc phản lực ném xuống một vật gì đó ở cách chúng tôi vài cây số, lửa bùng lên, có người la lớn: “Nó hủy tài liệu trong dinh tỉnh trưởng...”. Máy bay mất dạng ở chân trời, yên ổn trở lại, bà con mời bộ đội ăn trưa trong xưởng cưa của ông Khói ngay ngã tư đã được dọn sạch sẽ. Lũ trẻ và cả mấy chị rất kinh ngạc, thích thú khi thấy các anh bộ đội ăn cơm bằng đũa hai đầu rất nhanh. Tôi vẫn nhớ bữa ăn đó có cơm trắng, canh bí đỏ nấu thịt bằm, rau cải xào và cá khô chiên... Hơn 40 anh bộ đội đứng ăn hai bên chiếc bàn dài dã chiến rất trật tự, gọn gàng. Bất ngờ bên ngoài vang lên những tiếng nổ rồi có người kêu cứu... Các anh giải phóng đồng loạt đặt chén, đũa xuống bàn, chộp súng AK47, lên đạn nôm nốp rồi chạy lao ra cửa. Một lát sau họ dắt về 5 ông “loạn quân” vẫn mặc đồ lính, mặt mũi râu ria nhễ nhại mồ hôi. Cả 5 ông đều bị bịt mắt, trói giật khủy ra sau lưng, quỳ gục đầu giữa ngã tư Số Bốn nắng chói chang. Dân bu lại xem rất đông. Ông chỉ huy bộ đội hất mũ tai bèo ra sau lưng, rút súng ngắn bắn một phát lên trời, dõng dạc tuyên bố: - “Đây là bọn phá nhà, cướp của, gây mất an ninh trật tự vùng giải phóng. Thay mặt chính quyền cách mạng, tôi tuyên bố tử hình!”.

Quay sang đội hình bộ đội, ông hô lớn:

-Chuẩn bị thi hành án tử hình bọn phản loạn!

Năm chiến sĩ ôm súng AK47 bước ra dàn hàng ngang lên đạn, chĩa mũi súng vào 5 “loạn quân”... không khí căng thẳng, ngột ngạt. Chỉ các phất tay của vị chỉ huy, súng sẽ nổ, 5 “bị án” sẽ kết thúc cuộc đời... Bất ngờ có mấy cụ bô lão bước đến chỗ ông chỉ huy, nói gì đó, ông chỉ huy gật đầu rồi đút súng ngắn vào bao, nói lớn:

-Nể tình các cụ lớn tuổi đại diện cho nhân dân xin tha nên thu hồi lệnh tử hình. Mở trói để các gia đình đưa con em của họ về giáo dục lại. Đây là chính sách khoan hồng của cách mạng, các anh phải hiểu và cố gắng phấn đấu, rèn luyện thành người tốt.

Bà con vỗ tay hoan hô, cảm ơn và khen quân giải phóng rộng lượng, nhân hậu. Còn 5 “bị án” vốn là những sắc lính dữ dằn, du côn, sợ đến vãi... được tha rồi mà đứng lên không nổi... (Tác giả bài này đã đọc rất nhiều sách, báo của Đà Lạt - Lâm Đồng suốt mấy chục năm nay, nhưng chưa có tài liệu nào nói về đơn vị quân giải phóng tiếp quản khu số 4 với những diễn biến như đã kể trong bài này).

Tác giả gặp lại cô chủ nhiệm sau 50 năm
Tác giả gặp lại cô chủ nhiệm sau 50 năm

Qua những cuộc mít-tinh tưng bừng, khí thế, Đà Lạt trở lại nhịp sống bình thường dưới chế độ mới. Chúng tôi tiếp tục học lớp 5 Trường tiểu học cộng đồng Đa Nghĩa. Cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thanh Thủy và một số thầy, cô trong trường đã dạy học trò những bài hát cách mạng như: “Kim Đồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên - nhi đồng”, “Theo lời Bác gọi”... Vào cuối năm 1975 trường tổ chức cuộc thi “Đố vui để học” giữa các lớp của khối 5 trong trường. Tôi được cô chủ nhiệm chọn cùng bạn Phan Thị Tuyết Hằng đi “thi đấu”. Chúng tôi đã trả lời được 3 câu hỏi: “Con cá nổi lên, lặn xuống trong nước nhờ bộ phận nào?” (đáp án là bong bóng trong bụng cá); “Một ký sắt với một ký bông gòn thì bên nào nặng hơn?” (đáp án bằng nhau); “Muốn đi từ Bắc vào Nam bằng đường bộ thì ngoài Quốc lộ 1, còn đường nào?” (đáp án là đường mòn Hồ Chí Minh)... cũng được 30 điểm, nhưng không hiểu sao “đối thủ” thì được vào vòng trong, còn tôi với Tuyết Hằng thì phải dừng lại ở vòng ngoài... Ngày 8/3/2025, 50 năm sau cuộc thi đó, tôi từ TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt thăm cô Thanh Thủy (nay cô đã ở tuổi gần 80, còn trò cũng đã 61 tuổi). Cô trò ngồi ôn lại chuyện xưa. Nhớ vào cuối năm học, cả lớp đến nhà cô trên đường Thi Sách - Đà Lạt để cô làm bánh bèo, nấu chè cho ăn. Ăn xong cô hỏi từng đứa vào lớp 6 sẽ học trường nào? Khi được cô hỏi, tôi đã trả lời: “Con sẽ nghỉ học theo gia đình đi kinh tế mới”... Cô đã khóc! Hơn 20 năm sau, khi được về làm phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh, tôi đã ghé lại khoe với cô, là đã tốt nghiệp Đại học. Cô rất vui vì ngày đó cô nghĩ cậu học trò này đã bỏ học!

Giờ gặp lại cô, như giấc mơ đẹp về tình thầy trò, về quê hương Đà Lạt và cả đất nước đã thay đổi, tốt đẹp thêm rất nhiều sau 50 năm!