Dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con

AN NHIÊN 06:17, 06/05/2025

Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch Dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới loại trừ các bệnh lây truyền này từ mẹ sang con vào năm 2030.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng

Mục tiêu cụ thể đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng. Duy trì tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) trên 95%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời gian mang thai từ 95% trở lên (≥ 95%). Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 95%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 95%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị ≥ 95%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 90%. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B ít nhất 98%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai ≥ 95%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị ≥ 95%.

Thời gian triển khai kế hoạch từ năm 2025 đến năm 2030 tại các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con.

Nguyên tắc đảm bảo tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm HIV, HBV và giang mai trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm HIV, HBV và giang mai cần được can thiệp dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con. Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kể cả trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm hoặc không rõ tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B. Tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, HBV và giang mai cần được quản lý, theo dõi sau khi sinh. Tất cả các cơ sở y tế có trách nhiệm phối hợp trong triển khai hoạt động dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con cũng như báo cáo tình hình triển khai.

Nội dung triển khai dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con bao gồm: Cung cấp thông tin trước xét nghiệm cho phụ nữ mang thai đến khám thai lần đầu như nguy cơ lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con; lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện sớm: các can thiệp có hiệu quả để dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con và đảm bảo sức khỏe cho mẹ; giải thích về quy trình lấy máu và thời gian trả kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai: Lấy máu và xét nghiệm HIV, HBsAg và giang mai cho phụ nữ mang thai hoặc chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm của cơ sở y tế có năng lực để xét nghiệm; thực hiện xét nghiệm HIV, HBsAg và giang mai; sử dụng test nhanh hoặc các kỹ thuật khác phù hợp với năng lực kỹ thuật của cơ sở; khuyến khích sử dụng test đôi (HIV và giang mai) để giảm chi phí, tăng hiệu suất và giảm số lần lấy máu cho phụ nữ mang thai; sử dụng sinh phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép; cán bộ thực hiện xét nghiệm phải được tập huấn và thực hiện xét nghiệm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; đảm bảo xử lý chất thải sau khi xét nghiệm theo đúng quy định. Tư vấn sau xét nghiệm HIV, HBsAg và giang mai. Các can thiệp dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối trong việc triển khai lồng ghép các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS hằng năm. Hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn xây dựng Kế hoạch Dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con. Tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con, bao gồm các xét nghiệm, điều trị phối hợp chuyển gửi, theo dõi cặp mẹ nhiễm HIV, HBV, giang mai và con cho đến khi tình trạng nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai của trẻ được khẳng định theo hướng dẫn này. Báo cáo hoạt động dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con theo quy định.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai đến khám thai. Cung cấp dịch vụ điều trị và điều trị dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai theo năng lực và điều kiện của cơ sở. Tư vấn chuyển tiếp cặp mẹ con tới cơ sở chăm sóc và điều trị HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B để được theo dõi. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ đỡ đẻ: Tiêm phòng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho tất cả các trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, không phụ thuộc vào tình trạng HBsAg của mẹ. Tiêm huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh cho trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg dương tính nếu có đủ điều kiện hoặc chuyển gửi đến các đơn vị có dịch vụ tiêm chủng.

Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai và trả kết quả kịp thời để điều trị kịp thời nhằm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Cơ sở chăm sóc và điều trị HIV tiếp nhận phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con sinh ra từ mẹ nhiễm HIV để điều trị ARV cho mẹ và điều trị dự phòng bằng ARV cho con; chuyển gửi phụ nữ đang điều trị ARV mong muốn có thai hoặc có thai đến cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản để được quản lý thai nghén, chăm sóc trước và sau khi sinh; thực hiện quản lý theo dõi trẻ phơi nhiễm HIV.

Cơ sở điều trị các bệnh truyền nhiễm hoặc cơ sở chăm sóc và điều trị các bệnh về gan tiếp nhận phụ nữ mang thai nhiễm vi rút viêm gan B, theo dõi đánh giá giai đoạn bệnh và điều trị lâu dài hoặc điều trị dự phòng theo dõi hướng dẫn chẩn đoán về điều trị viêm gan B của Bộ Y tế. Cơ sở điều trị các bệnh da liễu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tiếp nhận phụ nữ mang thai mắc giang mai, đánh giá và chẩn đoán giai đoạn bệnh và điều trị giang mai, chẩn đoán, điều trị hoặc chuyển gửi điều trị cho trẻ mắc giang mai bẩm sinh.

Cơ sở khám, chữa bệnh chuyên ngành nhi khoa theo dõi và điều trị cho trẻ mắc HIV, viêm gan B, giang mai. Cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa như mắt, răng hàm mặt... phát hiện và chẩn đoán sớm các trường hợp trẻ nghi ngờ mắc giang mai bẩm sinh để điều trị kịp thời và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai và thực hiện xét nghiệm hoặc lấy mẫu vận chuyển đến cơ sở y tế phù hợp để xét nghiệm HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai. Tư vấn sau xét nghiệm HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai. Chuyển gửi các trường hợp có kết quả xét nghiệm HIV, HBV và giang mai đến cơ sở điều trị nhằm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Theo dõi, quản lý cặp mẹ con sau sinh để tư vấn, hỗ trợ, chuyển gửi các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, HBV và giang mai đi xét nghiệm tình trạng nhiễm HIV, HBV và giang mai của trẻ sau sinh. Thực hiện ghi chép sổ sách, báo cáo về việc thực hiện công tác dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai từ mẹ sang con.