Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng triển khai tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn nhằm tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Mô hình này không chỉ góp phần tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới mà còn trở thành điểm tựa an toàn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình.
![]() |
Các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ vật dụng thiết yếu vận hành Mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" |
• NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Là chỗ dựa an toàn của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS, Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông thời gian qua đã phát huy tích cực vai trò trong phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới.
Bà Phi Srônh K' In - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Liêng S'rônh cho hay, Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại Thôn 5 được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Đam Rông và UBND xã, Hội LHPN xã Liêng S'rônh ra mắt vào tháng 5/2022. Đây là mô hình điểm cấp tỉnh, gồm 15 thành viên là những người có uy tín trong cộng đồng. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, mô hình đã giúp các thành viên và người dân trên địa bàn xã nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
“Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã kịp thời hoà giải các trường hợp mâu thuẫn, có nguy cơ bạo lực gia đình. Sau khi được tuyên truyền, vận động, tư vấn hòa giải mâu thuẫn đã giúp các thành viên gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thực hiện tốt phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây cũng là kênh thông tin tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và hôn nhân gia đình. Qua hơn 3 năm hoạt động, điều đáng mừng nhất là địa chỉ chưa tiếp nhận nạn nhân nào tạm lánh do bị bạo lực gia đình, trên địa bàn thôn cũng chưa ghi nhận vụ việc bạo lực gia đình. “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” thực sự đã trở thành cầu nối hàn gắn những rạn nứt trong mâu thuẫn gia đình, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của Nhân dân, tiến tới xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, bà Phi Srônh K' In chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là một trong những mô hình thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025). Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng mô hình như một giải pháp thiết thực và kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền con người, bình đẳng giới và phòng ngừa vi phạm pháp luật, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS khó tiếp cận các dịch vụ xã hội, một số vùng DTTS còn có phong tục, tập quán lạc hậu.
Hiện nay, trong toàn tỉnh có 97 Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, trong đó các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Dự án 8 đã xây dựng được 27 mô hình với 405 thành viên. Qua 4 năm thực hiện, mô hình chỉ nhận được 1 trường hợp tạm lánh qua đêm tại “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Điều đó đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mô hình trong việc nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, giúp tạo dựng lòng tin giữa người dân và hệ thống hỗ trợ, khơi dậy sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, già làng, trưởng bản và cộng đồng góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em, gắn kết cộng đồng dân cư.
• NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG MÔ HÌNH
Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” bước đầu mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, việc triển khai mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, tâm lý của phần đa nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái khi bị bạo hành thường chọn cách hành xử im lặng, chịu đựng vì nghĩ rằng đây là chuyện riêng, nói ra sợ mang tiếng; một số vụ việc bị xử lý theo tập tục như phạt rượu, xin lỗi..., không đảm bảo quyền lợi pháp lý của nạn nhân.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, hầu như các “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” vẫn đặt nhờ ở nhà những người có uy tín trong thôn nên khó khăn về không gian sinh hoạt, không có phòng riêng để tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, thiếu an ninh, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người được hỗ trợ ở lại tạm thời. Mặt khác, các thành viên mô hình phần lớn đều làm việc kiêm nhiệm, không có thời gian, không có chế độ hỗ trợ nên khó duy trì nhiệt huyết lâu dài và hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống, thiếu thông tin pháp lý nên khi tiếp nhận nạn nhân, họ lúng túng trong các khâu như bảo vệ thông tin, hướng dẫn nạn nhân khai báo, kết nối dịch vụ y tế - pháp lý... Nguồn lực cho hoạt động mô hình còn hạn chế và sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa thực sự hiệu quả cũng khiến mô hình gặp nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN các cấp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; giới thiệu việc làm và hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị bạo lực gia đình để giúp họ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, có uy tín để quản lý mô hình; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trang bị các kỹ năng, nâng cao kiến thức cho thành viên mô hình; phân bổ kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên cho các “Tổ truyền thông cộng đồng”, Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin