Ðà Lạt một lần trăng

09:07, 02/07/2015

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng / Ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi / Tiếng móng ngựa gõ giòn dốc vắng / Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
Ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi
Tiếng móng ngựa gõ giòn dốc vắng
Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi
 
Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi
 
Em biết chứ chả ai lơ đãng cả
Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng
 
NGUYỄN DUY
 
Lời bình: 
 
Nhà thơ Nguyễn Duy viết “Đà Lạt một lần trăng” chứ không phải là “Đà Lạt mùa trăng” hay “Trăng Đà Lạt”. Cái giây phút hiếm hoi “Một lần trăng” ấy trong đời, cái khoảnh khắc bất chợt với những vu vơ bất chợt với bất chợt ở một miền sương khói ảo ảnh đã cho ông cảm hứng viết “Đà Lạt một lần trăng”.
 
Mở đầu bài thơ là một không gian rất Đà Lạt. Có “Sương trắng”, có “Tiếng móng ngựa gõ giòn dốc vắng” và “Chiếc lá thông rơi”. Âm thanh xa lại gần, cao xuống thấp. Một sự dịch chuyển tâm trạng từ xa mờ đến rõ rệt, từ mơ hồ đến cụ thể. Có một câu thơ ngỡ như phi lý “Ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi”. Thường, thì người ta định vị ngôi nhà bằng hình khối nhưng ở đây lại mong manh ngọn gió, là có tâm trạng, là gợi mở một không gian động để thu về một không gian tâm tưởng, mở cánh cửa tâm tình cho một khung cảnh ấm áp tình người: “Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ”. Một sự quan sát thực tế, cụ thể. Từ chất liệu “Củi ngo” đến cả kích thước “Chẻ nhỏ” rất mộc mạc đời thường, thật tự nhiên, giản dị. Chính cái củi ngo chẻ nhỏ của tâm trạng này đã cháy lên ngọn lửa bập bùng để “lấp đi khoảng vắng giữa hai người”. Ngọn lửa ấy không bùng lên một cách rừng rực mà cứ lách tách nỗi niềm kín đáo nhưng cũng rạo rực bồn chồn, có chút vụng về đáng yêu. Tôi rất thích hình ảnh: “Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi”. Hai chữ “Ấp úng” vừa thể hiện rất thật, rất gợi, rất sống động của vật thể. Nhưng lại nói hộ được bao nỗi niềm khi: “Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng”. Hai cặp “Lơ đãng nhìn” và “Nhìn lơ đãng” thật hay: Em lơ đãng nhìn ra khoảng không trước mặt, còn tôi lơ đãng nhìn em cũng chính là nhìn vào không gian tâm trạng ẩn chứa bao bí mật nỗi niềm. Cái vòng vo của một lối ca dao hiện đại cũng như ca dao xưa đã nói: “Gặp nhau khó nói, trao lời khó trao” đã tạo cho trăng Đà Lạt cái cớ lập lờ, không phải trong sương trắng nữa mà đã hóa thân dù là ảo ảnh vào bếp lửa mà: “Hòn than kia đã đỏ hết lòng”, bởi “Em biết chứ chẳng ai lơ đãng cả”. Chính cái củi ngo chẻ nhỏ đã tạo ra: “Ngọn lửa cứ giả vờ le lói”. Le lói để dò hỏi, để “Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”.
 
Hai nhân vật không một đối thoại, chỉ vài động thái vu vơ mà ấm áp tâm tình biết bao khi được sống trong vòng tay thân thiết tin cậy của thiên nhiên, giao cảm với thiên thiên, tỏ tình nhờ thiên nhiên. Đây là một bài thơ tình khá độc đáo mang đậm nét phong cách Nguyễn Duy: một cách nói tưng tửng mà biết bao chiêm nghiệm. Trăng chỉ một lần xuất hiện duy nhất ở câu thơ đầu nhưng ảo ảnh trăng đã thấm đẫm trăng tạo nên cái phông trong suốt cho một tình huống để tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu, tình người với không gian Đà Lạt - một địa chỉ du lịch nổi tiếng không chỉ một lần trăng mà mãi mãi…                                         
NGUYỄN NGỌC PHÚ