Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa

10:09, 18/09/2014

Bài thơ Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của nhà văn nữ Bích Ngân được in trên báo "Nhân Dân cuối tuần" số ra ngày 17/6/2012. Bích Ngân là cây bút chuyên viết văn xuôi. Chị đã có một số tác phẩm được bạn đọc trong và ngoài nước hoan nghênh (như tuyển tập truyện ngắn "Bồng bềnh thiên sứ" do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành đã có một số truyện được dịch ra tiếng nước ngoài).

Giữa trùng trùng ngọn sóng
bài thơ thần Nam quốc sơn hà...
tạc lên vách đá
tạc vào đất trời
tạc vào tâm khảm
người người
 
Giữa trùng trùng bão cuốn
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
câu thơ được kết
bằng máu
bằng xương
bằng hồn thiêng
câu thơ cắm mốc chủ quyền lãnh thổ
 
Giữa biển trời bình yên
câu thơ sơn hà
ngấm vào từng tế bào thịt da Tổ quốc
và lắng sâu
trong tim
người người.
 
BÍCH NGÂN (viết trên tàu HQ 936, ngày 4-5-2012)
 
Bài thơ Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của nhà văn nữ Bích Ngân được in trên báo “Nhân Dân cuối tuần” số ra ngày 17/6/2012. Bích Ngân là cây bút chuyên viết văn xuôi. Chị đã có một số tác phẩm được bạn đọc trong và ngoài nước hoan nghênh (như tuyển tập truyện ngắn “Bồng bềnh thiên sứ” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành đã có một số truyện được dịch ra tiếng nước ngoài).
 
Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của nhà văn Bích Ngân là bài thơ theo thi hứng ngẫu nhiên của chị từ những cảm xúc về “chủ quyền lãnh thổ” được “cắm mốc” bằng bài thơ “Nam quốc sơn hà”- Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc giữa “trùng trùng ngọn sóng” được khắc trên bia đá trong am thờ Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Nhà văn Bích Ngân đã chia sẻ với báo TT&VH khi sáng tác bài thơ này như sau: “Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc xúc động khó diễn tả hết bằng lời khi nhìn thấy bài thơ thần: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” được khắc trên bệ đá đặt trong một am thờ với bát nhang tỏa khói. Lúc rời đảo lên tàu, vào cabin, leo lên chiếc giường ở tầng sát trần, nằm xấp trên giường, tôi gõ vào bàn phím bằng nhịp tim dồn dập: “Giữa trùng trùng ngọn sóng/ bài thơ thần Nam quốc sơn hà…”.
 
Bài thơ gồm có 3 khổ, mỗi khổ 6 dòng tách bạch, cân đối giúp người đọc dễ dàng nhận ra mạch cảm xúc của người viết theo 3 trạng thái của biển khơi: Ở khổ 1 là trạng thái đặc trưng của đại dương bão tố “trùng trùng bão cuốn” và khổ ba là “biển trời bình yên”.
 
Dù ở trạng thái nào của biển, thì bài thơ “Nam quốc sơn hà” vẫn “ tạc vào tâm khảm”, vẫn “kết bằng máu, bằng xương” và “lắng sâu trong tim người”…
 
Kết cấu bài thơ theo lối liên hoàn, điệp khúc bằng việc lặp lại các câu chữ ở ba dòng đầu ba khổ “giữa trùng trùng… giữa biển trời…” và dòng kết “người người” là một lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của dân tộc Việt Nam.
 
Bích Ngân có câu thơ lạ mà hay “câu thơ cắm mốc chủ quyền lãnh thổ” - một so sánh ngầm bằng nhiều sức gợi…
 
“Nam quốc sơn hà giữa Trường sa” dễ đọc, dễ nhớ, câu thơ ngắn, có nhịp điệu. Phải chăng vì những lý lẽ này mà các nhạc sỹ đã phổ nhạc bài thơ, giúp thi phẩm có sức lan tỏa trong lòng bạn yêu thơ?
 
Đọc Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của nhà văn Bích Ngân ta càng thêm yêu những cán bộ, chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc trong những ngày biển Đông “dậy sóng”. Trong những ngày qua Trung Quốc gia tăng sức ép, dùng nhiều tàu lớn, công suất cao để chèn ép, uy hiếp, đe dọa, không loại trừ đâm thẳng, xịt vòi rồng tàu chấp pháp Việt Nam, gây khó khăn cho việc tiếp cận gần vào khu vực giàn khoan. Càng vào sâu, tàu Việt Nam càng vấp phải sự ngăn cản quyết liệt, các chiến sĩ của ta luôn vững vàng tay súng, trong bất kỳ tình huống nào luôn bền gan vững chí để bảo vệ vững chắc biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
 
NGUYỄN VĂN THANH