Ngày Thơ Việt Nam - Dấu ấn sâu sắc trong hoạt động văn hóa

09:03, 01/03/2018

Hàng năm, mỗi mùa xuân về, anh chị em văn nghệ sĩ, các nhà thơ và công chúng yêu thơ trong cả nước háo hức chờ đợi Tết Nguyên Tiêu "Rằm tháng Giêng" để được sống trọn vẹn Ngày Thơ Việt Nam.

Hàng năm, mỗi mùa xuân về, anh chị em văn nghệ sĩ, các nhà thơ và công chúng yêu thơ trong cả nước háo hức chờ đợi Tết Nguyên Tiêu “Rằm tháng Giêng” để được sống trọn vẹn Ngày Thơ Việt Nam.
 
Ngày hội đua thuyền vui xuân ở huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Trương Thái Anh Quốc
Ngày hội đua thuyền vui xuân ở huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Trương Thái Anh Quốc
Lịch sử thơ Việt Nam
 
Trong các triều đại phong kiến trước đây, thơ ca Việt Nam đã hun đúc tinh thần yêu nước của dân tộc; thơ đã gắn bó máu thịt với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sử sách đã ghi, vào năm thứ 5 triều đại Lý Nhân Tông, năm 1076 có bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” (ở đền thờ hai tướng: Trương Hống và Trương Hát) được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Bài thơ Thần ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, bài thơ có sức “công phá” vào ý chí xâm lược của quân nhà Tống; đồng thời kêu gọi, khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân ta, góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của quân dân thời nhà Lý đánh tan 10 vạn quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt.
 
Thơ là “tiếng nói tâm hồn”. Thơ Việt Nam là hồn cốt của người Việt Nam! Thơ giữ vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan hướng về chân, thiện, mỹ. Không những thế thơ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, luôn luôn song hành với dân tộc Việt Nam qua bao đời giữ nước và dựng xây đất nước của ông cha ta. Đặc biệt, sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) đã xuất hiện những nhà văn, nhà thơ cách mạng “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng); hay như Tố Hữu, Xuân Thủy... Đỉnh cao là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn - nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, dẫu những năm tháng bị giam cầm trong lao tù tăm tối của chế độ Tưởng Giới Thạch vẫn “tinh thần ở ngoài lao”, Người đã viết “tuyên ngôn” bất hủ cho thơ cách mạng, khai mở nền văn học cách mạng Việt Nam: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Về chất “thép” mà Hồ Chí Minh đề cập, xin được dẫn giải về lời bình của nhà thơ Hoàng Trung Thông:
 
“Vần thơ của Bác, vần thơ thép
 Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”...
 
Chất “thép” trong thơ Hồ Chí Minh và thơ cách mạng là tính dân tộc, tính nhân dân, cao cả hơn là tính chiến đấu cho lý tưởng của cách mạng. Người chiến sĩ cách mạng làm thơ là để “lồng” tư tưởng, tình yêu nước, ý chí sắt đá (thép); dùng bút để làm “đòn chuyển xoay chuyển chế độ” - thay đổi thời cuộc; trước hết chống lại những thứ yếu hèn, rệu rã, ủy mị, mơ hồ; đồng thời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh của lòng yêu nước làm cách mạng, giành lại độc lập cho nước, tự do cho nhân dân. Bởi vậy, trong “chất thép” được lồng trong chất “tình” chứ không khô khan, cứng nhắc; đó là những tuyệt tác chứ không phải những khẩu hiệu chung chung...
 
Vị trí quan trọng của Thơ trong kháng chiến đi cùng “Tiếng hát át tiếng bom” sang sảng, tự hào là vậy; còn trong hòa bình, đổi mới xây dựng đất nước thơ trở thành “ngọn đuốc” sáng dẫn dắt nhân dân xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam giàu nhân văn, yêu hòa bình và chung sức, chung lòng tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”... 
 
Sự quan tâm của Đảng đối với thơ ca cách mạng
 
Dáng xuân. Ảnh: Lâm Thy
Dáng xuân. Ảnh: Lâm Thy
Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thống nhất và độc lập. Cảm xúc về nhân dân, về đất nước, về tình yêu Tổ quốc... in đậm dấu ấn trong thơ ca. Thơ thành nhu cầu của mọi tâm hồn. Từ phố phường cho đến thôn xóm, thơ đã thật sự trở thành một hình thái sinh hoạt của đồng bào ta qua các câu lạc bộ thơ. 
 
Từ năm 2003 đến nay, “Ngày Thơ Việt Nam” được tổ chức trên toàn lãnh thổ, do các Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành làm nòng cốt. Độc giả có dịp gặp gỡ các nhà thơ, thơ được đọc, bình thơ, thơ phổ nhạc, công chúng thưởng thức, giao lưu giữa những người làm thơ và bạn đọc, hát những ca khúc phổ thơ; các tác giả tặng thơ bạn bè và phát hành tác phẩm... Trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm về cơ chế chính sách, điều kiện cơ sở vật chất, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tự do sáng tác và kịp thời ghi nhận, tôn vinh những thành tựu lao động sáng tạo đạt đỉnh cao của văn nghệ sĩ trên tất cả các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thông qua việc trao các giải thưởng hàng năm, tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân...
 
 Tại Lâm Đồng, “Ngày Thơ Việt Nam” liên tục gần 15 năm qua được Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng phối hợp với các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng tổ chức đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ và nhất là học sinh, sinh viên. 
 
Để động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm đạt chất lượng, Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức các hội thảo chuyên đề, các buổi tọa đàm, hội thảo, công bố, giới thiệu tác giả - tác phẩm. Hội đã tổ chức nhiều đợt thực tế sáng tác ở các địa phương trong tỉnh và một số trại sáng tác ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho người cầm bút gắn bó, chia sẻ với đời sống nhân dân; phản ánh kịp thời và sinh động hiện thực công cuộc đổi mới, xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp. Qua đó, văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, những vần thơ đẹp giàu sức thuyết phục, đi vào lòng người, tạo niềm tin tốt đẹp về công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
 
 Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam là nhằm để tôn vinh và khẳng định vai trò vị trí, cũng như vẻ đẹp của thơ ca trong đời sống tâm hồn dân tộc và qua đây tạo nên sự cảm hứng, khuyến khích phong trào sáng tác thơ của tỉnh nhà trong tương lai...
 
KIỀU NINH